Bị CSGT tước giấy phép lái xe, có thể sang tỉnh khác làm lại không?

Thời sựThứ Ba, 12/03/2019 14:28:00 +07:00

Đơn vị quản lý cấp giấy phép lái xe đã lên tiếng trả lời xung quanh nghi vấn khi bị CSGT tước giấy phép lái xe, người vi phạm vẫn có thể làm lại ở tỉnh khác.

Đề xuất tất cả những người mất giấy phép lái xe phải thi lại của Bộ trưởng Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể đang khiến dư luận xôn xao. 

Cũng liên quan đến quy trình cấp phát bằng lái xe, một số ý kiến cho rằng, người vi phạm khi bị thu giữ giấy phép lái xe (GPLX), có thể sang tỉnh khác để làm bằng mới. Từ đó nhiều người đặt ra câu hỏi, liệu dữ liệu quản lý hồ sơ của người vi phạm có đồng bộ, thống nhất trên cả nước?

f7feae854ebdace3f5ac

 Sau khi thu giữ bằng lái của người vi phạm, lực lượng chức năng sẽ gửi thông báo về cơ quan cấp GPLX cho chủ phương tiện.

Trả lời PV VTC News về vấn đề này, đại diện Phòng quản lý phương tiện và người lái Hà Nội cho biết, sau khi nhận được thông báo bằng văn bản của cơ quan chức năng địa phương về việc xử phạt người vi phạm, đơn vị sẽ lưu trữ thông tin vào trang web Trang thông tin lái xe http://gplx.gov.vn của Tổng cục đường bộ.

Theo đó, cán bộ nhân viên của Phòng quản lý phương tiện và người lái Hà Nội sẽ có một mã bảo mật riêng để lưu trữ hồ sơ, thông tin của người vi phạm vào trang web trên. Sau khi lưu xong, toàn bộ dữ liệu sẽ được cập nhật lên trang web và đồng bộ dữ liệu với 62 tỉnh thành khác.

"Sau khi nhận được hồ sơ vi phạm, tôi sẽ đưa lên phần mềm Trang thông tin giấy phép lái xe, đây là trang web của toàn quốc. Sau khi cập nhật xong thì sẽ hiện ra các lỗi vi phạm của chủ thể", đại diện Phòng quản lý phương tiện và người lái Hà Nội cho biết

Vị này cũng khẳng định người dân bị xử phạt vi phạm giao thông ở tỉnh A thì không thể sang tỉnh B để làm lại bằng lái.

Người dân cũng có thể tra cứu xem lỗi vi phạm, bằng thật hay giả bằng cách điền số GPLX và số seri trên bằng lái vào mục Tra cứu GPLX.

Capture

 Trang web Trang thông tin lái xe giúp cơ quan chức năng lưu trữ, đồng bộ thông tin của người vi phạm đến các đơn vị khác trong cả nước.

Theo luật sư Trần Xuân Tiền - Đoàn Luật sư TP Hà Nội, để tránh trường hợp bị tước bằng ở tỉnh A, sang tỉnh B thi lại lấy GPLX mới, theo Điều 11 và Điều 12 Thông tư 07/2013/TT-BGTVT, thì cơ quan trực tiếp quản lý hệ thống thông tin GPLX tại địa phương có trách nhiệm gửi thông tin đến cơ quan quản lý cùng ngành ở trung ương, để xác thực và đồng bộ vào cơ sở dữ liệu GPLX do Tổng cục Đường bộ Việt Nam quản lý.

Do đó, khi một người bị tước GPLX sẽ được cập nhận trên trên cơ sở dữ liệu GPLX do Tổng cục Đường bộ Việt Nam quản lý. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 51 Thông tư 46/2012/TT-BGTVT, mỗi người chỉ được cấp 1 GPLX bằng vật liệu PET.

Video: Mất bằng lái xe đều phải thi lại có hợp lý?

Nếu một người đã được cấp bằng lái xe, nay muốn cấp bằng lái xe mới thì cơ quan cấp phải kiểm tra xem liệu cá nhân đó đã được cấp GPLX chưa, bằng cách sử dụng phần mềm tra cứu GPLX theo tên và chứng minh nhân dân.

Theo khoản 14 Điều 33 thông tư 02/2017/TT-BGTVT, trong trường hợp người có hành vi gian dối để được cấp mới GPLX, ngoài việc bị cơ quan quản lý GPLX ra quyết định thu hồi  GPLX, hồ sơ gốc và cập nhật dữ liệu quản lý trên hệ thống còn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Mức xử phạt đối với hành vi gian dối để cấp GPLX trên được quy định tại điểm g Khoản 3 Điều 37 Nghị định 46/2016 (phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng). Ngoài ra, người này không được cấp GPLX trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm.

Mạnh Đoàn
Bình luận
vtcnews.vn