Bị bỏng nước sôi, bé 11 tháng tuổi chết do nhiễm trùng đường huyết nặng

Sức khỏeThứ Tư, 17/05/2017 07:45:00 +07:00

Các bác sĩ đã kết luận nguyên ngân gây ra cái chết cho cháu bé vô tình bị bỏng nước sôi khi đang chơi đùa là do nhiễm trùng đường huyết, khi mà thể trạng bé quá yếu và diện tích bỏng quá lớn đối với cơ thể.

Báo điện tử VTC News ngày 10/5 đã đưa tin về cái chết của cháu bé Chỉnh Văn K., sinh năm 2016, trú tại thôn Khuối Lác, xã Trung Thành, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.

Bé Chỉnh Văn K. bị bỏng nước sôi khi chơi đùa, được gia đình đưa vào BVĐK tỉnh Hà Giang để chữa trị. Nhưng do bệnh tình chuyển biến xấu, cháu được chuyển xuống Viện Bỏng Quốc gia để chữa trị nhưng không qua khỏi.

Vì quá đau lòng trước sự ra đi đột ngột của người thân, không tin vào việc cháu bị mất do thương tích quá nặng, gia đình đã gọi điện đến Báo điện tử VTC News phản ánh và nhờ báo làm rõ nguyên nhân.

Trả lời PV báo điện tử VTC News qua điện thoại, Thầy thuốc Ưu Tú, BSCK 2 Hoàng Tiến Việt, Giám đốc BVĐK tỉnh Hà Giang cho biết, cháu K. nhập viện trong tình trạng bị bỏng nước sôi với diện tích bỏng lên tới 12%, sâu độ 3, độ 4, rất nặng. “Đối với trẻ con, diện tích bỏng 10% đã là nặng, trên 10% cộng thêm độ sâu 3, 4 là rất nặng”, BS Việt nói.

Vẫn theo BS Việt, cháu Chỉnh Văn K. được bà và mẹ đưa vào nhập viện trong tình trạng bỏng nặng, không có giấy khai sinh, tuy nhiên các BS tại BVĐK tỉnh Hà Giang cũng hết sức chữa trị cho cháu theo đúng như quy trình điều trị cho mọi bệnh nhân.

Hinh anh

Vết thương của cháu K. bị nhiễm trùng rất nặng sau khi phẫu thuật xong (Ảnh: Gia đình cung cấp) 

Liên quan đến chuyên môn, BS Việt giải thích, khi bị bỏng, bệnh nhân sẽ bị sốc trong khoảng 72 giờ đầu do đau đớn, ở giai đoạn này, diện tích bỏng càng sâu, tỉ lệ sốc bỏng càng cao.

Trải qua 72 giờ, sẽ đến giai đoạn nhiễm trùng nhiễm độc, các chất thối, hỏng do bị bỏng sẽ hấp thu ngược vào cơ thể, quá trình này dài hay ngắn còn phụ thuộc vào thể trạng của bệnh nhân.

Sau khi trải qua giai đoạn nhiễm trùng, nhiễm độc, sẽ đến thải các tổ chức chết trên cơ thể, lúc này bệnh viện sẽ tiến hành phẫu thuật để cắt bỏ những tổ chức chết trên cơ thể. Việc này có thể tiến hành nhiều lần, phụ thuộc vào diện tích bỏng. Bệnh nhân có thể bị suy kiệt, sụt cân, trước khi bắt đầu quá trình hồi phục, da thịt phát triển trở lại.

Cháu Chỉnh Văn K. được chuyển xuống Viện Bỏng Quốc gia sau khi trải qua quá trình sốc bỏng và đang trong quá trình nhiễm trùng nhiễm độc.

Bởi cháu có diện tích bỏng lớn, cần phải chuyển tuyến để có đầy đủ khả năng lẫn cơ sở vật chất để phẫu phuật cắt bỏ và phục hồi da.

Tuy nhiên, cháu K. đã không qua khỏi, nguyên nhân cái chết được xác định do nhiễm trùng đường huyết nặng.

BS Việt cũng nhấn mạnh rằng, cháu được bà và mẹ đưa vào nhập viện, tuyệt nhiên không bố. Các BS đã tiến hành chữa trị đúng quy trình, giúp cháu qua được giai đoạn sốc bỏng nhưng cháu đã không qua khỏi do bị bỏng quá nặng.

