Bí ẩn kho của, giếng thần biệt phủ Tổng đốc họ Vi

Phóng sự - Khám pháThứ Bảy, 23/07/2011 06:50:00 +07:00

Biệt phủ ở Bản Chu đã thành phế tích, nhưng vẫn níu giữ nhiều bí mật bất ngờ...

Cách mạng nổ ra, họ Vi (Tổng đốc Vi Văn Định) theo cách mạng, bỏ lại dinh thự uy nghiêm một thuở. Bây giờ, biệt phủ ở Bản Chu đã thành phế tích, nhưng vẫn níu giữ nhiều bí mật bất ngờ...

Dòng họ Vi hơn chục đời làm quan trấn ải ở Bản Chu, xã Khuất Xá, huyện Lộc Bình, Lạng Sơn. Bản Chu cách thành phố Lạng Sơn chừng 50 cây số, nằm giữa những dãy núi xanh nhức mắt hệt như đứa trẻ nằm trong tay mẹ.

Kỳ bí “giếng thần”

Ông Nguyễn Quang Huynh - nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Xứ Lạng, là người cả đời gắn bó với miền quan tái thơ mộng này. Tuy nhiên, cho đến tận bây giờ, dù đã có cả trăm chuyến đi, nhưng mỗi khi nhắc tới địa danh Bản Chu, ông vẫn thấy rộn ràng hứng khởi.

Ông bảo, lạ lắm, mỗi khi đặt chân tới đất ấy, tự dưng thấy tâm hồn nhẹ bẫng, lâng lâng như bước vào thế giới của người xưa với bao huyền tích, kỳ tích oai hùng. Ông Huynh bảo, có một điều lý thú là ở nơi địa linh đó vẫn tồn tại một chứng tích lạ kỳ, ấy là giếng nước “thần” mà người xưa kỳ công xây dựng.

Cổng dẫn vào dinh thự tổng đốc. 

Bản Chu đang mùa thu hoạch thuốc lá. Tất bật với việc đóng hàng, thế nhưng hỏi chuyện người xưa, chuyện giếng cổ kỳ bí, ông Nông Văn Kê - Trưởng thôn Bản Chu A vội vã ngừng tay, hồ hởi tiếp chuyện.

Theo ông Kê thì giếng cổ ấy tính đến nay đã có tuổi thọ hơn 100 năm, chính xác là vào năm 1910, theo con số ghi trên thành giếng. Người già trong bản kể rằng, giếng này được đào từ đời ông Vi Văn Lý, cha của Tổng đốc Vi Văn Định. Và, để phát hiện ra mó nước vô biên này, tiền nhân đã phải dùng đến tài nghệ của những bậc thầy phong thủy.

Theo đó, nếu Bản Chu được gọi là mảnh đất hình rồng thì giếng nước trên được đào ở đúng mắt rồng. Bởi thế, không như nhiều giếng khơi phải nối dây múc gầu, “giếng thần” này nước tự chảy. Dân Bản Chu chỉ việc mang gầu, bắng đến hứng. Theo ông Kê thì ngày trước, nước giếng ào ạt, tuôn chảy chẳng khác gì suối, đủ dùng cho cả mấy trăm hộ trong vùng.

Điều đặc biệt hơn, dù nước sông Kỳ Cùng có đục ngầu bởi lũ nhưng nước giếng thì vẫn một màu trong vắt. Nước giếng ngọt, mát lịm, đã dùng thử một lần thì không thể nào quên. Bởi thế, dù đi đâu người dân Bản Chu cũng mang theo nước ở giếng thần quê nhà, như bùa hộ mệnh cho mình.

Thời gian gần đây, người ta rộ đồn, nước “giếng thần” có khả năng chữa bệnh. Tin đồn này khởi thủy từ việc một người dân trong bản phải xuống bệnh viện tỉnh điều trị một chứng bệnh bất thường. Nằm vật vã ở bệnh viện gần chục ngày trời mà bệnh tình vẫn không thuyên giảm, dù được các bác sĩ tận tình cứu chữa, khi bệnh nhân được người nhà tính chuyển về bệnh viện trung ương thì chuyện bất ngờ xảy ra.

Một người thân ra chăm bệnh nhân có mang theo một can nước mát lạnh. Thấy đồng hương có mang theo “bảo vật quê nhà”, người mang trọng bệnh xin một ít để dùng. Lạ kỳ thay, chỉ vài ngày dùng nước đó, người bệnh thấy lòng mình nhẹ nhõm, bệnh tật tiêu tán hệt như có phép màu. Ông Kê bảo, có thể chuyện đó là sự trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng cũng có thể nước giếng có chất khắc chế hoặc tiêu diệt chứng bệnh kia nên mới xảy ra chuyện diệu kỳ.

“Giếng thần” ở Bản Chu. 

