Bí ẩn ngôi mộ tập thể khổng lồ không có xác của lính Hoàng Sa

Phóng sự - Khám pháThứ Hai, 12/05/2014 07:01:00 +07:00

(VTC News) – Những ngày này, khói hương lại nghi ngút nơi những ngôi mộ gió của những người lính đảo Hoàng Sa đã ngã xuống khi bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.

(VTC News) – Những ngày này, khói hương lại nghi ngút nơi những ngôi mộ gió của những người lính đảo Hoàng Sa đã ngã xuống khi bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.


Kỳ 1: Ngôi mộ gió của những người giữ đảo

Những ngày này, cả nước đang hướng về Biển Đông, đặc biệt là vùng biển cách đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) không xa lắm, nơi Trung Quốc kéo giàn khoan vào, xâm phạm chủ quyền nghiêm trọng. Dòng người đổ ra đảo Lý Sơn cũng đông hơn thường lệ. Khói hương lại nghi ngút nơi những ngôi mộ gió của những người lính đảo Hoàng Sa đã ngã xuống khi bảo vệ chủ quyền hàng trăm năm trước.

Xen lẫn những ruộng tỏi trên những bãi cát trắng mênh mang là những ngôi mộ gió. Những ngồi mộ nằm cạnh nhau, thẳng hàng, hướng ra đại dương.

Phía Nam đảo, dưới những hàng dừa tỏa bóng mát, những ngôi mộ gió vừa được các gia đình đắp lại còn mới nguyên. Phía Bắc đảo là nghĩa trang của huyện, ngay đầu nghĩa trang cũng có mấy ngôi mộ gió còn rất mới. Người thân làm khung tre, lợp mái đàng hoàng cho ngôi mộ, để linh hồn người thân bớt lạnh lẽo, nắng nôi. Hoa cúc vẫn vàng rói, khói hương vẫn nghi ngút.

Ngôi mộ gió khổng lồ của ông Phạm Quang Ảnh cùng 24 thủy thủ 

Sau ngôi miếu thờ linh thiêng thờ những người lính đảo thời Nguyễn, nấm mộ gió của cai đội Phạm Quang Ảnh và lính hải đội Hoàng Sa từ thời vua Gia Long vẫn còn đó. Người trông nấm mồ tập thể, ngôi nhà thờ, miếu thờ những chiến binh biển cả này là ông Phạm Quang Tỉnh, đã hơn 80 tuổi.

Ngôi mộ kỳ lạ có tuổi 200 năm, nhưng lúc nào cũng mới tinh. Ngôi mộ dài hơn chục mét, vắt ngang vườn tỏi nhà ông Tỉnh. Suốt 50 năm nay, ngày nào ông cũng nhổ cỏ, vun đắp cho mộ vuông vắn. Cứ sau trận mưa, cát sỏi trôi tuột, ông lại cực nhọc hót cát đắp, nện.

Không ai trả lương cho việc làm của ông. Ông Tỉnh làm việc này với một thái độ trân trọng, bởi cai đội Phạm Quang Ảnh xưa chính là cụ tổ thuộc hàng ngũ đại của ông.

Ông Tỉnh mở cửa nhà thờ, lần sau bức tượng trên bàn thờ để lấy tài liệu kể cho tôi nghe về xuất xứ ngôi mộ gió khổng lồ này.

Ông Tỉnh trong nhà thờ cai đội Phạm Quang Ảnh và các suất lính

Năm 1815, vua Gia Long phái Phạm Quang Ảnh ra đảo Cù Lao Ré (đảo Lý Sơn bây giờ) để giám sát khu vực Hoàng Sa, Trường Sa, tiếp tục khẳng định chủ quyền với quần đảo mà nhà Lê đã chiếm giữ.

Khi đó, đảo Cù Lao Ré đã có dân cư đông đúc. Dân cư đã sống trên đảo này từ 200 năm trước khi Phạm Quang Ảnh ra cai quản. Việc đầu tiên khi ra đảo là ông làm tường trình gửi vua Gia Long đề nghị vua miễn thuế cho người dân ở đảo vì cuộc sống rất thiếu thốn, nghèo đói.

Hải đội của Phạm Quang Ảnh có 70 suất lính, được gọi là hải đội Hoàng Sa, có nhiệm vụ trấn giữ biển Đông và tìm kiếm sản vật.

Cứ đến tháng 3, cai đội Phạm Quang Ảnh lại cùng 25 lính với 5 chiến thuyền, do ông làm chỉ huy, dong buồm chạy ra khu vực Hoàng Sa. 25 người lính này được chọn từ 25 họ tộc trên đảo. Cứ mỗi họ tộc phải đóng góp một suất đi biển.

