Bí ẩn thảo dược trường thọ ở vùng đất những người trăm tuổi

Phóng sự - Khám pháThứ Sáu, 14/10/2016 07:05:00 +07:00

Người dân ở đây tiết lộ bí quyết sống trường thọ là do dùng loại thảo dược được gọi là “cây đái bay”, uống hàng ngày.

Kham khổ nhưng trường thọ

Nằm ở độ cao 1.200m so với mặt nước biển, xã Lũng Vân (Tân Lạc, Hòa Bình) quanh năm bao phủ bởi mây mù, núi non hùng vĩ nên còn được biết với tên gọi khác là thung mây, được ví như chốn “bồng lai tiên cảnh” bởi vẻ đẹp hút hồn trong sự giao thoa giữa đất và trời. Không chỉ vậy, nơi đây còn được biết tới là bởi một tên gọi khác là “thung lũng trường thọ”. Đó là miền đất mà ông Đinh Thanh Dững, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã nhẩm tính: “Cả xã có chưa đầy 400 nếp nhà, nhưng có tới gần 60 cụ thượng thọ (từ 80 tuổi trở lên), còn các cụ từ 70 đến dưới 80 thì có tới hàng trăm”.

1._Chuyen_ky_la_ve_thung_lung_truong_tho_1

 Một góc Lũng Vân

Lũng Vân là một xã nghèo bậc nhất của huyện Tân Lạc và gần như biệt lập với thế giới bên ngoài do núi cao bao quanh, đường sá đi lại khó khăn. Sự giao thương hầu như không nhiều, cho nên trong khẩu phần ăn hàng ngày của người dân ở đây hầu hết là những thứ sẵn có từ thiên nhiên hoặc những thứ do người dân tự trồng trọt được. Mặc dù cái nghèo vẫn đeo đẳng, thế nhưng ở Lũng Vân, các cụ có độ tuổi “xưa nay hiếm” lại nhiều vô kể. Người sống lâu nhất ở vùng đất này được ghi nhận đến nay là cụ Đinh Thị Hệu, sinh năm 1897 và mất tháng 2/2011, thọ 115 tuổi.

1._Chuyen_ky_la_ve_thung_lung_truong_tho_2

 Cụ Bùi Thị Ón thùa khuy áo cho chắt

Ông Dững tiết lộ thêm, mặc dù số người tuổi cao rất nhiều nhưng hầu hết các cụ ở đây vẫn luôn duy trì được một sức khỏe dẻo dai, 90-100 tuổi nhưng vẫn có thể giúp đỡ con cháu làm nương, dọn dẹp nhà cửa, thậm chí là đi rừng kiếm củi. Sau vài câu chuyện, dường như cảm thấy lời nói chưa thuyết phục, ông Dững gợi ý dẫn chúng tôi đi thăm nhà một số cụ trường thọ. Hộ đầu tiên chúng tôi ghé qua là nhà cụ Bùi Thị Ón ở bản Chiềng. Khi vừa đến, đập vào mắt chúng tôi là một bà cụ đang ngồi cạnh bếp lửa, đôi tay đang luồn từng đường kim, mũi chỉ. Nếu như ông Dững không giới thiệu trước cụ đã 102 tuổi, thì chúng tôi chỉ dám đoán cụ chừng 90 tuổi là cùng. Làn da nhăn nheo theo thời gian, nhưng cụ Ón vẫn rất minh mẫn và có đôi mắt sáng.

Sau câu đáp lại lời chào của các vị khách, cụ Ón cười móm mém rồi lại bắt tay vào thùa nốt chiếc khuy áo cho đứa chắt của mình, cụ bảo: “Tôi ngồi ở nhà không làm gì cũng chán, cứ thấy việc gì làm được là làm đỡ cho các cháu. Chứ ngồi chơi không thấy chân tay rã rời lắm. Mấy năm trước tôi còn đi nương, nhưng con cháu thấy mình già quá nên không cho đi. Giờ tôi chỉ làm việc lặt vặt trong nhà thôi. Hằng ngày, tôi vẫn tự ăn uống, sinh hoạt mà chẳng cần phải nhờ ai giúp cả. Ở đây 80 - 90 tuổi chưa phải là tuổi nghỉ ngơi, nên hầu hết mọi người đều muốn thêm chân, thêm tay phụ giúp con cháu những việc vặt trong nhà. Không đi làm xa được việc nặng nhọc thì cũng phụ cháu, chắt mấy việc trong nhà như nấu cám cho lợn, chăm sóc con gà, con vịt…”

Chia tay cụ Ón, chúng tôi tìm đến nhà cụ Đinh Thị Chăn, đã 96 tuổi, ở bản Pò. Thấy chúng tôi, cụ hồ hởi mời vào nhà uống nước và trò chuyện: “Ở xứ Mường Chậm này nghèo lắm, thời tiết không được thuận lợi nên mỗi năm chỉ cấy được một vụ lúa thôi, trời thương thì còn được ăn chứ lũ về là coi như mất trắng. Do vậy chúng tôi thường hay vào rừng hái rau rệu, rau dừa về để ăn. Còn khi đi rừng mà khát nước thì lấy nước dưới suối uống luôn”.

