Bí ẩn đằng sau những hình xăm của các nạn nhân bị tấn công tình dục

Sức khỏeChủ Nhật, 24/03/2019 13:35:00 +07:00

Một số nạn nhân bị tấn công tình dục đã lựa chọn những hình xăm như cách đem lại cảm giác khuây khỏa và tiếp thêm động lực sống.

Đối với Olivia Adamson, cơ thể đầy những tác phẩm nghệ thuật của cô là một lời nhắc nhở bản thân rằng “Tôi vẫn sống, vẫn ổn”. Chạm vào những hình xăm có dòng chữ “Unbreakable” (tạm dịch Không bị khuất phục) và “survivor” (tạm dịch Người sống sót) bằng chữ viết tay của người dì, nằm trong cổ tay trái là một trong những thói quen yêu thích của cô.

“Khi tôi đang trải qua khoảng thời gian khó khăn, tôi sẽ chạm vào cổ tay trái của tôi và lướt những ngón tay lên dòng chữ "survivor", nó làm tôi cảm thấy khá hơn”, cô tâm sự.

xamtay

Dòng chữ "Không bị khuất phục" được Olivia Adamson xăm trên bàn chân của mình. Ảnh: CNN  

Adamson, 24 tuổi, sinh sống tại Austin (Texas, Mỹ) bị tấn công tình dục 2 lần vào tháng 11/2015 và tháng 1/2016. Cả 2 lần, cô đều biết thủ phạm là ai. Nguồn động viên duy nhất của cô chính là người dì, cô đã xăm dòng chữ “survivor” như một phần của quá trình trị liệu. Cô cho biết: “Hình xăm này sẽ giúp tôi chữa lành các vết thương, theo cách mà chính bản thân tôi còn không làm được”.

Giống như nhiều nạn nhân khác, Adamson thấy việc xăm mình trị liệu là một trải nghiệm giúp cô chữa lành. “Nếu không có những hình xăm này, tôi thật sự không biết tôi sẽ ra sao nữa".

Hiểu cảm giác này hơn ai hết, December Maxwell, 38 tuổi, một người sống sót sau vụ tấn công tình dục thời thơ ấu, đã có một bài báo vào tháng 1/2019 về việc xăm mình là một cách giúp nạn nhân chữa lành các vết thương tâm lý.

Maxwell, Đại học Texas ở Arlington, cho biết, cô đã nói chuyện với 10 người và mỗi người đều có lý do riêng của họ. Nghiên cứu của cô xoay quanh chủ đề “xăm mình với mục đích trị liệu".

Những người trong nhóm được khảo sát nằm trong độ tuổi từ 11 đến 29 và trung bình họ đều có 3 hình xăm. Một vài người xăm hình ngay sau lần đầu tiên bị tấn công tình dục.

Cảm giác khuây khoả

Theo Maxwell “Tấn công tình dục việc bị xâm phạm cơ thể”. Nhưng với việc tự khắc lên làn da của mình, đó là cách nạn dần dần xác định lại được mối liên hệ với cơ thể họ.

Cô cho biết, đây là một “cảm giác mang tính giải toả tâm lý”. Những người trong nghiên cứu của Maxwell đã không thể nhận thức được nỗi đau của mình, xăm là cách họ hình tượng hoá những gì họ đã trải qua.

Nhà nghiên cứu này giải thích: “Việc lấy làm chủ cơ thể cũng là cách giúp họ nhìn nhận mình là một người sống sót, một người đã vượt qua thay vì là nạn nhân".

Cierra Barefoot bị tấn công tình dục vào năm 13 tuổi, cô đã xăm hình “bông hồng lửa”, hình xăm sự kết hợp của hình hoa hồng vươn lên từ ngọn do được truyền cảm hứng từ ngôi sao nhạc Pop, Lady Gaga và cô đã xăm hình này dưới xương đòn.

xam

"Bông hồng lửa" dưới xương đòn của Cierra Barefoot là hình xăm phổ biến trong cộng đồng những nạn nhân của tấn công tình dục. (Ảnh: CNN)

Lady Gaga từng công khai việc cô bị tấn công tình dục trong quá khứ. Cô cho biết bản thân đã từng bị hãm hiếp vào năm 19 tuổi và mắc chứng rối loạn tâm lý. Trong lễ trao giải Oscar 2016, cô đã mời 50 người bị sống sót sau tấn công tình dục cùng lên sân khấu và một vài người trong số đó đã có hình xăm hoa hồng như một biểu tượng của sự đoàn kết.