Quá trình này phụ thuộc rất nhiều vào sức đề kháng của cơ thể, dù can thiệp đúng cách nhưng đối với trẻ em có sức đề kháng thấp, tỉ lệ xảy ra nhiễm trùng huyết, dẫn tới tử vong là rất lớn.

Việc gia đình cháu Chỉnh Văn K. phản ánh, không được đọc kỹ và giải thích các vấn đề trong giấy yêu cầu mổ, BS Việt khẳng định không thể có chuyện đó: “Chúng tôi sẽ đọc cho bệnh nhân nếu bệnh nhân không biết đọc, giải thích rõ ràng, nếu bệnh nhân không biết viết, sẽ viết hộ bệnh nhân và đọc lại để bệnh nhân hiểu sau đó điểm chỉ vào. Quá trình này luôn có người bên cạnh, không có chuyện để một mình và không cho đọc kỹ”.

Để có thông tin rõ hơn về nguyên nhân dẫn đến cái chết đau lòng của Cháu Chỉnh Văn K., PV VTC News liên hệ với lãnh đạo Viện Bỏng quốc gia. 

Hinh anh

 Vết thương của cháu K. khi nhập viện Viện Bỏng Quốc gia (Ảnh: Bệnh viện cung cấp)

Ông Lê Hà Trung, BSCK 2, Khoa Hồi sức Cấp cứu, Viện Bỏng Quốc gia, người tiếp nhận cháu khi được chuyển xuống có nói: “Khi nhập viện, gia đình thắc mắc rằng bệnh viện trên kia giữ lại cháu K., không cho chuyển đi, làm cho cháu nặng lên như thế này. Tôi cũng nói rõ rằng chúng tôi đã xem bệnh án điều trị trên kia và ghi nhận cháu nhập viện trong tình trạng rất nặng, các BS hết sức tập trung vào việc điều trị”.  

Tuy nhiên, theo BS Trung, việc điều trị còn phụ thuộc vào đáp ứng điều trị của cơ thể bệnh nhân, bệnh tiến triển nặng thêm đã khiến cháu tử vong.

Tiến sĩ Nguyễn Hải An, Chủ nhiệm Khoa Hồi sức Cấp cứu nói: “Mỗi bệnh nhân có một đáp ứng cơ thể, cơ địa một khác, cháu nhỏ có diện tích bỏng trên 10% là rất nguy hiểm, cộng thêm với độ sâu vết bỏng như thế là rất nặng. Không những thế, trẻ từ 6 tháng tới 3 tuổi còn có sức đề kháng rất kém".

Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Hải An, các BS tại BVĐK tỉnh Hà Giang cũng đã làm đúng theo quy trình điều trị cho bệnh nhân bỏng, nhưng với vết bỏng lên tới 12%, nhiễm khuẩn huyết nặng cùng với cơ địa yếu ớt thì khả năng tử vong là rất khó tránh khỏi.

Theo đánh giá chuyên môn, Tiến sĩ An nói có thể thấy ở bức ảnh gia đình cung cấp về vết bỏng, cháu đã bị bỏng sâu, khá nguy hiểm, chứ không đơn giản là vết bỏng nước sôi như mọi người lầm tưởng.

Hinh anh  3

Vết bỏng ban đầu của cháu K. (Ảnh: Gia đình cung cấp) 

“Đối với trẻ con, da còn mỏng thì thời gian tiếp xúc với nguồn làm bỏng là một trong những nguyên nhân dẫn tới việc bị bỏng sâu. Người lớn bỏng nước sôi chỉ 60 độ C đã gây tổn thương da, 45 độ C nhưng tiếp xúc lâu cũng có thể bị bỏng, chứ đừng nói là trẻ em da còn mỏng chưa chưa cứng cáp như người trưởng thành", Tiến sĩ An nói.

Cách sơ cứu khi bị bỏng

Tiên sĩ An khuyên khi cháu nhỏ bị bỏng nước sôi, cần phải loại bỏ ngay nguồn làm bỏng, quần áo ngấm nước sôi. Làm mát phần bị bỏng, đối với trẻ nhỏ, lấy khăn ẩm đắp lên rồi đổ nước sạch, nước lọc lên để làm mát.

Việc này có thể làm trong 15 phút đến 20 phút để làm giảm đau, tránh gây sốc, ngay sau đó phải đưa bệnh nhân vào viện để các bác sĩ có thể can thiệp kịp thời.

 Video: Mẹ bất cẩn, con trai 11 tháng tuổi bị cả ấm nước sôi đổ xuống đầu

Nguyên Hoàng
Bình luận
vtcnews.vn