Bí ẩn ngôi ‘đền sọ trâu’ trong khu rừng không ai dám vào ở Tây Côn Lĩnh

Phóng sự - Khám pháThứ Năm, 26/09/2019 06:30:00 +07:00

Khi thịt da ở phần đầu trâu phân hủy hết, trơ ra xương sọ cùng bộ sừng, các thầy cúng làm lễ rửa xương bằng rượu rồi gác lên mái ngôi đền.

Kỳ 2 (kỳ cuối): Vào đền thờ sọ trâu trong rừng cấm

Kỳ 1: Lạc vào nghĩa địa đầu lâu trâu

Rời nghĩa địa sọ trâu huyền bí ẩn hiện trong trong những lùm cây ven rừng, chúng tôi tiếp tục cuốc bộ sang phía Tây của đỉnh Lủng Cẩu (Bản Phùng, Hoàng Su Phì, Hà Giang) cao vòi vọi trong mây mờ. Đỉnh Lủng Cẩu là đỉnh núi cao nằm ở phần đuôi của dãy Tây Côn Lĩnh cao nhất Đông Bắc Việt Nam.

Vàng Dìu Phu, già bản, người nắm rõ nhiều câu chuyện về ngôi đền thờ kỳ lạ trong rừng cấm của người La Chí, vạch cây dẫn đường vào trong rừng cấm.

Đền thờ sọ trâu trong rừng cấm

Con đường nào vào ngôi đền thờ huyền bí cỏ mọc lấp lối. Theo ông Phu, 13 năm dân bản mới vào rừng một lần để làm lễ cúng thần Rừng, thần Me Meo (thần Rắn, trông coi rừng thiêng) và vua La Chí. Lối đi sau 13 năm không có dấu chân người đã bị cỏ cây, dây leo bịt lối chằng chịt.

Chúng tôi phải bám dây leo mà đi, vừa đi vừa phát cỏ. Trong khu rừng này có một loài cây dây leo mà theo ông Hoàng Dìu Phu, nó được chế thành thuốc cường dương cực tốt. Những thân dây leo dài đến vài trăm mét, quấn quýt từ ngọn cây đa này sang ngọn cây đa khác.

Ông Phu kể rằng, xưa kia, đỉnh Lủng Cẩu là nơi ở của vua La Chí. Ông đã biến cả ngọn núi này thành vườn cây, mà toàn là đa, cùng với loài dây leo là một vị thuốc quý, để ông bồi bổ sức khỏe, lấy sức chiều chuộng các bà vợ.

3

 Ngôi đền bí ẩn trong rừng cấm của người La Chí trên đỉnh Lủng Cẩu.

Ông Vàng Dìu Phu để chai rượu dưới gốc cây đa, chắp tay khấn vái, nội dung lời khấn là xin vua La Chí và các thần linh cho thuốc về chữa bệnh. Khấn vái xong, một đồng chí cán bộ xã đi theo chúng tôi vác dao chặt một đoạn cây dây leo to bằng bắp chân. Mỗi lần bổ dao vào, “máu” từ thân dây leo lại tứa ra, phụt thành tia. Chặt đứt thân dây, chất dịch đỏ như máu lẫn bọt khí chảy ròng ròng thành vũng dưới đất.

Theo lời đồn, thứ cây này đem sao vàng, hạ thổ, ngâm rượu uống thì cực khỏe. Cũng theo ông, không thấy ở nơi khác có loài dây leo này. Ông biết nó là vì một lần sang Trung Quốc, thấy các thầy thuốc bên đó thu mua với giá rất đắt để chế thuốc bổ dương, tăng cường sức khỏe.

Vượt qua khu rừng đa với dây leo chằng chịt, đền thờ sọ trâu hiện ra trước mắt. Ngôi đền nằm giữa khu đất trống, khá quang đãng. Đứng trước đền thờ, phóng tầm mắt ra bốn phía, thấy núi rừng trùng điệp, đỉnh nọ nối tiếp đỉnh kia, chìm lẫn trong mây mù. Đây là ngôi đền thờ thần Rừng, thần Rắn và vua La Chí, một vị vua chưa hề được biết đến trong sử sách, chỉ có trong những câu chuyện truyền miệng của người La Chí mà thôi.

4

Những chiếc sọ trâu gác trên mái đền. 

Nói là đền, song thực tế nó rất đơn sơ. Ngôi đền giống một ngôi nhà sàn nhỏ, nhưng không có vách, tường gì cả. Ông Phu cho biết, trước đây mái đền được lợp bằng những tấm gỗ pơ-mu, nhưng đồng bào La Chí đã hiện đại hóa cho nó bằng những tấm phi-brô xi-măng.

Sàn ngôi đền rộng 2m, dài 3m, cao 1,5m, từ sàn lên mái cao chừng 2m và có 8 chiếc cột. Phía sau ngôi đền vẫn còn những cây nêu mục nát đổ gục, dấu tích được dùng trong lễ hiến trâu cho thần Rừng, thần Rắn và vua La Chí. Ngôi đền này được người La Chí gọi là Khu Cù Tê.

