Bí ẩn chưa được khám phá về nền văn minh lớn nhất thế giới

Phóng sự - Khám pháChủ Nhật, 21/06/2015 10:36:00 +07:00

Nền văn minh này trải dài trên một diện tích là 1.250.000 km² và như thế so về diện tích lớn hơn Ai Cập cổ đại và nền văn minh Lưỡng Hà cộng lại.

Năm 1922, khi các nhà khảo cổ học người Anh trên đường đi tìm dấu vết của Alexander Đại đế đã khám phá những phần còn lại của một nền văn hóa chưa được biết đến trong lãnh thổ của Pakistan ngày nay.


Nền văn minh này trải dài gần khắp lãnh thổ Pakistan, một phần của Ấn Độ và Afganistan trên một diện tích là 1.250.000 km² và như thế so về diện tích lớn hơn Ai Cập cổ đại và nền văn minh Lưỡng Hà (Mesopotamia) cộng lại.

Cho đến nay có hơn 1.050 di chỉ đã được xác định, phần lớn dọc theo sông Ấn. Trên 140 thành phố và làng mạc đã được tìm thấy. Hai trung tâm đô thị lớn nhất là Harappan và Mohenjo-Daro, bên cạnh đó còn có nhiều thành phố lớn như Dholavira, Ganweriwala, Lothal và Rakhigarhi.

Trong thời kỳ nở rộ, nền văn hóa sông Ấn được phỏng đoán có trên 5 triệu dân cư. Chỉ khoảng 10% làng mạc của họ là đã được khai quật, chữ viết chưa được giải mã và việc nền văn hóa này biến mất đột ngột từ khoảng 1.900 TCN cũng chưa được giải thích.

Những cuộc khai quật và phát hiện

Cách đây vài nghìn năm đã từng có một nền văn minh phát triển mạnh ở Thung lũng Indus, mảnh đất bây giờ là Pakistan và miền Tây Ấn Độ được coi là nền văn hóa đô thị được biết đến sớm nhất của tiểu lục địa Ấn Độ. Nền văn minh Thung lũng Indus như nó được gọi, là một trong bốn nền văn minh cổ đại: Ai Cập, Lưỡng Hà, Ấn Độ và Trung Quốc và ít được biết đến nhất do hệ thống chữ Indus vẫn chưa được giải mã.

Dựa vào các tài liệu văn hóa còn tồn tại, các nhà khảo cổ học đã có được cái nhìn rõ nét hơn vào cuộc sống của người cổ đại Harappan thuộc nền văn minh Thung lũng Indus. Nền văn minh Thung lũng Indus được người Anh phát hiện lần đầu vào năm 1800, James Lewis một kỹ sư người Mỹ đã nhận thấy sự hiện diện của những tàn tích tại một thị trấn nhỏ ở Punjab gọi là Harappan, cũng vì lý do này những phát hiện sau đó được mang tên là nền văn minh Harappan.

Alexander Cunningham, người đứng đầu Viện Khảo cổ học của Ấn Độ đã đến khu vực này vào năm 1853 và 1856 trong khi tìm kiếm các thành phố đã được viếng thăm bởi những người hành hương Trung Quốc trong thời kỳ Phật giáo. Sự hiện diện của một thành phố cổ đã được xác nhận trong vòng 50 năm sau, nhưng khi đó không ai quan tâm đến bề dày lịch sử hay tầm quan trọng của nó.

Một phần những bức tường thành còn sót lại trong khu di tích Mohenjo-Daro. 

Năm 1872 các phế tích bằng gạch nặng bị lấy đi đã làm phá hủy tầng trên của khu vực di tích này. Những viên gạch bị đánh cắp đã được sử dụng để xây dựng nhà ở và đặc biệt là để xây dựng tuyến đường sắt Đông Ấn từ Karatschi đến Lahore của người Anh. Alexander Cunningham đã thực hiện một vài cuộc khai quật nhỏ tại chỗ và phát hiện một số đồ gốm cổ, công cụ bằng đá, con dấu bằng đá. Phát hiện này của ông đã tạo ra sự quan tâm của các học giả.

Nhưng các cuộc khai quật lớn đã không được thực hiện trong vòng 40 năm sau đó, tới năm 1986, Giáo sư George Dales từ Đại học California đã thành lập dự án khảo cổ học Harappan (HARP). Dự án nghiên cứu đa ngành này bao gồm các nhà khảo cổ học, ngôn ngữ học, sử học và nhân chủng học. Cho đến nay thành phố lớn nhất được tìm thấy là Mohenjo Daro, đồi của người chết (The Mound of Death) nằm ở tỉnh Sindh, Pakistan ngày nay.