Chừng 3 năm nay, “giếng thần” có nguy cơ cạn kiệt. Ông Kê cho hay, chuyện này khiến dân bản ông thực sự lo lắng. Chuyện không ai muốn này bắt đầu từ khi một tổ chức phi chính phủ tìm đến bản để thực hiện một dự án về nước sạch. Thấy “giếng thần” có nguồn nước trong vắt, ngọt lành nên họ đã gia cố, xây kín xung quanh. Lạ kỳ thay, từ dạo đó, mạch nước trong giếng bỗng dưng yếu hẳn. Dân Bản Chu truyền tai nhau rằng, có lẽ tại việc xây cất đã động đến “thánh thần” nên “ngài” giận, không cho nguồn nước dạt dào như trước nữa.

Nơi giấu của?

Dấu tích của dinh thự Tổng đốc Vi Văn Định giờ chẳng còn gì nhiều ngoài những chiếc cổng dẫn vào khu dinh thự cũ được xây cầu kỳ bằng gạch nung. Những chiếc cổng này là những kiệt tác của kiến trúc bởi sự cổ kính, bởi những chi tiết mang đầy sắc thái tín ngưỡng. Cổng ngoài cùng được xây dựng kiên cố như cổng thành, cổng ở giữa (có lẽ là cổng chính) được xây dựng công phu, với những mái cong hình rồng bay lên. Cổng trong cùng nhỏ nhất nhưng vẫn có những họa tiết cầu kỳ.

Ông Vi Văn Hoạt - Trưởng thôn Bản Chu B kể rằng, theo những câu chuyện của người già trong bản thì trước đây, tại 3 chiếc cổng này đều có treo những chiếc trống lớn. Khách đến dinh tổng đốc thì vào đến cổng nào đều được lính canh đánh trống báo hiệu ở cổng đó.

Khi trò chuyện với chúng tôi - ông Nguyễn Hữu Hào - Trưởng phòng Văn hóa huyện Lộc Bình kể, khi chiến tranh biên giới nổ ra, ông đang làm giáo viên ở Khuất Xá, cách dinh tổng đốc không xa. Ngày ấy, pháo giặc nã vào dinh bởi nghi đó là nơi trú ẩn của bộ đội. Tuy nhiên, sức công phá của pháo chỉ làm dinh bị hư hỏng chứ không sụp đổ hoàn toàn. Sở dĩ dinh thự của tổng đốc biến mất như hiện nay là bởi nguyên do khác.

Theo ông Hào, trước đây, khi chiến tranh kết thúc, dân trong vùng đã rộ lên tin đồn, trong gạch xây tường của dinh thự và tường quanh khuôn viên có giấu vàng bạc, châu báu. Bởi thế, khi không có ai trông nom, người ta đã tranh nhau vào cậy tường lấy gạch.

Theo ông Hào thì đến giờ, những người tin rằng gạch xây tường nhà tổng đốc họ Vi là nơi giấu của vẫn rình mò để cậy những viên gạch còn sót lại ấy.

Ông Vi Văn Hoạt cho biết, con cháu tổng đốc họ Vi ở đất này không còn ai nên không thể trông nom những di sản mà ông cha để lại. Trước sự xuống cấp, hoang phế của những di tích còn sót lại, là người con của Bản Chu, ông cũng thấy buốt ruột buốt gan. Thế nhưng, sức người có hạn, ông cũng chẳng biết phải làm thế nào để giữ gìn, đành trông cậy vào ý thức của người dân.

Giống như ông Hoạt, ông Nguyễn Hữu Hào cũng chung một nỗi niềm xa xót. Theo ông Hào, gần đây, có người trong họ Vi ở Hà Nội đã có đơn đề nghị chính quyền địa phương cấp đất để xây miếu thờ của dòng họ. Hiện mong muốn này đang được địa phương xem xét, giải quyết, tuy nhiên, cũng chưa biết khi nào mới được phê duyệt, chấp thuận.

 Dòng họ Vi trước đây ở Nghệ An, khi Lê Lợi dấy binh đánh đuổi nhà Minh, ông Vi Kim Thăng cùng con là Phúc Hân theo Lê Lợi diệt Liễu Thăng ở Chi Lăng, Lạng Sơn. Nước nhà bình định, ông được phong làm Thảo Lộ tướng quân Tả đô đốc trấn giữ ở miền quan ải này. Bởi thấy Bản Chu (trước đây là Lộc Mã) là đất địa linh nên ông đã chọn làm nơi lập ấp. Từ đó, những người con, cháu kế nghiệp tổ tiên, đều sinh sống tại vùng đất trù phú ấy. Khi cách mạng nổ ra, Hồ Chủ tịch đã nhiệt thành mời ông Vi Văn Định tham gia chính quyền cách mạng. Cũng từ độ ấy, biệt phủ của “ông vua” đất Bắc không còn người ở.
 Tra cứu kết quả tuyển sinh Đại học – Cao đẳng 2011 nhanh nhất tại: http://diemthi.vtc.vn

Theo Trịnh Tế - NTNN



Bình luận
vtcnews.vn