Bị cuốn vào cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc, Canada đang phải trả giá đắt

Thế giớiThứ Hai, 17/12/2018 08:09:00 +07:00

Bị cuốn vào cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc trong vụ bắt giữ Giám đốc tài chính Huawei, Canada đang bắt đầu ngấm các đòn trả đũa của Bắc Kinh.

Canada hôm 1/12 bắt giữ giám đốc tài chính Huawei Mạch Vãn Chu tại sân bay quốc tế Vancouver theo yêu cầu từ Mỹ với cáo buộc bà này thông qua việc sử dụng công ty con của Huawei - Skycom Tech thực hiện các giao dịch với Iran, vi phạm các lệnh trừng phạt của Washington. 

Sau 10 ngày bị giam giữ tại một trung tâm cải huấn và trải qua các phiên điều trần dài bất thường, bà Mạch hiện bị quản thúc tại Vancouver với số tiền bảo lãnh lên tới 7,5 triệu USD. Con gái nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi cũng đang phải đối mặt với nguy cơ bị dẫn độ về Mỹ và án phạt ít nhất là 30 năm tù giam. 

Video: Giám đốc tài chính Huawei được tại ngoại ở Canada

Theo CNN, Canada đã tuân thủ đầy đủ các quy tắc khi bắt giữ bà Mạch nhưng giờ đây Ottawa đang phải trả giá. Bắt giữ CFO của Huawei không phải là vấn đề nhỏ, nó tương tự như việc Trung Quốc bắt giữ CEO Tim Cook của Apple bởi vai trò rất lớn của Huawei trong chiến lược phát triển công nghệ toàn cầu của Bắc Kinh. 

Vậy nên dù muốn dù không, ngay khi Ottawa đồng ý yêu cầu của Mỹ, họ đã bị cuốn vào một cuộc chiến không thể chối cãi giữa Mỹ và Trung Quốc. 

Canada được cho là đang hết sức thất vọng sau khi Tổng thống Trump bày tỏ ông sẵn sàng chính trị hóa vụ bắt giữ bà Mạch và sử dụng nó như con bài mặc cả để bảo vệ lợi ích kinh tế và an ninh quốc gia của Mỹ. Ottawa cũng phải chịu những tổn thất đầu tiên về mặt con người sau khi Trung Quốc bắt giữ 2 công dân nước này trong một động thái trả đũa. 

Tuy nhiên, những hệ lụy trong tương lai có thể còn nặng nề hơn. Vụ bắt giữ bà Mạch có nguy cơ sẽ trở thành một thảm họa chính sách đối ngoại dài hạn đối với một chính phủ tương đối trẻ và thiếu kinh nghiệm của Thủ tướng Justin Trudeau. Ottawa hiện vẫn chưa hết "bầm dập" sau các hành động trả đũa gay gắt của Ả-rập Xê-út đáp trả các tuyên bố chỉ trích vấn đề nhân quyền của Ottawa nhắm vào Riyadh hồi tháng 8 năm nay. 

Triển vọng hợp tác giữa Canada và Trung Quốc có thể sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ sau vụ việc, điều chắc chắn quốc gia Bắc Mỹ không hề mong muốn khi họ đang cố gắng tăng cường thương mại và đầu tư với Trung Quốc sau khi quan hệ kinh tế Mỹ-Trung xấu đi đáng kể vì chiến tranh thương mại. 

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Canada sau Mỹ. Với giao dịch 2 chiều đạt 73 tỷ USD trong 9 tháng đầu tiên, khả năng Bắc Kinh gây tổn hại cho kinh tế Canada đang là vấn đề nhãn tiền mà Ottawa phải đối mặt. 

"Điều này đặt chúng ta vào một tình thế tồi tệ. Các bước tiếp theo rất quan trọng. Chúng ta cần tách biệt vấn đề chính trị xung quanh các yêu cầu dẫn độ pháp lý mà chúng ta bị ràng buộc với tình hình chính trị xung quanh các vấn đề thương mại có thể tác động đáng kể đến nền kinh tế Canada", Victoria Pelletier, giám đốc điều hành của IBM Global Services phân tích. 

canada-0714082

  Hai công dân Canada bị Trung Quốc bắt giữ. (Ảnh: NYT)

Một số chuyên gia khác cho rằng bất chấp việc Trung Quốc đang gây áp lực, Canada cần phải tỏ rõ thái độ với Bắc Kinh. 

"Nếu Bắc Kinh tiếp tục trừng phạt Canada, chúng ta có thể tạm ngưng các cuộc đàm phán về thương mại tự do với Trung Quốc, đặc biệt là nếu Bắc Kinh tiếp tục bắt giữ người Canada. Chúng ta phải làm rõ hành vi vô pháp luật này", chuyên gia người Canada Andrew Coyne nói.

Theo ông này, Canada cũng có thể sát cánh cùng các quốc gia khác trong Five Eyes (Năm con mắt) - mạng lưới chia sẻ tình báo hàng đầu thế giới hiện nay bao gồm Anh, Mỹ, Canada, Úc và New Zealand - liên minh hợp tác để trao đổi các thông tin bí mật liên quan đến hoạt động đối ngoại của Trung Quốc và cuối cùng quyết định có cấp quyền để Huawei xây dựng hệ thống mạng 5G mới cho Canada hay không.

Trung Quốc đang phải đối mặt với hàng loạt các chỉ trích đến từ đủ các lĩnh vực từ các hành động gây hấn trên Biển Đông tới Sáng kiến Vành đai và Con đường tham vọng của nước này. Vậy nên theo CNN, Canada cần đa dạng hóa các hạng mục đầu tư thương mại, tăng cường đầu tư vào các quốc gia Đông Nam Á, tham vấn các chính sách của chính khách lão làng như Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad, người đã bày tỏ thái độ cứng rắn với Bắc Kinh sau khi lên nắm quyền. 

Song Hy
Bình luận
vtcnews.vn