Cùng với những di chỉ khảo cổ quan trọng khác như Kot Diji, Lothal và Harappan, đặc điểm của Mohenjo Daro là kiến trúc đồng nhất trong xây dựng thành phố, đặc biệt là trong hệ thống cung cấp nước và hệ thống nước thải. Với việc xác định niên đại bằng phương pháp carbon, cùng với việc so sánh các hiện vật, đồ gốm phát hiện đã giúp các nhà nghiên cứu có được cái nhìn về sự hình thành và phát triển của các thành phố vùng sông Indus. Đây có thể coi là thời kỳ hoàng kim của nền văn minh Harappan.

Những đóng góp đặc sắc vào nền văn hóa nhân loại


Mohenjo-Daro là thành phố được khảo sát tốt nhất của văn hóa sông Ấn. Trong các thập niên 1920 và 1930, Cơ quan khảo cổ của Anh đã tổ chức khai quật rộng khắp tại đây và đào lộ thiên nhiều phần của thành phố đã hoàn toàn bị chôn vùi trong bùn lầy của sông Ấn 4.500 năm trước đó. Thành phố được xây dựng trên một nền nhân tạo làm bằng gạch, đất sét và bằng đất được xem như là để bảo vệ cư dân khỏi nạn lụt lội và các cuộc xâm lăng.

Cạnh một vùng nằm cao hơn, được xem là thành lũy là một vùng được coi như là khu dân cư, nơi có nhiều nhà dân. Các con đường chính chạy xuyên qua thành phố theo hướng Bắc - Nam và đường nhỏ thẳng góc với đường lớn theo hướng Đông - Tây, từ đó hình thành các khu nhà cho người dân thành phố... Các hệ thống nước thải và thoát nước cổ đại này đã được phát triển, sử dụng và được đánh giá là tiên tiến, thậm chí hiệu quả hơn so với một số khu vực của Pakistan và Ấn Độ ngày nay.

Bên cạnh việc sự dụng đồng nhất kích thước gạch, việc cân đo lường cũng được thống nhất và sử dụng chung cho các vùng thuộc văn minh Harappan. Các quả cân ghi trọng lượng đo lường đã được tìm thấy cho thấy độ chính xác đáng kể. Họ theo một hệ thống nhị phân thập phân: 1, 2, 4, 8, 16, 32, lên đến 12.800 đơn vị, nơi một đơn vị trọng lượng khoảng 0,85 gram. Một số trọng lượng quá nhỏ có thể đã được sử dụng bởi các nhà kim hoàn để đo lường kim loại quý.

Các nhà khảo cổ học đã cố gắng để xác định những người thuộc tầng lớp cai trị của nền văn minh Harappan, những gì đã được tìm thấy là đáng ngạc nhiên bởi nó không giống các mô hình đô thị trẻ khác. Không có người cai trị duy nhất, nhưng một số: Mohenjo-daro có một người cai trị riêng biệt, Harappan khác... Có vẻ những người cai trị này thông qua sự kiểm soát về thương mại và tôn giáo thay vì sức mạnh quân sự.

Nền kinh tế Harappan lúc bấy giờ khá đa dạng dựa trên cơ sở một nền thương mại được ưu đãi bởi nhiều tiến bộ trong kỹ thuật vận tải. Ngoài xe do bò kéo rất giống những loại xe ngày nay tại Nam Á mà còn cả các loại tàu lớn nhỏ. Phần lớn những con tàu này được phỏng đoán là tàu buồm có đáy bằng như vẫn còn nhìn thấy trên sông Ấn ngày nay.

Người Harappan đã biết sử dụng sức kéo của trâu cho hoạt động sản xuất nông nghiệp của mình. Việc trồng lúa, loại cây trồng vẫn còn chưa được biết đến, mà phần lớn là trồng lúa mì. Điều đáng nói là nền nông nghiệp của văn minh Harappan phải có sản lượng rất cao để nuôi sống hàng ngàn người dân trong thành phố không trực tiếp tham gia vào hoạt động nông nghiệp.

Một số nhà sử học đưa ra ý kiến cho rằng Harappan chính là tiền nhân của người Hindu và Hindu giáo sau này, dù không tìm thấy các tòa nhà lớn mang dáng dấp tôn giáo như ở Mesopotamia hoặc Ai Cập. Những con dấu là một trong những vật dụng thường thấy ở các thành phố Harappan. Một số các con dấu được khắc nguyên mẫu nhân vật tôn giáo Hindu, một số trong đó được tìm thấy ngày hôm nay.

