Bí ẩn đầm lầy nhiều cá sấu nhất Đông Nam Bộ

Phóng sự - Khám pháThứ Năm, 12/12/2013 01:08:00 +07:00

Bàu Sấu từng được mệnh danh là vùng đầm lầy nguyên thủy có số lượng cá sấu "khủng" đến độ nhiều như muỗi.

Điều kiện tự nhiên phù hợp với sự sinh trưởng, phát triển của loài cá sấu, Bàu Sấu từng được mệnh danh là vùng đầm lầy nguyên thủy có số lượng cá sấu "khủng" đến độ nhiều như muỗi.


Cũng vì sức hấp dẫn của da và thịt cá sấu, cánh phường săn tìm mọi cách lùng sục làm cho cá sấu ở Bàu Sấu đến bờ vực tuyệt chủng.

Tuy nhiên, trong nỗ lực bảo tồn loài cá sấu đặc hữu của Việt Nam, các ban ngành liên quan đã triển khai chương trình phục hồi cá sấu nước ngọt tại khu vực Bàu Sấu. Sau hơn 10 năm đi vào thực hiện, Bàu Sấu đã trở thành mái nhà ấm cúng của những quần thể cá sấu.

Bắt cá sấu dễ như... bắt muỗi trong lu

Bàu Sấu nằm ở phía Nam của Vườn quốc gia Cát Tiên (huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai). Đây là quê nhà của cá sấu nước ngọt (tức cá sấu xiêm) một loài cá sấu của Việt Nam tưởng chừng như đã tuyệt chủng trước đây. Để đến được Bàu Sấu chúng tôi xuất phát từ Trung tâm hành chính của Vườn quốc gia Cát Tiên trải qua 9km đường xe và cuốc bộ hơn 5km đường xuyên rừng.

Bàu Sấu nằm lọt thỏm trong vùng lõi của Vườn quốc gia Cát Tiên, dưới sự quản lý trực tiếp của trạm kiểm lâm Bàu Sấu. Được biết, tên gọi Bàu Sấu được hình thành từ khi chưa có quyết định thành lập Vườn quốc gia Cát Tiên ngày nay. Đây là nơi có diện tích đất ngập nước lớn nhất Vườn quốc gia Cát Tiên với mặt bàu rộng hơn 2.500 ha vào mùa mưa. Song mùa hè mặt bàu chỉ 100-150 ha.

Nhiều người nước ngoài đến Bàu Sấu để tìm hiểu về nguồn gốc của cá sấu xiêm 

Khu vực Bàu Sấu không chỉ là ngôi nhà của cá sấu mà còn tập trung rất nhiều loài động thực vật có tên trong sách đỏ Việt Nam và thế giới. Cũng như nhiều vùng đặc hữu khác của Vườn quốc gia Cát Tiên, Bàu Sấu nằm trong diện bảo tồn nên được quản lý và giám sát rất chặt chẽ.

Điều tạo nên điểm khác biệt của vùng Bàu Sấu chính là cá sấu trú ngụ đông đúc ở những đám sình lầy. Cá Sấu hiện diện bất cứ nơi đâu trong Bàu Sấu, đó cũng chính là mối đe dọa của rất nhiều loài động thực vật đang sinh sống trong khu vực bàu. Vì thế, Bàu Sấu nghiễm nhiên trở thành lãnh địa mà cá sấu làm chủ hoàn toàn.

Dẫu vậy, nhìn hình ảnh của những con sấu đang thong dong bơi lội trong bàu đã có nhiều người lầm tưởng chúng chính là "cư dân" gốc ở Bàu Sấu. Bởi, có rất ít người hiểu tường tận về nguồn gốc nguyên thủy của cá sấu ở Bàu Sấu.

Lý giải về điều những điều kỳ bí này, anh Trần Văn Quân, Trưởng trạm Kiểm lâm Bàu Sấu cho biết: "Cá sấu nước ngọt là loài phổ biến nhất vùng đất ngập nước ở Vườn Quốc Gia Cát Tiên. Đã có một thời những đốm mắt cá sấu nhiều đến nỗi được ví như những ngôi sao trên bầu trời. Ban đêm, chiếu đèn pin xuống hồ, mắt cá sấu đỏ au như than hồng.

Cả người dân lẫn chiến sỹ cách mạng đi ngang qua khu vực Bàu Sấu nhiều phen khiếp vía trước sự tấn công ngầm của loài cá sấu. Với đặc tính máu lạnh và khả năng săn mồi thượng đẳng, cá sấu đã lấy sự sống của nhiều loài động vật ở Bàu Sấu thậm chí chúng đã cướp mạng không ít người.

Để đối phó với sự hung dữ của loài cá sấu, con người đã trả đũa bằng những cuộc săn bắt vô tội vạ, nên mới dẫn đến thực trạng cá sấu nước ngọt sinh sống tự nhiên đã bị tuyệt chủng".

Là người nhiều lần chứng kiến sự hung dữ, oai phong của cá sấu, già Điểu K'Lư (92 tuổi, ngụ xã Tà Lài, huyện Tân Phú, Đồng Nai) chia sẻ: "Cá sấu ở vùng đầm lầy Bàu Sấu nhiều như muỗi trong khạp, trong lu vậy. Con người chỉ cần huơ tay xuống đầm là cá sấu lao đến ngay. Có người chưa bao giờ đặt chân đến Bàu Sấu đã mạo hiểm lội xuống bàu liền bị cá sấu quăng quật rồi kéo xuống bùn biến mất trong chốc lát.

