Bị ép cho không anh chồng căn nhà, nàng dâu xử lý khéo khiến mẹ chồng chịu thua

Gia đìnhThứ Ba, 08/11/2022 15:39:00 +07:00
(VTC News) -

Biết Xuân Mị quyết định bán cho em ruột căn nhà mà bố mẹ cho cô làm của hồi môn, mẹ chồng liền nổi giận, hỏi tại sao không tặng anh chồng sắp kết hôn căn nhà đó.

Khi kết hôn cách đây 2 năm, Xuân Mị (Trung Quốc) được bố mẹ đẻ cho một ngôi nhà làm của hồi môn. Điều này khiến nhà trai rất hài lòng vì ở địa phương, rất nhiều phụ nữ lấy chồng với số của hồi môn ít ỏi, thậm chí là không có.

Thực ra ban đầu, bố mẹ Xuân Mị định bán nhà để lấy tiền cho con gái, nhưng ngôi nhà này khó bán vì ở vị trí hẻo lánh, rao trên các sàn bất động sản cũng có rất ít người đi xem.

Sau khi vợ chồng Xuân Mị cưới nhau, căn nhà hồi môn bị bỏ trống. Lâu lâu cô mới quét dọn với hy vọng có thể cho thuê, coi như một khoản thu nhập nhỏ.

Mới đây, em trai của Xuân Mị quyết định sẽ lấy vợ. Bố mẹ muốn mua cho cậu ấy một căn hộ ở trung tâm quận nhưng giá quá cao. Bản thân cậu em không muốn mẹ chồng nàng dâu sống chung sau khi cưới nên đã đến gặp Xuân Mị đề xuất nguyện vọng mua lại căn nhà hồi môn của chị gái, vì tuy vị trí hơi xa nhưng vẫn thuận tiện để lái xe đi làm.

Xuân Mị về bàn với ông xã: "Chồng à, em muốn để căn nhà đó cho em trai lấy vợ. Cậu ấy muốn được trả góp theo giá thị trường hiện tại. Là chị em ruột nên em không muốn tính toán quá sòng phẳng. Em muốn bớt cho cậu ấy 80 nghìn tệ, anh thấy có được không?”.  

Sau khi chồng bày tỏ ý kiến, cuối cùng Xuân Mị giảm cho em trai 60 nghìn tệ. Vụ giao dịch nhanh chóng được thỏa thuận.

Bị ép cho không anh chồng căn nhà, nàng dâu xử lý khéo khiến mẹ chồng chịu thua - 1

(Ảnh minh họa)

Khi biết chuyện, mẹ chồng Xuân Mị rất tức giận. Bà lập tức tìm tới nhà chất vấn: "Con dâu, tại sao nhà hồi môn lại cho em trai con mà không cho anh chồng? Con không biết nó cũng sắp cưới vợ sao? Con là phụ nữ đã đi lấy chồng thì không thể chỉ nghĩ về nhà đẻ được”.

Xuân Mị nói: "Mẹ ơi, căn nhà này không phải con cho em trai, mà con bán cho nó đấy chứ ạ. Mẹ có muốn mua cho anh không ạ?".

Mẹ chồng im lặng. Tuy nhiên một thời gian sau đó, bà vẫn trách móc Xuân Mị về chuyện căn nhà, và hay kiếm cớ mắng mỏ, gây sự với cô về những chuyện rất nhỏ nhặt.

Một hôm, Xuân Mị quyết định hỏi thẳng: "Mẹ, mẹ vẫn còn giận con vì chuyện căn nhà đó sao?”. Mẹ chồng hậm hực nói: “Bán nhà mà không báo cho tôi, tự mình quyết định…”.

Xuân Mị trình bày: “Mẹ à, khi con kết hôn, bố mẹ hai bên đã bàn bạc chuyện hồi môn và lễ vật rồi, và đã thỏa thuận rằng vợ chồng con là người quyết định. Việc bán căn nhà hồi môn cho em trai, vợ chồng con đã bàn bạc với nhau rồi mới quyết, nên con mong mẹ tôn trọng quyết định của chúng con. Hơn nữa, con thấy anh chồng con không thích căn nhà đó vì vị trí quá xa, không có ô tô thì đi lại rất bất tiện, anh ấy lại chưa có bằng lái nữa”.

Trước lý lẽ của Xuân Mị, mẹ chồng im lặng, từ đó bà không bao giờ nhắc đến chuyện này nữa. Rồi khi em trai cô kết hôn, nhìn thấy căn nhà được bài trí rất ấm áp, chồng cô gật gù bảo: "Vợ à, ngôi nhà này thực sự rất hợp với hai đứa nó".

Những tình huống như Xuân Mị, không ít phụ nữ khác cũng gặp phải khi làm dâu. Liên quan đến tài sản hồi môn hay giúp đỡ nhà ngoại, việc xử lý không khéo rất dễ gây khúc mắc trong gia đình chồng. Trong chuyện này, Xuân Mị không làm sai nhưng vẫn bị mẹ chồng cố tình gây khó dễ, bí quyết xử lý mọi việc êm đẹp của cô là:

1. Rõ ràng và tuân thủ các nguyên tắc

Điều mấu chốt là các quyền và lợi ích thuộc về bản thân cần được nói rõ, không nhượng bộ một cách tùy tiện. Khi mẹ chồng muốn Xuân Mị cho anh chồng ngôi nhà của mình thay vì cho em ruột, cô nói rõ ngay rằng nhà này cô bán chứ không cho. Khi bà phàn nàn chuyện tự ý bán nhà, cô nói rõ đã bàn bạc với chồng và đó là quyết định của cả hai vợ chồng cô, và đó là quyền của vợ chồng cô.

2. Đừng cùng chồng trên một chiến tuyến

Không hiếm mẹ chồng làm khó con dâu, lúc này vợ chồng phải đoàn kết, nếu chồng không đứng về phía vợ thì người vợ sẽ phải một mình đối phó với cả nhà chồng. Còn khi vợ chồng đứng trên một mặt trận thì lợi ích của gia đình nhỏ phải được đặt lên hàng đầu. Nếu cho không anh chồng ngôi nhà thì người bị thiệt thòi không chỉ là Xuân Mị mà là cả gia đình nhỏ. Do đó, người chồng sẽ đồng thuận với cô.

3. Để mẹ chồng biết khó mà rút

Mẹ chồng muốn thay mặt anh chồng “xin” nhà, Xuân Mị nói rõ chỉ có thể giảm giá bán chứ không cho không. Không muốn bà mất mặt, cô phân tích ưu nhược điểm của căn nhà, chứng minh nó không phù hợp để mua cho anh chồng, khiến bà thấy khó mà rút lui.

Không to tiếng cãi vã với mẹ chồng, cũng không nhu nhược nghe theo yêu cầu vô lý của bà, Xuân Mị thể hiện chính kiến, cách nghĩ ​​và chiến lược của riêng mình, chuyện được giải quyết êm xuôi và mẹ chồng cũng không có lý do gì để căn vặn chuyện căn nhà hồi môn nữa.

Tường Lâm(Nguồn: Sohu)
Bình luận
vtcnews.vn