Bí ẩn ngôi làng ở Ba Vì có 160 trẻ em biến thành 'chim cánh cụt'

Phóng sự - Khám pháThứ Ba, 30/06/2015 06:39:00 +07:00

(VTC News) - Điều khiến ông Trọng ăn ngủ không yên, là đến nay, ông chưa nhận được lời giải thích, hay khẳng định nào về căn bệnh teo cơ kỳ lạ này.

(VTC News) - Điều khiến ông Trọng ăn ngủ không yên, là đến nay, ông chưa nhận được lời giải thích, hay khẳng định nào về căn bệnh teo cơ kỳ lạ này.


Kỳ 1: Động long mạch do phá đồi thiêng?


Những ngày hè nắng nóng, đất Ba Vì (Hà Nội) trên những quả đồi thấp đá sỏi gan trâu càng hầm hập. Ngôi làng Yên Bồ nằm trên những quả đồi nhấp nhô, nhà cửa sin sít, nhưng tịnh không thấy bóng người. Mọi người đóng kín cửa để trốn cái nóng.

Đi loanh quanh mãi trong làng, đến trước sân đình Yên Bồ, ngôi đình cổ 400 tuổi, thì mới gặp mấy bà, mấy chị ngồi buôn chuyện, quạt phành phạch dưới tán cây.

Thấy tôi đeo máy ảnh lang thang trong làng, mấy bà gọi lại hỏi chuyện. Một thời, nhà báo về đây nhiều, nên cứ thấy người lạ, lại đeo máy ảnh, thì họ biết ngay là nhà báo. Mà nhà báo về đất này, ngoài hỏi chuyện bọn trẻ bị tật nguyền một cách giống nhau đến kỳ lạ, đó là teo cơ xương bả vai, thì chẳng còn gì khác.

Làng Yên Bồ 

Bà Minh hỏi: "Thế các nhà khoa học ở dưới Hà Nội đã tìm ra nguyên nhân gì khiến các cháu bị bại liệt hết chưa? Mà tôi nói luôn là không thể xác định được nguyên nhân đâu nhà báo ạ. Dù có là nhà khoa học giỏi nhất thì cũng chịu thôi. Thế mà chúng tôi biết hết đấy. Cái làng này bị động long mạch mà. Quả núi thiêng như thế, mà người ta bạt đi, đào xới lên, san đất chỗ này, móc đất chỗ kia, thì có mà loạn cả thế giới âm binh.

Chúng tôi đi xem bói nhiều rồi, thầy bói nói là động long mạch, mở lối cho ma quỷ hiện hình chui lên, nên mới xảy ra cơ sự cả làng bị tật nguyền như thế. Chuyện này càng ngẫm lại càng kinh, càng sợ, đúng là không thể đụng chạm bừa bãi tới thánh thần được".

Sau khi nghe mấy bà, mấy chị bàn ra tán vào đủ thứ chuyện tâm linh, long mạch, thì tôi tìm đường tới nhà ông Chu Văn Trọng, nguyên Trưởng thôn Yên Bồ.

Hỏi chuyện trẻ em trong làng tật nguyền cùng chứng bệnh xơ hóa cơ vai, ông Trọng gọi mấy đứa cháu, đều đã lớn lộc ngộc và bảo: "Chúng nó cũng từng bị teo rút cơ vai cả đấy. Tôi có tổng số 4 đứa cháu, gồm 2 cháu nội và 2 cháu ngoại bị xơ hóa cơ. Cũng may là chúng nó bị đợt sau, khi đó tôi đã cảnh giác rồi, nên phát hiện sớm, mới ở cấp độ 1, nên cho đi phẫu thuật, rồi tập luyện là khỏi".

Một bé gái bị teo cơ 

Ông Chu Văn Trọng cho biết, ông chính là người đầu tiên phát hiện ra căn bệnh quái lại này và cho đến nay ông vẫn tiếp tục theo dõi sát sao, tuy nhiên, đúng là đến giờ ông vẫn chưa nhận được một lời giải đáp thấu đáo.

Theo ông Chu Văn Trọng, đã có đến cả trăm nhà khoa học, bác sĩ phẫu thuật, chỉnh hình hàng đầu đất nước tìm đến Yên Bồ, rồi hỏi chuyện ông, thu thập số liệu từ ông và trực tiếp khám chữa, phẫu thuật, hướng dẫn tập luyện chỉnh hình cho các cháu, nên hầu như những thông tin từ họ ông đều nắm được.

Tuy nhiên, có một điều, khiến ông vẫn ăn ngủ không yên, là đến nay, ông chưa nhận được lời giải thích, hay khẳng định nào về căn bệnh này.

Cũng có một số bác sĩ lúc khám bệnh cho các cháu, đã giải thích rằng, do hồi nhỏ các cháu bị tiêm nhiều Penicillin, Streptomycin (còn gọi là xít-tép) vào bắp tay, thế nhưng, thời kỳ đó về trước cả xã, cả huyện, cả nước đều tiêm thuốc đó vào bắp tay, nhưng ở tỉnh nào, xã nào có vài cháu bị teo cơ đã là nhiều rồi, đằng này, ở làng Yên Bồ, có đến 30% cháu bị teo cơ, xệ vai, thì đúng là không thể tin nổi.