Chúng tôi tiến gần đến ngôi đền thì bị ông Vàng Dìu Phu ngăn lại. Ông bảo, đã có người tự tiện trèo lên đền liền bị chết đột ngột, có người bị điên khùng 10 năm chưa khỏi. Chỉ có ngày cúng thần Rừng, thần Rắn, vua La Chí, tổ chức 13 năm một lần thì 8 ông thầy mo, đại diện cho 4 họ của người La Chí (gồm họ Ly, họ Tận, họ Vương, họ Lùng) gọi là “Pô mìa nhu” mới được vào ngôi đền để hành lễ.

DSC00785 3

 Món da trâu khô - đặc sản của người La Chí.

Trong buổi lễ trọng đại đó, họ tiến hành bói xương gà 3 lần để chọn ra một thầy cúng làm chủ, gọi là “Pô ừm mia”. “Pô ừm mia” là người thực hiện chủ yếu các nghi lễ cúng rừng, hiến trâu, còn các “Pô mìa nhu” thì phục vụ lễ cúng. Đại diện các dòng họ và dân làng chỉ được vái lạy từ xa. Những người không có khả năng điều khiển ma quỷ, thần linh như các thầy mo mà xâm phạm vào ngôi đền sẽ bị trừng phạt.

Nghe ông Phu nói thế, ai cũng sợ, không dám lại gần ngôi đền thờ đó nữa. Tôi liều lĩnh trèo hẳn lên sàn ngôi đền chụp hình và phát hiện trên nóc ngôi đền có rất nhiều đầu lâu trâu, xếp thành 2 hàng ngay ngắn. Thấy tôi tự tiện vào đền, ông Vàng Dìu Phu sợ quá liền sụp xuống đất vái lạy cúng khấn với thái độ vừa thành khẩn vừa rất sợ hãi.

Giết trâu dâng sọ tế thần

Ông Vàng Dìu Phu kể rằng, hồi còn bé, ông được bố mẹ dẫn đi xem hành lễ tại ngôi đền trong rừng cấm, ông thấy trên nóc đền có hàng trăm cái đầu lâu trâu treo kín trên mái và những cái cột. Tuy nhiên, cách đây chừng 60 năm, một cơn lốc lớn đã hất văng toàn bộ mái và những chiếc sọ trâu trong ngôi đền này xuống vực thẳm. Người La Chí các bản hò nhau đi tìm, song chỉ thấy những khúc gỗ của ngôi đền, tuyệt nhiên không tìm thấy chiếc sọ trâu nào cả. Chính vì thế, trên mái ngôi đền này chỉ hiện chỉ có 8 chiếc đầu lâu trâu, là kết quả của những lần hiến trâu cho thần rừng trong vài chục năm trở lại đây.

Cứ 13 năm, người La Chí lại làm một lễ cúng rừng rất lớn, như ngày hội dành cho tất cả người La Chí khắp nơi tụ về. Trâu, lợn, gà và cả chuột được thịt rất nhiều ở trong rừng. Người ta ăn uống no say, ca hát thoải mái trong rừng, nhưng tuyệt nhiên không được mang thứ gì về nhà.

6 4

Rất nhiều sọ trâu gác trên nóc một ngôi đền ở bìa rừng. 

Con trâu to béo khỏe mạnh nhất bản được dắt đến trước ngôi đền làm vật hiến tế trong buổi cúng chính. Một cây vầu còn nguyên lá, cành, ngọn được cắm xuống bãi đất trống trước ngồi đền làm cây nêu buộc trâu. Cây nêu được coi là một vật rất linh thiêng, là thứ giao hòa giữa trời và đất.

Sau khi các thầy cúng làm lễ tạ ơn thần linh đã cho mùa màng tốt tươi, cuộc sống no đủ trong những năm qua và cầu mong thần linh tiếp tục bảo hộ cuộc sống đồng bào trong những năm tới thì con trâu hiến tế được buộc vào các cây nêu và lễ hiến trâu tế thần được bắt đầu.

Thầy cúng chính cầm thanh kiếm đi trước, vừa đi vừa múa vòng quanh con trâu buộc ở cây nêu. Các thầy cúng phụ cũng vừa đi vừa múa theo sau và miệng đọc lầm rầm bài cúng cầu mong thần linh phù hộ cho gia đình, bản làng. Cứ đi mỗi vòng, thầy cúng lại dùng lưng lưỡi kiếm chém nhẹ vào cổ, vào đầu, ngụ ý báo trước việc chuẩn bị đưa linh hồn của trâu tế thần vì cuộc sống bình yên của đất nước, bản làng. Màn múa tế thần kết thúc khi thầy cúng kề lưỡi kiếm vào cổ con trâu.

Khi thầy cúng vừa rời khỏi con trâu, thanh niên trong bản cầm giáo dài, những thanh vầu chặt vát rất sắc nhọn xông vào đâm trâu như những chiến binh. Khi những con trâu ngã xuống, người ta lấy máu trâu bôi lên cây nêu, bôi lên mặt, lên vai những người tham gia tế lễ để xua đuổi ma quỷ, bảo vệ sức khỏe.