Sống thọ nhờ kỳ hoa dị thảo?

Theo lý giải của những người cao tuổi, sở dĩ Lũng Vân còn có tên gọi khác là Mường Chậm vì cuộc sống của người dân ở đây luôn chậm rãi, thư thả. Còn gọi là Lũng Vân vì mảnh đất này nằm sâu hut hút như thung lũng và quanh năm mây mù, sương phủ. Từ xa xưa cho đến tận bây giờ, người Mường ở đây vẫn tin rằng họ có sức khỏe tuyệt vời chính là từ một loại cây rừng mọc hoang, bám mình trên vách đá hoặc các cây cổ thụ. Loại lá cây này dùng để đun nước uống, ngâm rượu ngô và làm thuốc chữa bệnh. Họ gọi đó là cây đái bay.

Đến nay, kể cả những người sống thọ nhất ở Mường Chậm cũng không biết, tự bao giờ loại lá này đã trở thành thức uống thân quen trong đời sống hàng ngày của họ. Thậm chí, nhiều người có thói quen khi lên nương cũng phải chuẩn bị một can nước lá đái bay mang theo để uống. Nước cây này thật lạ, dù lao động cật lực nhưng hễ uống vào thì một lúc sau sẽ hết mệt mỏi. Bởi vậy mà cụ Đinh Thị Chăn mới bảo, cây đái bay có nhiều công dụng, khi thì dùng làm thuốc chữa bệnh, khi thì chống đói, chống khát. Theo lời truyền qua các thế hệ của xứ Mường Chậm, chính loài kì thảo này giúp cho chúng tôi sống trường thọ giữa núi rừng heo hút, nghèo khó chốn thung mây này.

1._Chuyen_ky_la_ve_thung_lung_truong_tho_3

 Thầy lang Hà Công Quý đang giải thích công dụng của cây đái bay.

Để tìm hiểu rõ hơn về loại thảo dược được người dân ở Mường Chậm ưa thích và cho rằng đó là bí quyết để sống trường thọ, chúng tôi tìm gặp ông Hà Công Quý (76 tuổi), một thầy lang có tiếng trong vùng. Ông Quý cho biết: “Trước nay bên cạnh việc sử dụng để đun nước uống hằng ngày thì cây đái bay trong đông y cũng được sử dụng khá phổ biến dùng để chữa trị một số chứng bệnh như thận hư, thông huyết, đau lưng, đau khớp... Vì cây đái bay dễ tìm và cách dùng rất đơn giản nên chúng tôi cũng thường cho vào các bài thuốc cho người bệnh”.

Theo mô tả của ông Quý: “Cây đái bay thường mọc bám vào đá hoặc các cây cổ thụ như cây tầm gửi. Trông vẻ bên ngoài như thân cây sắn dây, có lá to giống lá thị, cả thân cây và lá đều có thể dùng được. Lấy cây đem về cạo vỏ thật sạch, rửa 2, 3 lần nước suối rồi thái lát mỏng, phơi khô, đun sôi nước thì thả vào. Nước cây đái bay có màu đỏ, vị ngọt mát, đun đến nước thứ hai, thứ ba là ngon nhất, bởi lúc này sẽ xuất hiện mùi thơm thoang thoảng. Nói là vậy nhưng để nhận dạng loại cây này cũng khá khó khăn do nó nhìn giống nhiều loại cây trong khác trong rừng. Vì vậy, khi đi lấy chúng tôi phải xem kỹ từ lá đến, thân và củ”.

Cũng theo vị thầy lang này, ngoài việc dùng làm nước uống và sắc thuốc thì cây đái bay còn được dùng để ngâm rượu uống có tác dụng trị viêm khớp rất tốt. Nói đoạn, ông Quý như chợt nhớ ra và vào nhà xách chai rượu được ngâm cây đái bay để mời khách. “Trên này vào mùa đông thường rất lạnh nên nếu uống một chén rượu đái bay sẽ có tác dụng giữ nhiệt cho cơ thể nữa. Hoặc dùng rượu đái bay để bóp những chỗ thâm tím, bong gân rất hiệu quả”, ông Quý khẳng định.

Điều đáng nói là hiện nay, cây đái bay đang trở nên hiếm hoi bởi thương lái dưới xuôi đang săn tìm. Ông Quý cho biết: “Kể từ khi biết được nhiều công dụng tuyệt vời mà cây đái bay đem lại, nhiều thương lái dưới xuôi đã lặn lội lên đây thu mua bằng sạch mang về dưới xuôi. Họ thu mua tươi luôn với giá 200.000/kg. Vì thế người dân trong vùng thi nhau đi rừng kiếm cây đái bay về bán. Một vài năm trở lại đây, loài thảo dược này đang dần trở nên khan hiếm, phải đi sâu vào trong rừng may ra mới thấy. Nếu không có khi cả tuần trời cũng không kiếm ra được loài cây này”.       

Nguồn: Quốc Khánh(Lao động và xã hội)

Bình luận
vtcnews.vn