Ngoài nhiệm vụ chính là trấn giữ hòn đảo, khẳng định chủ quyền biển Đông, hải đội Hoàng Sa còn làm nhiệm vụ đo đạc thủy trình, tìm kiếm, khai thác những sản vật quý, đặc biệt là hải sâm.

Ngôi mộ gió khổng lồ nằm trong vườn nhà ông Tỉnh 

Mỗi chuyến về đất liền, những con thuyền của hải đội chứa ngập hải sâm, những loài ốc đặc biệt, rùa quý cùng nhiều sản vật hiếm, cung tiến cho triều đình. Hải đội này cũng cứu sống không biết bao nhiêu ngư dân của nước ta và những nước khác bị bão gió đánh dạt vào đảo Hoàng Sa.

Mỗi chuyến đi Hoàng Sa rồi ngược xuống Trường Sa kéo dài khoảng 7 tháng. Ra đi tháng 3 thì đến hết tháng 8 mới về để tránh mùa biển động.

Khi đi, họ mang theo đầy đủ lương thực, nước uống dùng trong 7 tháng. Mỗi người lính được cấp phát một tấm chiếu, 7 đòn nẹp tre, 7 dây mây buộc và thẻ bài ghi rõ họ tên, quê quán, phiên hiệu.

Nếu bệnh tật, bão gió làm chết giữa biển thì đồng đội bó chiếu, nẹp tre và dùng dây mây buộc xác lại. Sau khi làm lễ an táng thì thả xác xuống biển. Người ta tin rằng làm như vậy linh hồn người chết sẽ tìm về nhà, xác thân sẽ trôi về đất liền.

Phương tiện hải hành khi đó chỉ là những chiến thuyền nhỏ. Chuyến đi dài ngày, sóng to gió lớn, bão gió thường xuyên, lại không ít lần gặp cướp biển, nên nhiều chuyến thuyền đã ra đi mãi mãi, không một người trở về. Đoàn thuyền của cai đội Phạm Quang Ảnh sau nhiều chuyến đi về thành công, cũng đã không tránh được phận bạc đời biển.

Lần ấy, nhiều người can ngăn ông không nên ra biển. Ông trông trời nhìn đất, tâm trạng cũng thấy bất an, nhưng ông coi nhiệm vụ canh giữ biển trời quan trọng hơn mạng sống, nên ông nhất quyết dong buồm ra khơi.

Đoàn thuyền đi được mấy ngày thì sấm dậy đất trời, bão tố mù mịt. Những con sóng hung dữ như muốn nuốt chửng Cù Lao Ré. 6 tháng không thấy đoàn thuyền của hải đội Hoàng Sa về, nhân dân Cù Lao Ré ra biển đứng trông.

Một ngôi mộ gió mới đắp ở Lý Sơn 

Bao nhiêu nước mắt đã chảy xuống đại dương mênh mông. Biền biệt mấy năm liền không thấy đoàn thuyền cập bến. Không một xác thân nào trôi dạt về, một mẩu thuyền cũng mất tích dưới đáy đại dương.

Vua Gia Long đau lòng, nhỏ nước mắt khóc thương các tử sĩ của hải đội Hoàng Sa. Ông cùng đoàn tùy tùng ra đảo làm lễ chiêu hồn cho các tử sĩ.

Trong đoàn tùy tùng phục vụ lễ chiêu hồn, có một thầy phong thủy nổi tiếng nhất thời bấy giờ. Thầy phong thủy sai dân chúng lên núi Giếng Tiền lấy đất sét về, nhào nặn cho nhuyễn rồi tự tay ông ta nặn đất thành hình các tử sĩ. Ông ta cứ nặn đến khi nào những người thân thấy giống người chết mới thôi.

Nặn xong 25 tử sĩ của hải đội, ông lập đàn cúng chiêu hồn ròng rã suốt một đêm, gọi linh hồn các tử sĩ nhập vào tượng đất, sau đó đem an táng như người chết bình thường, cũng quần dài, áo the, khăn xếp, cũng quan quách đầy đủ.

Cai đội Phạm Quang Ảnh được chôn đầu tiên, sau đó là 24 chiến sĩ, xếp thành một hàng gồm 25 nấm mộ.

Sau này, qua nhiều lần mưa gió, xói mòn, đắp lại, 25 ngôi mộ riêng biệt đã biến thành một ngôi mộ lớn, dài hơn chục mét. Tôi hỏi ông Tỉnh: “Bên dưới nấm mồ này liệu có còn tượng đất sét không?”. Ông Tỉnh bảo: “Chưa có nhà khảo cổ nào về khai quật, nghiên cứu, nhưng chắc chắn vẫn còn”.

Còn tiếp…


Dương Phạm
Bình luận
vtcnews.vn