Bị giữ ở sân bay Đức vì biến thể COVID-19, du khách Anh lên mạng xã hội cầu cứu

Thời sự quốc tếThứ Hai, 21/12/2020 16:22:00 +07:00
(VTC News) -

Bầu không khí ở sân bay Đức trở nên căng thẳng khi nhiều du khách Anh bị giữ lại qua đêm để làm xét nghiệm COVID-19.

"Xin hãy giúp chúng tôi rời đi", Manuela Thomys trong đoạn video đăng trên mạng xã hội. 

Thomys nằm trong hàng chục hành khách Anh mắc kẹt tại sân bay Đức hôm 20/12. 

Nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm Đức, Pháp, Italia bắt đầu cấm các chuyến bay và du khách tới từ Anh sau khi xứ sở sương mù phát hiện một biến thể mới của COVID-19. 

Với các du khách tới Đức hôm 20/12, họ bị ngăn không cho rời sân bay. Các nhân viên y tế mặc những bộ đồ bảo hộ tiếp cận và yêu cầu họ làm xét nghiệm ngay lập tức. 

Các biện pháp này ảnh hưởng tới 63 người đến Hanover từ Anh. Họ bị giữ lại qua đêm và không được rời sân bay cho tới khi nhận được kết quả xét nghiệm âm tính

Bị giữ ở sân bay Đức vì biến thể COVID-19, du khách Anh lên mạng xã hội cầu cứu - 1

Một điểm test COVID-19 ở sân bay Đức. (Ảnh: Reuters)

Với các du khách này, bầu không khí khá căng thẳng. 

"Chúng tôi đang ở sân bay Hanover và bị giữ lại. Chúng tôi phải làm xét nghiệm và bị cấm rời khỏi trong khi chờ kết quả", Thomys cho biết. 

Trong clip Thomys đăng tải, có cả một em bé chín tháng tuổi. 

Chính quyền địa phương đã lên tiếng xin lỗi về những bất tiện này trước Giáng sinh. 

"Mục đích của chúng tôi là ngăn chặn biến thể mới của virus COVID-19 xâm nhập vào khu vực", Andreas Kranz - quan chức y tế của Hanover cho biết. 

Hôm 17/12, Đức báo cáo số ca nhiễm mới trong ngày ở mức độ kỷ lục với hơn 30.000 ca bệnh. Nước này hiện ghi nhận hơn 24.125 người chết vì dịch.

Các nhà khoa học Anh lần đầu tiên phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 mà họ tin có khả năng lây nhiễm trên 70% ở một bệnh nhân vào tháng 9. 

Tuy nhiên tới đây tuần trước, Anh mới xác nhận vệ sự tồn tại của biến thể này. 

Tới ngày 19/12, Thủ tướng Boris Johnson áp lệnh phong tỏa thủ đô London cùng phần lớn khu vực đông nam nước Anh. 

Hồi chuông cảnh báo được gióng lên khắp châu Âu sau động thái này. 

Tuần trước, châu Âu trở thành khu vực đầu tiên trên thế giới vượt mốc 500.000 người vì dịch. 

Một phát ngôn viên của Tổ chức Y tế Thế giới thừa nhận "khắp châu Âu - nơi sự lây nhiễm đang rất dữ dội và lan rộng, các quốc gia cần tăng gấp đôi các phương pháp kiểm soát và phòng ngừa".

Song Hy(Nguồn: AFP)
Bình luận
vtcnews.vn