Bị hạ uy tín, doanh nghiệp 'tố' ngược đơn vị kiểm tra

Pháp luậtThứ Sáu, 10/08/2012 06:00:00 +07:00

(VTC News) – Từ đơn thư tố cáo không rõ nguồn gốc, cơ quan quản lý nhà nước ầm ĩ đến kiểm tra, không phát hiện sai phạm, gây ảnh hưởng uy tín doanh nghiệp.

(VTC News) – Từ đơn thư tố cáo không rõ nguồn gốc, cơ quan quản lý nhà nước ầm ĩ đến kiểm tra, không phát hiện sai phạm, gây ảnh hưởng uy tín doanh nghiệp.

Công ty TNHH Xuân Lan 727 có trụ sở tại 369 Xô Viết Nghệ Tĩnh, P.24, Q. Bình Thạnh, TP.HCM vừa có đơn thư đến các cơ quan chức năng khiếu nại về việc cán bộ quản lý thị trường ầm ĩ kéo đến kiểm tra nhưng không phát hiện được sai phạm đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng uy tín của doanh nghiệp.

Theo đó, ngày 20/6/2012 đã có hơn chục cán bộ quản lý thị trường (QLTT) đưa theo nhiều nhân viên của Hội chống gian lận thương mại và hỗ trợ người tiêu dùng TP.HCM (AFCA) bất ngờ kéo đến trụ sở Công ty hóa mỹ phẩm Xuân Lan 727 (Cty Xuân Lan)để kiểm tra.


Hai tháng sau cuộc kiểm tra, đội QLTT 3A (thuộc Chi cục QLTT TP.HCM) và hội AFCA vẫn không tìm ra được những sai phạm trên những sản phẩm của Xuân Lan, nhưng đã “tung” lên những thông tin trái chiều gây nên thiệt hại về uy tín cho Xuân Lan.

Bức xúc việc đó, phía Xuân Lan đã có công văn trình lên các Sở, ban ngành liên quan để “minh oan” cho mình.


Cũng gần 2 tháng sau cuộc kiểm tra, Sở Công Thương TP.HCM đã có những kết luận chỉ rõ sai phạm của Đội QLTT 3A cũng như Hội AFCA trong việc kiểm tra Cty Xuân Lan cũng như nhiều hoạt động trái pháp luật khác.


Đội quản lý thị trường 3A đang kiểm tra Công ty Xuân Lan 727 

Theo công văn của Sở Công thương gửi UBND TP.HCM về kết quả kiểm tra những nội dung tố cáo của nhiều doanh nghiệp liên quan đến hoạt động của Đội QLTT 3A và Hội AFCA kết luận:

Đội QLTT 3A chưa thực hiện phản hồi kết quả đề nghị kiểm tra và xử lý các đơn vị xâm phạm sở hữu trí tuệ cho Công ty Xuân Lan 727.


Đội QLTT 3A chưa đảm bảo bí mật thông tin đối tượng kiểm tra; không có biện pháp ngăn chặn sự tham gia của người ngoài lực lượng (các thành viên của AFCA) như yêu cầu bố trí nơi làm việc riêng và người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp phải trực tiếp làm việc với tổ kiểm tra; Quyết định khám xét không có căn cứ chuẩn xác.

Bên cạnh đó, theo quyết định kiểm tra thì Đội QLTT 3A nhận định “doanh nghiệp có hành vi vi phạm trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp thế nhưng kết quả kiểm tra lại bị tùy tiện chuyển sang việc "có dấu hiệu vi phạm nhãn hàng hóa ghi không đúng bản chất sự thật về nguồn gốc hàng hóa mỹ phẩm”.

Đối với quyết định khám xét trụ sở Cty Xuân Lan do Phó chủ tịch UBND Quận Bình Thạnh ký, Sở Công thương cũng kết luận Chủ tịch UBND Quận Bình Thạnh chưa thực hiện đúng quy định.

Vì đây là một trong những biện pháp ngăn chặn hành chính được quy định và yêu cầu tuân thủ nghiêm ngặt tại điều 43 của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính.

Trong khi đó, văn bản số 193/UBND ngày 24/11/2011 của Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh ủy quyền cho Phó Chủ tịch ký văn bản chấp thuận khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thể hiện sự ủy quyền dài hạn lại được thể hiện bằng công văn, không ghi rõ thời gian ủy quyền
.
Đại diện công ty Xuân Lan 727 đang làm việc với đại diện Hội AFCA 

Cùng với việc chỉ rõ những sai phạm của Đội QLTT 3A , Sở Công thương cũng có kết luận chỉ ra hàng loạt sai phạm của Hội AFCA.

Theo đó, Hội AFCA hoạt động theo Điều lệ đã được Chủ tịch UBND TP phê duyệt, quy định hội viên của AFCA là cá nhân. Tuy nhiên, hiện tại AFCA kết nạp nhiều hội viên là doanh nghiệp trái với điều lệ đã được phê duyệt. Mức phí hội viên của AFCA quy định với doanh nghiệp cũng rất cao.


