Bí ẩn lăng mộ 3.000 lượng vàng ở tận cùng Tổ quốc

Phóng sự - Khám pháThứ Tư, 15/01/2014 07:01:00 +07:00

(VTC News) - Để hoàn thành ngôi mộ, chủ nhân đã phải tiêu tốn tới 3.000 lượng vàng.

(VTC News) - Để hoàn thành ngôi mộ, chủ nhân đã phải tiêu tốn tới 3.000 lượng vàng.

Kỳ 1: Tận mắt lăng mộ khổng lồ

Thời gian gần đây, người dân miền Tây đồn đại ầm ĩ về lăng mộ khổng lồ, mà một đại gia từng giàu có nhất miệt vườn đứng ra xây dựng thờ phụng cha mẹ.

Để hoàn thành ngôi mộ, chủ nhân đã phải tiêu tốn tới 3.000 lượng vàng. Theo quy đổi, số vàng này tương ứng với hơn 1,1 tạ vàng. Thực hư ngôi mộ khổng lồ này ra sao?

Về Rạch Giá (Kiên Giang), hỏi về ngôi mộ 3.000 lượng vàng, người dân đều biết, chỉ dẫn rành rẽ.

Anh Hạnh, cán bộ Cục Thi hành án tỉnh Kiên Giang bảo: “Mình sống ở Rạch Giá cả chục năm nay, cơ quan cách ngôi mộ chỉ một quãng đường, thi thoảng vẫn đi qua, nhìn ngó vào quả đồi ấy, nhưng chẳng nghĩ đó là mồ mả, mà tưởng là đình chùa hay công trình cổ kỳ vĩ nào đó.

lăng mộ
Ngôi mộ khổng lồ, trị giá 3.000 lượng vàng ở Rạch Giá 

Gần đây, sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh khảo sát, rồi người dân đồn đại ầm ĩ, mới biết đó là ngôi mộ. Mình cũng từng vào xem ngôi mộ đó rồi, đúng là khủng khiếp, đáng nể. Có lẽ, khắp miền Tây này không tìm đâu ra ngôi mộ cầu kỳ như ngôi mộ Hội Đồng Suông”.

Bày tỏ sự kinh ngạc một hồi, anh Hạnh dẫn tôi đi tìm ngôi mộ ấy.

Từ đường Nguyễn Trung Trực, rẽ vào ngõ rộng rãi, xuyên qua khu dân cư, đến khu vực ruộng muống lẫn ao chuôm, mồ mả đan xen, thì hiện ra một quả đồi thấp.

Trên quả đồi ấy, cây cối rợp bóng. Các công trình lô nhô, hòn non bộ như những quả núi nhỏ ẩn hiện phía trong hệ thống tường rào, với cổng cửa cao chất ngất, kín mít. Đứng ngoài nhìn vào, chẳng ai nghĩ đây là mồ mả, mà nghĩ đó là phủ chúa.

lăng mộ
Lối vào bên tả của lăng mộ 

Nhìn quanh quất chẳng thấy bóng ai. Tôi đẩy cổng đi vào, thì thấy một người đàn ông luống tuổi đang ngồi dưới chân hòn non bộ, dùng chiếc bay của thợ xây đào từng gốc cỏ.

Thấy khách lạ, ông đón tiếp niềm nở. Ông giới thiệu là Nguyễn Anh Tuấn, là cháu cố của ông Hội Đồng Suông, tác giả của công trình lăng mộ lớn nhất miền Tây và có lẽ là độc đáo nhất Việt Nam này.

Biết chúng tôi là nhà báo, từ mãi Hà Nội vào, ông Nguyễn Anh Tuấn nhiệt tình giới thiệu, chỉ dẫn từng chi tiết khu lăng mộ kỳ vĩ.

Ông Tuấn bảo, chừng hơn năm nay, khi Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Kiên Giang công bố về ngôi mộ, tiến hành đầu tư sửa chữa một số hạng mục, thì ngôi mộ trở nên nổi tiếng.

lăng mộ
Ông Nguyễn Anh Tuấn, cháu cố của ông Hội Đồng Suông 

Nhiều người giàu từ mãi Hà Nội tìm vào để chụp ảnh, quay phim, xem xét rất kỹ lưỡng ngôi mộ để về dựng cho mình ngôi mộ độc đáo, không đụng hàng.

Đã ngót 80 năm, hết một đời người, những tòa nhà cũng đã hết niên hạn sử dụng, thế nhưng, ngôi mộ này vẫn nguyên vẹn. Từng chi tiết chạm khắc nghệ thuật vẫn còn rõ những đường nét nhỏ như sợi tóc.

Hình ảnh hoa lá, chim muông, những áng mây, những nét chữ như rồng bay phượng múa vẫn như vừa mới được tạc. Toàn bộ công trình toát lên vẻ hài hòa, thực sự là một công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo, chứ không còn đơn thuần là ngôi mộ nữa.