Bản làng người Mạ, S'Tiêng nằm ở Chiến khu Đ (trong chiến tranh, Vườn quốc gia Cát Tiên là một phần của căn cứ địa Chiến khu Đ) nên cộng đồng vẫn bắt cá sấu về xẻ thịt ăn. Sau này, nhận thấy cả thịt, xương lẫn da cá sấu đều có giá trị về kinh tế, một số người bất chấp mọi thủ đoạn truy lùng, săn bắt cá sấu khiến cho quần thể cá sấu giảm đi nhanh chóng. Cảnh vật xung quanh khu vực Bàu Sấu cũng bị tàn phá, xuống cấp trầm trọng".

Phục hồi bản năng hoang dã cho cá sấu thuần chủng

Căn cứ vào tài liệu của dự án bảo tồn Bàu Sấu cho thấy trước những năm 1975 cá sấu ở vùng đầm lầy Bàu Sấu đếm không xuể. Thế nhưng, đến năm 1987 chỉ còn sót lại vài cá thể. Và cá thể cuối cùng được nhìn thấy vào năm 1996, nhưng cũng bị một người thợ săn canh me bắt mất. Kể từ đó, khu vực Bàu Sấu không còn sự hiện hữu của cá Sấu nữa. Các nhà bảo tồn đành đau xót tuyên bố cá sấu ở Bàu Sấu chính thức tuyệt chủng.

Tuy nhiên, nhận thấy khu vực Bàu Sấu thích hợp với sự phát triển của cá sấu. Dự án bảo tồn Vườn quốc gia Cát Tiên đã phác thảo kế hoạch phục hồi cá sấu nước ngọt. Năm 2001, dự án đi vào thực tiễn dựa trên việc tìm kiếm nguồn cá sấu nước ngọt thuần chủng cùng họ với loài cá sấu đã tồn tại trong Bàu Sấu trước đây.

Cá sấu ở Bàu Sấu 

Theo tìm hiểu của PV, để đảm bảo về tính chuẩn cho cá sấu ở vùng Bàu Sấu, các nhà bảo tồn đã đưa tất cả những con cá sấu thu thập được gửi mẫu sang các trường đại học có uy tín ở Úc nhằm hỗ trợ việc phân tích mẫu gen di truyền. Việc làm này đảm bảo những cá thể cá sấu mang thả ở Bàu Sấu là những cá thể thuần chủng và có nguồn gốc tại Vườn quốc gia Cát Tiên.

Dự án bảo tồn cá sấu nước ngọt bắt đầu được tiến hành năm 2001, cho đến thời điểm này, Vườn quốc gia Cát Tiên đã trải qua 5 lần thả. Tổng cộng cả thảy thả được 60 cá sấu nước ngọt vào Bàu Sấu sau khi đã kiểm tra ADN, đảm bảo tính thuần chủng và được cho làm quen với không gian tự nhiên tại đây. Hơn 10 năm thực hiện, cá sấu đã phục hồi bản năng tự nhiên như săn mồi, ấp trứng.

Bằng chứng của sự hồi sinh

Được biết, loài cá sấu được phục hồi tại khu vực Bàu Sấu là cá sấu nước ngọt (cá sấu xiêm) chúng có thân dài và mõm dài như cái kẹp. Hàm dưới có nhiều răng dài và nhọn, đuôi cao to khỏe, chân sau có màng ở lưng dạng hình chữ nhật. Cá sấu nước ngọt có thân hình màu xám, mặt bụng nhạt hơn phần lưng.

Loài cá sấu xiêm có chiều dài trung bình từ 2,20-2,28m. Cá sấu thường chọn thức ăn là cá, cua, chim trời các thú nhỏ như chuột. Ở Việt Nam loài này thường sống ở hồ, sông, rạch những nơi có nước lặng, nước chảy chậm. Chúng còn thích sống ở vùng đầm lầy, xa các dòng nước chảy lớn. Điều đáng nói hơn loài cá sấu này là một trong những giống bị đe dọa nhiều nhất. Các tổ chức bảo tồn thế giới đã xếp loài này vào hàng nguy cơ tuyệt chủng cao..

Vào tháng 9/2005, các nhà bảo tồn đã phát hiện được cá thể cá sấu con ở khu vực Bàu Sấu. Đây là bằng chứng quan trọng để đánh giá sự thành công trong công tác bảo tồn. Vì cá sấu thường hoạt động mạnh vào ban đêm cho nên để theo dõi được đàn có sấu đang đứng bên bờ vực tuyệt chủng, hằng đêm các cán bộ kiểm lâm Bàu Sấu thường xuyên dùng đèn pin lia từ bờ này sang bờ kia. Gặp ánh sáng chói lóa, những con mắt của cá sấu đỏ rực lên và nằm bất động trên mặt Bàu Sấu. Cũng vì những đặc điểm dễ nhận dạng này mà cánh phường săn thực hiện những chiêu trò dụ dỗ cá sấu vào tròng rất dễ dàng.
Theo anh Trần Văn Quân, Trưởng trạm Kiểm lâm Bàu Sấu cho hay: "Bàu Sấu là nơi được đánh giá có mức độ đa dạng sinh học cao với sự hiện diện của các loài động thực vật thủy sinh, các loài sinh vật bán ngập nước, các loài chim nước, đặc biệt là cá sấu xiêm và các loài thú có móng vuốt.

Ngày 04/08/2005, khu đất ngập mặn Bàu Sấu của Vườn quốc gia Cát Tiên được ban thư ký Công ước Ramsar tại Thụy Sỹ công nhận đưa vào danh sách các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng của thế giới. Bàu Sấu là khu đất ngập nước thứ 1.499 của thế giới đồng thời là khu Ramsar thứ 2 của Việt Nam".


Theo Quyên Triệu - ĐSPL

Bình luận
vtcnews.vn