Sau khi được truyền cảm hứng từ màn trình diễn của Lady Gaga, Barefoot cho biết hình xăm bông hồng lửa đã tiếp thêm cho cô sức mạnh. “Tôi tự hào vì là một người sống sót”, cô gái 22 tuổi đến từ Pittsburgh này chia sẻ.

Rất nhiều người đã dùng những hình xăm để giúp họ vượt qua các chấn thương tâm lý, họ xem nó như phương pháp trị liệu thay thế. Maxwell ví điều này như một liệu pháp nghệ thuật trị liệu truyền thống, truyền tải trong đó những trải nghiệm và cảm nhận của các nạn nhân.

Cô còn cho biết nhiều người cho rằng cảm giác đau do kim xăm gây ra cũng là một phần của quá trình trị liệu. Tương tự như thiền, các bệnh nhân phải đối mặt với các đau đớn.

Adamson cũng đồng ý rằng: “Trị liệu đôi khi có tác dụng, nhưng đôi khi thì không. Điều này còn phụ thuộc phần lớn vào người điều trị và năng lực của họ”. Trong trường hợp của cô, việc điều trị không có tác dụng, cô tập trung vào việc chấp nhận sự thật theo cách riêng của mình. Cô cho biết: “Đối với tôi, cách tốt nhất để vượt qua là xăm mình”.

Theo cô gái này, điều quan trọng là những nạn nhân dám lên tiếng về những gì đã xảy ra với họ. Cô muốn tất cả cùng nhau chia sẻ thẳng thắn.

Maxwell cho biết việc cảm thấy phương pháp trị liệu thông thường không giúp nạn nhân cải thiện là tình trạng khá phổ biến, sẽ rất khó để tìm ra những chuyên gia điều trị các chấn thương tâm lý sau tấn công tình dục, nhất là những chuyên gia nữ.

Những người phụ nữ trong nghiên cứu của cô cho biết họ cảm thấy bị kì thị vì những chuyện đã xảy ra với họ và vì những hình xăm trên cơ thể. Một số thậm chí còn cảm nhận được sự kì thị từ chính các bác sĩ trị liệu và họ không muốn quay lại đó. Chính vì điều này, các nạn nhân thường tìm đến cách trị liệu khác, như xăm hình.

Không phải cách duy nhất

Theo Mạng lưới về vấn đề Hiếp dâm, lạm dụng và loạn luân quốc gia (Hoa Kỳ), trung bình hàng năm ở quốc gia này có đến 321.500 nạn nhân bị cưỡng hiếp và tấn công tình dục.

hinhxam 3

Luanne Nelson, 28 tuổi, đã xăm hình này 2 năm trước. Dãy núi tượng trưng cho tình yêu thiên nhiên của cô, những ngôi sao là những người đã luôn động viên và giúp đỡ cô trong quãng thời gian khó khăn, và mặt trăng là có ý nghĩa cho một sự khởi đầu mới. (Ảnh: CNN)

Chuyên gia tâm lý Anne McKechnie ở Scotland giải thích sau khi bị tấn công, nạn nhân bắt đầu nhận thức được chuyện gì đã xảy ra và thường cảm thấy đau khổ, khó ngủ, nghĩ về khoảnh khắc mình bị xâm phạm hay tìm cách né tránh hoàn toàn sự việc.

Bà cũng nói thêm rằng những biểu hiệu này phụ thuộc vào số lần nạn nhân bị tấn công và các yếu tố khác, như bị xâm hại từ tuổi thơ ấu. Những hình xăm có thể có ích trong trường hợp này nếu đây một cách giúp nạn nhân lấy lại được kiểm soát và chấp nhận rằng những việc xảy ra không phải lỗi của họ.

Barefoot chia sẻ hình xăm “survivor” đã giúp cô cảm thấy không hổ thẹn: “Đó là một lời nhắc nhở rằng việc bị lạm dục tình dục không thể khuất phục tôi cũng như làm vấy bẩn con người tôi”. Những hình xăm này đã tạo thêm động lực cho Barefoot đối thoại với những người xung quanh về tấn công tình dục, giúp họ hiểu tấn công tình dục ảnh hưởng hay thậm chí hủy hoại cuộc sống con người như thế nào.

Tuy nhiên, McKechnie cũng khẳng định hình xăm không thể áp dụng với tất cả trường hợp để giải quyết vấn đề và đây không phải là phương pháp duy nhất.

Maxwell cũng đồng ý và cho rằng việc trị liệu tâm lý bằng cách xăm hình cần phải được thực hiện trong giới hạn và kết hợp với các phương pháp trị liệu khác.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn