Bí ẩn dòng tiền 1.700 tỷ đồng của Địa ốc Phát Đạt

Kinh tếThứ Năm, 08/02/2018 07:56:00 +07:00

Phát Đạt đã giảm hơn 5.400 tỷ đồng nợ và lãi trong cuối năm 2017; tuy nhiên, báo cáo dòng tiền cho thấy, thực trả mới là 3.700 tỷ đồng, đặt ra dấu hỏi lớn rằng khoản tiền khổng lồ 1.700 tỷ đồng còn lại đang ở đâu.

Như đã đưa tin, Công ty CP Phát triển BĐS Phát Đạt ngày 26/12 đã ký 2 hợp đồng hợp tác kinh doanh phát triển dự án The EverRich2 và The EverRich3 với các đối tác Công ty TNHH Đầu tư Big Gain và Công ty TNHH Dynamic Innovation, thu về hơn 6.000 tỷ đồng. 

Khoản tiền khổng lồ, bằng 2/3 tổng tài sản của Phát Đạt, được doanh nghiệp này nhanh chóng giải ngân toàn bộ trong 4 ngày cuối năm, để góp vốn đầu tư và trả nợ gốc, lãi ngân hàng, trái chủ. 

Thuyết minh báo cáo tài chính cho thấy số dư vay nợ tài chính thời điểm cuối năm 2017 giảm gần 3.200 tỷ đồng từ 3.242 tỷ đồng về 47 tỷ đồng. Chi phí lãi vay ngắn và dài hạn giảm từ 2.244 tỷ đồng về 6 tỷ đồng, giảm gần 2.240 tỷ đồng.

1

 Nhiều thông tin thiếu rõ ràng về hai dự án The EverRich 2&3 của Phát Đạt 

Các khoản nợ vay và lãi vay của Phát Đạt với các ngân hàng và trái chủ theo đó giảm tới hơn 5.400 tỷ đồng trong năm 2017.

Tuy nhiên, có thật sự Phát Đạt đã thanh toán toàn bộ 5.400 tỷ đồng nợ gốc và lãi cho các chủ nợ?

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ thể hiện Phát Đạt đã thực trả 2.264 tỷ đồng tiền gốc vay và 1.511 tỷ đồng lãi vay trong năm vừa qua, tức là thấp hơn 936 tỷ đồng nợ gốc và 729 tỷ đồng lãi vay so với số dư đầu kỳ. Tổng cộng khoản tiền chênh lệch lên tới 1.665 tỷ đồng. 

Vậy, gần 1.700 tỷ đồng mà các chủ nợ của Phát Đạt phải được hưởng, đã đi đâu trong vài ngày cuối năm 2017?

2

 Lãi vay cũng giảm hơn 2.200 tỷ đồng.  

Thời điểm đầu năm 2017, Phát Đạt có khoản vay trái phiếu 2.051 tỷ đồng với năm trái chủ là Công ty CP Đầu tư Trọng Tín; Công ty CP Đầu tư Bách Chiến; Công ty CP Trường  Phát Lộc; Công ty TNHH MTV Dịch vụ Quản lý Toàn Tâm và Công ty TNHH BĐS Xuân Thành. Ngoài ra, còn vay Ngân hàng TMCP Kỹ thương (Techcombank) 600 tỷ đồng và Ngân hàng TMCP Đông Á 386 tỷ đồng. 

Như Nhadautu.vn đã phân tích trong bài viết gần đây, phần lớn 5 trái chủ trên chỉ được thành lập ít ngày trước thời điểm cho Phát Đạt vay, có vốn điều lệ vài chục tỷ đồng (có đơn vị vốn chỉ 10 tỷ đồng), và đã nhận tài trợ của Đông Á Bank để nhà băng này gián tiếp cho Phát Đạt vay hàng nghìn tỷ đồng.

Các chỉ số trên bảng cân đối kế toán của Phát Đạt thời điểm cuối năm 2017 không có nhiều thay đổi đáng chú ý, ngoại trừ các chỉ số vay nợ giảm mạnh, thay vào đó là khoản phải trả hơn 6.000 tỷ cho Đầu tư Big Gain và Dynamic Innovation. 

3 3

 Phát Đạt chỉ mới thực trả 3.700 tỷ đồng nợ gốc và lãi vay. Nguồn: Báo cáo lưu chuyển tiền tệ Quý IV/2017 PDR 

Khoản chênh 1.700 tỷ đồng nợ gốc và lãi vay mà các chủ nợ của Phát Đạt chưa được nhận, dù đã 'bốc hơi' khỏi bảng cân đối kế toán, đưa ra giả thiết các chủ nợ đã giảm cả nợ gốc và lãi cho Phát Đạt.

Khả năng này khó xảy ra, khi mà chủ nợ trực tiếp và gián tiếp lớn nhất của Phát Đạt là Đông Á Bank đang bị Ngân hàng Nhà nước kiểm soát đặc biệt. 

Ở khả năng còn lại, khoản nợ và lãi 1.700 tỷ đồng đã được 'đảo' và chuyển sang đứng tên các nhà đầu tư Big Gain và Dynamic Innovation, để rồi 2 pháp nhân này quay trở lại góp vốn hợp tác kinh doanh với Phát Đạt. 

Trong quá khứ, 5 trái chủ, mà đứng sau là Đông Á Bank cũng đã không ít lần phải gia hạn và tái cơ cấu khoản nợ hàng nghìn tỷ đồng với Phát Đạt.

Video: Người Việt chuyển 3 tỷ USD mua nhà, bất động sản tại Mỹ thế nào?

(Nguồn: Nhà Đầu Tư)
Chuyên đề: Tin Kinh tế
Bình luận
vtcnews.vn