Nếu do tiêm kháng sinh vào bắp tay, thì có lẽ cả nước Việt Nam bây giờ toàn "chim cánh cụt", người xệ vai, đi lại lòng khòng. Ông Trọng cũng chỉ biết nghe các nhà khoa học, các bác sĩ nói vậy, chứ bản thân ông cũng không tin cho lắm.

Ông Chu Văn Trọng 

Ông Trọng cũng nhắc đến một nữ y tá trong làng Yên Bồ, là bà X. Bà X. là y tá giỏi thời chống Mỹ, là người tiêm chọc không chỉ cho cả làng Yên Bồ, mà cả dân cư xung quanh.

Bà X. là y tá từ những năm 60 của thế kỷ trước, tiêm cho cả thế hệ của ông, rồi con cái của ông, sau đó là các cháu nội ngoại. Mấy thế hệ cùng tiêm thuốc kháng sinh và tiêm vào bắp, nhưng lại chỉ đến thế hệ cháu mới "xệ cánh", thì đúng là chuyện lạ, không thể đổ bừa bãi cho bà y tá X. được. Các nhà khoa học về đây nghiên cứu, cũng không đổ nguyên nhân đó cho bà y tá X.

Tôi nhắc đến chuyện tâm linh, phá đồi làm nghĩa địa, mà ảnh hưởng đến long mạch, khiến hàng loạt trẻ con tật nguyền như lời đồn ở địa phương, thì ông Chu Văn Trọng cũng bác bỏ luôn.

Ông Trọng bảo rằng, ông vốn chỉ tin vào khoa học, chứ không tin vào chuyện tâm linh, ma quỷ. Tuy nhiên, ông Trọng cũng công nhận rằng, trước khi san Đồi Voi làm nghĩa trang Vĩnh Hằng, thì ở làng Yên Bồ không có hiện tượng "chim cánh cụt".

Nghĩa trang Vĩnh Hằng 

Theo lời ông Trọng, toàn bộ Nghĩa trang Vĩnh Hằng nằm trên Đồi Voi, rộng tới 20 héc-ta. Sở dĩ quả đồi này có tên như vậy, vì nó có hình thù con voi đang nằm phủ phục, với rõ ràng cả cặp ngà. "Con voi" đó chầu về phía Tây, nơi có ngôi miếu Cao Lĩnh rất linh thiêng.

Đây là ngôi miếu lớn, có cây đại khổng lồ. Các cụ bảo rằng, ngày xưa, quan lại đi qua ngôi miếu đều phải xuống ngựa dắt bộ, thể hiện lòng thành kính với vị thần ngự trong miếu.

Điều khiến người dân Yên Bồ sợ hãi, là năm 2002, nghĩa trang Vĩnh Hằng được khởi công xây dựng, quả đồi bị bạt đi, chỗ đào, chỗ lấp, thì 4 năm sau, tức là vào năm 2006, làng Yên Bồ bắt đầu xôn xao chuyện hàng loạt trẻ em bị dị tật.

Thời điểm đó, cả làng Yên Bồ náo loạn, cả nước choáng váng với thông tin hàng trăm trẻ em trong một ngôi làng biến thành "chim cánh cụt", cứ xệ hai cánh tay, đi lại lạch bạch chả khác gì loài chim ở Bắc Cực. Suốt mấy năm trời, không chỉ các bác sĩ, các nhà khoa học tìm về, mà các nhà tâm linh cũng về đây rất nhiều để nghiên cứu, giải mã hiện tượng kỳ lạ này.

Một bé trai bị teo cơ 

Theo lời ông Trọng, cả các nhà ngoại cảm, các chuyên gia tâm linh ở Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người cũng về đây tìm hiểu. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu tìm hiểu ở đình chùa, miếu mạo, đồi Voi, họ cũng không đưa ra kết luận gì, mà chỉ tặng quà cho các cháu bị bệnh, rồi không thấy quay lại nữa.

Bản thân ông Trọng khi đó không tin vào chuyện ma hành, quỷ ám, nên ông không đứng ra trong buổi lễ tâm linh nào, thế nhưng, chuyện các gia đình đổ xô đi cúng bái, xem bói là có thật và mỗi người về nói một kiểu, khiến dân tình càng thêm hoang mang.

Sau này, vào năm 2010, dân làng sửa chùa Yên Bồ, thì ông Trọng mới tham gia làm lễ. Ngày đó, dân làng làm lễ to, chu đáo lắm. Và điều đặc biệt là sau đó thì số em bị bệnh "chim cánh cụt" cứ ít dần, rồi từ năm 2012 đến nay, tức là đã 3 năm, không thấy có trường hợp nào ở làng mắc bệnh "xệ cánh" nữa.

Không rõ nguyên nhân là gì, nhưng có một điều, là căn bệnh này đã khiến 160 em, giờ có người đã lấy vợ, lấy chồng, bị dị tật, không còn bình thường nữa. Người nhẹ thì thành sẹo ở tay, vai, người nặng thì tật nguyền suốt đời.

Còn tiếp…


Phong Nguyệt
Bình luận
vtcnews.vn