Người Harappan cũng có khái niệm về linh hồn sau khi con người đã chết. Nhiều ngôi mộ cổ được phát hiện được đặt theo hướng Nam - Bắc. Đặc biệt là trong Nghĩa trang H của thời kỳ Harrapan sau này, đã tìm thấy những ngôi mộ hỏa táng và chôn cất người chết, tro của họ để trong bình chôn lấp và kèm theo các vật dụng tùy táng.

Chữ viết người người Harappan gồm các chuỗi ngắn của các biểu tượng, ký tự được tìm thấy nền văn minh lưu vực sông Ấn. Các nhà khảo cổ học cho rằng, những biểu tượng/ký tự này được sử dụng trong thời kỳ phát triển Harappan từ khoảng 2600 - 2000 TCN. Tuy nhiên, vẫn chưa giải mã được những biểu tượng/ký tự này do đó việc giải thích các văn bản vẫn còn gây nhiều tranh cãi.

Suy tàn và sự biến mất bí ẩn

Năm 1953, Mortimer Wheeler, Giám đốc Nghiên cứu Khảo cổ Ấn Độ đề xuất rằng sự suy giảm của nền văn minh Harappan là do cuộc xâm lược của một bộ tộc Ấn- Âu từ Trung Á được gọi là “người Aryan”.

Để chứng minh, ông đưa ra bằng chứng là một nhóm 37 bộ xương được tìm thấy trong các phần khác nhau của thành phố cổ đại Mohenjo-Daro, và các đoạn văn trong kinh Veda đề cập đến các trận chiến và pháo đài. Tuy nhiên, các học giả sớm bắt đầu bác bỏ lý thuyết của M. Wheeler, kể từ khi các bộ xương được tìm thấy tại thành phố bị bỏ hoang và không gần những bức thành lũy. Kenneth Kennedy đã chứng minh các dấu hiệu trên hộp sọ gây ra bởi sự xói mòn và không có dấu hiệu của bạo lực.

Một lý do tự nhiên nhất có thể chứng minh cho sự suy tàn của nền văn minh Harappan là do biến đổi khí hậu: Khí hậu mát và khô từ khoảng 1800 TCN, liên quan đến sự suy yếu của gió mùa tại thời điểm đó. Theo một nghiên cứu của các nhà địa chất học từ Oceanographic Institution thì sự thay đổi khí hậu có tác động đến nền văn minh Harappan.

Cổ vật của nền văn minh Harappan. 

Theo lý thuyết này, việc di chuyển một cách chậm chạp về phía đông của các đợt gió mùa trên khắp châu Á đã khiến cho nông nghiệp phát triển. Các cư dân Harappan đã không chú ý xây dựng các hệ thống tưới tiêu mà chủ yếu dựa vào các đợt gió mùa cung cấp nước. Khi các đợt gió mùa chuyển dịch dần về phía đông, sự khô hạn đã khiến họ di chuyển dần về phía lưu vực sông Hằng, nơi họ lập các làng nhỏ hơn và các trang trại bị cô lập. Thặng dư sinh ra từ các cộng đồng nhỏ này không cho phép phát triển thương mại và các thành phố bị bỏ hoang.

Nguyên nhân tiếp theo có thể là do những trận động đất, ông Amos Nur, Giáo sư vật lý tại Đại học Stanford cho biết: “Chúng tôi tin rằng các thảm họa tự nhiên, đặc biệt là động đất, đã đóng vai trò quan trọng trong sự mất tích bí ẩn của nhiều nền văn minh”. Theo giả thuyết này, một hoặc nhiều chấn động lớn có thể đã làm vỏ trái đất di chuyển, kéo theo việc chặn dòng chảy của một con sông lớn trong vùng. Nền sản xuất nông nghiệp bị phá hủy, các trận lụt nghiêm trọng xảy ra và cuối cùng vùi lấp các thành phố dưới bùn lầy.

Một số sử gia lại cho rằng nguyên nhân có thể do tại các khu định cư nhỏ dân số đã tăng trưởng vượt quá giới hạn tự nhiên của chúng dẫn đến việc quản lý yếu kém nguồn tài nguyên thiên nhiên. Các sử gia đều có quan điểm chung rằng sự suy giảm của nền văn minh sông Ấn không phải là kết quả của một sự kiện đơn lẻ, nó là một sự suy giảm dần dần và là kết quả của sự kết hợp nhiều yếu tố tạo nên. Sự biến mất của nền văn minh Harappan tiếp tục là một bí ẩn chưa có lời giải đáp.


Nguồn: Hoàng Ngọc (CAND)
Bình luận
vtcnews.vn