Thầy cúng dùng dao xả lấy phần đầu trâu, buộc vào cột trước đền thờ. Thịt, da trâu họ ăn luôn tại rừng, ăn đến khi nào hết thì thôi, không được cầm thứ gì về nhà. Sau vài tháng, khi thịt da ở phần đầu trâu phân hủy hết, chỉ còn trơ ra xương sọ cùng bộ sừng, thì các thầy cúng làm lễ rửa xương bằng rượu rồi gác lên mái ngôi đền.

5 5

 Những chiếc sọ trâu này có mặt ở ngôi đền đã bao nhiêu năm, không ai biết được.

Theo truyền thuyết, nơi xây cất ngôi đền này chính là nơi vua La Chí chết. Còn ông chết năm nào thì không ai rõ, bởi người La Chí không có chữ viết, nên không ghi lại được. Các cụ già cũng chỉ nghe kể lại rằng, thời kỳ trị vì của ông cách ngày nay chừng 400 đến 500 năm (?!).

Lễ hiến trâu tế thần là phần quan trọng nhất của lễ cúng rừng rất hoành tráng, rườm rà và tốn kém của người La Chí. Trong lễ cúng rừng, thầy cúng thay mặt bản làng hứa với các vị thần linh rằng, sẽ mãi mãi bảo vệ rừng, không bao giờ xâm phạm thứ gì của rừng.

Sau khi hoàn thành lễ cúng thần linh, người La Chí rời khỏi khu rừng và không bao giờ xâm phạm đến khu rừng cấm này nữa. Rừng cấm trở thành chốn cực kỳ thâm nghiêm.

Người La Chí tin rằng, linh hồn tổ tiên mình đều đã về rừng cấm, ngự trên những cây đa và nghị sự với các vị thần tìm cách phù hộ cho đất nước, cho bản làng, cho gia đình. Cũng chính vì niềm tin như thế, nên họ không bao giờ dám làm kinh động đến nơi ở của các vị thần linh và điều đó đồng nghĩa với việc họ cực kỳ tôn trọng rừng cấm.

Người La Chí và các dân tộc khác quanh vùng không bao giờ tự tiện bước chân vào rừng cấm, chứ đừng nói đến chuyện lấy một cành củi, một cây măng hay săn một con thú trong khu rừng cấm này. Thậm chí, người La Chí đứng cách rừng cấm một trăm mét cũng không dám nói to, cười đùa, chửi bậy, vì sợ kinh động đến tổ tiên và các vị thần linh. Ai xâm phạm rừng cấm, dù không bị thần linh quở phạt, cũng sẽ bị dân bản xử phạt rất nghiêm bằng gà, lợn, trâu. Chính vì thế, rừng cấm, ngôi đền treo sọ trâu, cùng nghĩa địa thâm u lủng lẳng những sọ trâu biến thành nơi thâm nghiêm, rùng rợn, không ai dám ra vào nếu không phải những ngày hành lễ.

Dân tộc La Chí có khoảng 8.000 người, cư trú ở các xã Bản Phùng, Bản Máy (Hoàng Su Phì), Bản Díu, Nàn Xỉn, Nấm Dẩn, Nà Chì (Xín Mần) của Hà Giang. Dân tộc La Chí còn có tên gọi khác là Cù Tê, La Quả… Người La Chí làm ruộng bậc thang trồng lúa nước.

Các gia đình thường nuôi trâu, ngựa, dê, lợn, gà, vịt, cá, nhưng không nuôi bò, vì họ sợ ông tổ Hoàng Dìn Thùng… bắt mất. Theo truyền thuyết của người La Chí, ông Hoàng Dìn Thùng rất thích ăn thịt bò.

Hàng năm, người La Chí có nhiều ngày lễ định kỳ tính theo âm lịch: Lễ xin thóc giống cho cả bản, lễ mở kho gọi hồn thóc giống, lễ mừng cày cấy xong, Tết tháng bảy, hội lễ cơm mới, lễ đưa hồn lúa về nhà… Trong đó, Tết tháng bảy là tết lớn nhất và vui nhất.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Huy khẳng định, người La Chí định cư ở vùng Hoàng Su Phì và Xín Mần của Hà Giang rất lâu rồi. Ngay cả người Cờ Lao và người Nùng, di cư đến vùng Hoàng Su Phì cách nay 170 năm đã thấy người La Chí định cư ở vùng đất này.

Nhà nghiên cứu nổi tiếng người Pháp Anbadie, trong cuốn “Các chủng tộc ở vùng cao Bắc kỳ từ Phong Thổ đến Lạng Sơn”, viết năm 1924, khẳng định: “Người La Chí là cư dân bản địa, thổ dân ở vùng Hoàng Su Phì và Xín Mần đã từ mấy ngàn năm nay…”.

Phạm Dương Ngọc
Bình luận
vtcnews.vn