Về nội dung Cty Xuân Lan 727 tố cáo: “AFCA đã được Đội QLTT 3A thông tin về việc tổ chức kiểm tra Cty Xuân Lan và cùng có mặt tham gia” cũng được Sở Công thương kết luận là có cơ sở.

Việc Tổng thư ký Hội, Chánh Văn phòng Hội và chuyên viên xử lý khiếu nại cho rằng người của Hội có mặt tại thời điểm Đội QLTT 3A kiểm tra Công ty Xuân Lan 727 để thực hiện chuyển đơn tố cáo của người tiêu dùng đến Công ty Xuân Lan 727 là không hợp lý vì giấy giới thiệu đã ghi rõ: “Phối hợp với lực lượng QLTT tuyên truyền kiến thức pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng”.

Việc này đã gây bức xúc cho doanh nghiệp và gây nghi ngờ về việc liệu có uẩn khúc nào trong hành động “sai phạm móc nối sai phạm” của Đội QLTT 3A và Hội AFCA
.

Sở Công thương cũng cho rằng, về chức năng của AFCA là “hỗ trợ người tiêu dùng và chống lại các hoạt động gian lận thương mại” nên với một tổ chức xã hội vừa thực hiện bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp, vừa bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng là không phù hợp, dễ dẫn đến sự việc có cá nhân lợi dụng hoạt động của Hội phục vụ cho những mục đích khác.

Bên cạnh đó có những thành viên giữ vai trò chủ chốt của AFCA lại là người đại diện theo ủy quyền của các doanh nghiệp là đối thủ cạnh tranh dẫn đến sự nghi ngờ trong doanh nghiệp.

Với những kết luận trong công văn của Sở Công thương, những sai phạm của đội QLTT 3A cũng như của Hội AFCA đã được chỉ rõ.

Tuy nhiên, ông Ngô Quang Định, Giám đốc Cty Xuân Lan 727 cho biết, ông rất hoan nghênh trước những kết luận khách quan của Sở Công thương, thế nhưng vẫn chờ một kết luận rõ ràng hơn về trách nhiệm trực tiếp của những cán bộ thực thi đã để xảy ra sai phạm gây thiệt hại lớn về uy tín cho doanh nghiệp.


"Tôi mong muốn các cơ quan chức năng làm rõ những uẩn khúc ở đây. Việc AFCA tham gia kiểm tra là có vấn đề. Vì trước đây chúng tôi cũng đã có đơn tố cáo với quản lý thị trường về việc Công ty Bảy hai bảy làm nhái sản phẩm của Công ty Xuân Lan 727. Trong đó, bà Nguyễn Minh Hương là ủy viên Ban Thường trực, Phó Chủ tịch AFCA, đồng thời cũng là trưởng văn phòng luật sư A Hòa đang được ủy quyền làm đại diện cho công ty Bảy hai bảy này" - ông Định bức xúc.

Ông Định cũng nói thêm, từ ngày ông Lý Ngọc Thắng, Đội trưởng đội QLTT 3A cung cấp một số thông tin không đúng sự thật về Công ty Xuân Lan 727 phát trên kênh truyền hình HTV tối ngày 06/07/2012 đã khiến Công ty bị xâm hại uy tín nghiêm trọng. Sau bài phóng sự đó công ty hầu như không bán được hàng, nếu tình trạng này tiếp diễn có thể dẫn đến sự phá sản của công ty.

Trao đổi với PV VTC News, luật sư Phạm Đình Hưng (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, theo Điều 45, 49 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính được sửa đổi bổ sung 2008 thì:

Đội trưởng quản lý thị trường có thẩm quyền ra quyết định khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Tuy nhiên trong trường hợp nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là nơi ở thì quyết định khám phải được sự đồng ý bằng văn bản của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện trước khi tiến hành. Do vậy nếu phó chủ tịch cấp Huyện ký là sai về thẩm quyền, trái quy định pháp luật.

Theo quy định về luật khiếu nại tố cáo (nay là luật khiếu nại, luật tố cáo) thì: Công dân theo thủ tục do Luật này quy định có quyền và nghĩa vụ báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.

Người tố cáo cũng có quyền yêu cầu khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp đã bị xâm phạm; được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Ngoài ra hiện nay Luật Tố tụng hành chính cũng cho phép cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền khởi kiện vụ án hành chính (hành vi hành chính hoặc quyết định hành chính) để yêu cầu Toà án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Trường hợp có bằng chứng rõ ràng trong vụ việc xảy ra có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì công dân cũng có quyền và nghĩa vụ tố giác tội phạm với Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án hoặc với các cơ quan khác, tổ chức để xử lý theo quy định pháp luật theo quy định tại Điều 101 Bộ Luật Tố tụng Hình sự.

Ngọc Thân
Bình luận
vtcnews.vn