Qua cổng chính là một sân nhỏ, mặt tiền của toàn bộ khu trung tâm lăng mộ. Giữa khu lăng mộ là trung tâm phần mộ. Trung tâm phần mộ được xây dựng hoàn toàn bằng đá, có cổng đá, tường đá, như thể một kiến trúc riêng biệt.

lăng mộ
Khu trung tâm phần mộ 

Nguyên liệu xây dựng là những khối đá xanh hoặc trắng rất lớn, nặng hàng tạ, thậm chí cả tấn. Các khối đá được mài dũa cầu kỳ, chạm trổ đẹp mắt, chỉ cần đặt cạnh nhau, xếp vào nhau đã khít rịt, mà không cần phải dùng đến thứ chất kết dính nào.

Giữa trung tâm phần mộ là hai ngôi mộ bằng đá rất đẹp, có mái che hẳn hoi. Đây là phần mộ của cha và mẹ ông Hội Đồng Suông. Thân hai ngôi mộ được làm bằng đá trắng. Nắp mộ bằng phiến đá xanh nguyên khối tuyệt đẹp.

Đầu phần mộ chạm trổ một con vật rất lạ, với tai thỏ, mình chuột, đuôi sóc, đầu chồn, miệng ngậm mấy sợi cỏ. Không ai biết đó là con vật gì, mỗi người đoán một kiểu, nhưng ai cũng phải công nhận từng đường nét chạm khắc con vật đều tinh tế hết sức.

lăng mộ
Hình ảnh con vật lạ ở thân mộ 

Bên thân một phần mộ chạm hình linh vật lai tạp giữa rồng và phượng. Đầu và một đoạn thân rõ ràng là rồng, nhưng hai cánh và đuôi thì chắc chắn là phượng. Linh vật lai tạp này như thể đang bay lượn trên không trung, đầy tính cách điệu nghệ thuật.

Ngôi mộ bên cạnh thì chạm rõ hình rồng đang cưỡi mây. Thời kỳ đó, thường chỉ vua chúa mới được tạc rồng, phượng, nên chuyện ông Hội Đồng Suông tạc rồng, phượng trên mộ cha mẹ thì phải thuộc hạng “có gang có thép” ghê gớm lắm.

Nói chung, bốn bề thân mộ đều là những tác phẩm nghệ thuật bằng đá vô cùng tinh tế, mà người thợ chạm khắc phải cực kỳ tài ba.

lăng mộ
 
lăng mộ
Thân mộ có nhiều hình khắc cầu kỳ 

Bên cạnh trung tâm phần mộ cha mẹ ông Hội Đồng Suông là sừng sững hai hòn non bộ. Vừa là hòn non bộ, nhưng lại là lối đi đầy nghệ thuật cách điệu. Cả quả núi nhỏ ấy, từng chi tiết đều ngập tràn ý tưởng điêu khắc.

Quả núi phía bên phải, tức phía Đông gọi là Đông Sơn mộ, hoặc Động Chúa Hòn, còn non bộ phía trái, tức phía Tây, gọi là Tây Sơn mộ hoặc Động Bát Tiên.

Theo lời ông Nguyễn Anh Tuấn, non bộ phía Đông là nhóm người Trung Quốc sang thi công trực tiếp trong mấy năm ròng, còn non bộ phía Tây là tác phẩm của những người thợ Việt tài hoa đất Bắc.

Ngay chân hai hòn non bộ là hai con rùa đá ong khổng lồ, nặng cả tấn. Thân thể xù xì, mốc meo, nhưng trông như thể chúng đang bò, hướng về phía cổng.

lăng mộ
Hai phần mộ được làm bằng đá xanh nguyên khối, nằm ở trung tâm lăng mộ 

Những tảng đá tự nhiên, ghép lại thành núi, nhưng nhìn kỹ mỗi tảng đá đều là những tác phẩm nghệ thuật, hình thù một loài thú nào đó. Những con chuột khổng lồ, con nghê đá, hoặc là sự kết hợp của nhiều loài thú trong một hình dáng, khiến mỗi người có một sự liên tưởng khác nhau.

Từ lối vào xuyên hòn non bộ, lại có ngóc ngách sang hai bên, như thể xuyên vào hang động trong lòng núi. Du khách khám phá hang động loanh quanh, thì sẽ tìm thấy lối đi, với bậc thang quanh co, dẫn lên đỉnh núi.

Phía đỉnh hòn non bộ lại như một dãy núi lô nhô, với vô số ngọn núi chọc thẳng lên trời, mà mỗi ngọn núi lại là một hình thù con vật, với vô số tượng thần tiên, thánh nữ ngự trên đó.

Ngoài ra, còn có những hình ảnh người ngồi thiền, người câu cá, người ngâm thơ, tạo ra một không gian của chốn bồng lai tiên cảnh. Trên đỉnh núi ấy có một không gian khá rộng rãi là đài quan sát. Đứng trên đài quan sát nhìn xuống sẽ thấy toàn cảnh sự kỳ vĩ của ngôi mộ.

Còn tiếp…

Phạm Ngọc Dương
Bình luận
vtcnews.vn