Bí ẩn chiếc sừng dê truyền đời trị thương ở chốn thâm sơn

Phóng sự - Khám pháThứ Hai, 09/06/2014 03:39:00 +07:00

Nhiều người cho rằng, bí ẩn trong bài thuốc chữa bỏng của ông Dồn nằm ở chiếc sừng dê rừng ông treo trong nhà.

Nhiều người cho rằng, bí ẩn trong bài thuốc chữa bỏng của ông Dồn nằm ở chiếc sừng dê rừng ông treo trong nhà.


Những ngày gần đây, tòa soạn đã nhận được đề nghị của nhiều độc giả nhờ tìm hiểu về bài thuốc chữa bỏng kỳ lạ của ông Bùi Văn Dồn (trú tại xã Thượng Cốc, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình).

Nhiều người cho rằng, bí ẩn trong bài thuốc chữa bỏng của ông Dồn nằm ở chiếc sừng dê rừng ông treo trong nhà. Câu hỏi đặt ra là bên trong chiếc sừng dê rừng này có gì? Vì sao, nó trở thành “linh hồn” trong bài thuốc chữa bỏng của thầy lang Bùi Văn Dôn?

Kỳ thực đến nay chưa ai rõ. Để rộng đường dư luận, cũng như tìm hiểu rõ hơn về phương thuốc chữa bỏng kỳ lạ này, chúng tôi đã tìm về xã Thượng Cốc.

Bài thuốc lạ kỳ

Khác xa với bài thuốc chữa bỏng có phần kỳ lạ của mình, bên ngoài, thầy lang Bùi Văn Dồn trông có phần chân chất hơn rất nhiều. Người dân ở đây vẫn bảo, nhìn ông không mang dáng vẻ gì của một thầy lang cả. Không biển hiệu, không quảng cáo..., người bệnh nào biết tìm đến nhờ ông, ông chữa.

Với bệnh nhân ở gần nhà, nếu chẳng may bị bỏng hay bị các vết thương do tại nạn lao động, ông sẽ tự tìm đến chữa giúp. Nhiều người nghe về bài thuốc của thầy lang Dồn có vẻ không tin tưởng, nhưng những người được ông chữa trị khỏi bệnh lại mừng rỡ ra mặt khi nhắc tới ông.

Ông Dồn đang chia sẻ về bài thuốc chữa bỏng “kỳ lạ” 

Hôm chúng tôi tới cùng thắc mắc của đông đảo bạn đọc, thầy lang Dồn chia sẻ, “linh hồn” trong bài thuốc chữa bỏng của ông quả thực là một chiếc sừng dê rừng. Ông bảo: “Chiếc sừng dê rừng này như là báu vật, được lưu giữ từ đời các cụ để lại”.

Việc dùng sừng dê rừng chữa bỏng đến với ông Dồn khá tình cờ, bởi trước đây, thầy lang xứ Mường này chỉ sừng dê để chữa các loại bệnh thông thường như đau bụng, đầy hơi... Việc sử dụng sừng dê làm bài thuốc chữa bỏng chỉ bắt đầu khoảng 10 năm gần đây.

“Hôm đó, con gái của anh trai tôi bị bỏng nước sôi, cả vùng cánh tay phồng rộp, đỏ au. Vết thương sau đó còn có dấu hiệu bị lở loét. Nó đau đớn, khóc lóc thảm thiết. Thương cháu, tôi mới chợt nghĩ: hay mình thử dùng sừng dê rừng bào chế thành thuốc chữa bỏng xem sao. Thế rồi, chỉ trong một tuần thử dụng bài thuốc do tôi tự chế, vết bỏng của cháu gái dần lành lại. Đặc biệt, nó còn không để lại sẹo nữa”, ông Dồn chia sẻ.

Bài thuốc của thầy lang Dồn khá đơn giản. Trước khi dùng thuốc “đặc biệt” của mình, thầy Dồn sẽ dùng nước muối để khử trùng đối với các vết thương hở và các vết bỏng nặng. Sau đó, thầy dùng dao cạo một lớp mỏng phía ngoài sừng dê rừng, rồi hòa với một chút nước sôi để nguội. Khi đổ nước ngập chất sừng vừa cạo, thầy lang sẽ khuấy đều lên. Ông dùng lông gà hoặc lông vịt đã được tẩy trùng bằng nước muối nhúng vào chén thuốc vừa bào chế và quét lên vết thương.

Sừng dê rừng hay Linh dương giác có tính hàn và khả năng giải độc cao  

“Với những vết thương bị hở hoặc vùng da bị xô đi, lúc ấy phải quét lên vết thương để cho da co giãn. Sau khi đã quét xong, tôi sẽ lấy bã thuốc đắp đều vào vết thương, làm sao vừa đủ phủ qua vết thương, không được đắp dày quá, nếu không vết thương không thoát được khí. Có như vậy, thuốc mới hút được nước, các chất mủ và hạn chế để lại sẹo. Bình thường, vết thương sẽ lành sau khoảng một tuần. Với vết bỏng nhẹ, chỉ cần quét lên 2, hoặc 3 lần là khỏi hẳn”, ông Dồn cho biết.

Cũng theo chia sẻ của ông Dồn, sở dĩ sừng dê được cạo mỏng và làm lành vết thương nhanh chóng vì nó nhanh khô và hút ẩm rất tốt. Ông cho rằng rất có thể thành phần cấu tạo nên chất sừng của con dê rừng có chứa một loại kháng sinh đặc biệt. Vì thế khi đắp và các vết thương hở, chất này sẽ ngăn không cho vi trùng có cơ hội phát triển.

Thầy Dồn chia sẻ: “Đối với các vết thương có độ bỏng nhẹ, cùng với các vết thương hở chưa bị nhiễm trùng, khả năng chữa lành vết thương và không để lại sẹo lên đến 100%. Tuy nhiên, vết thương bị nhiễm trùng, tạo mủ, thì thuốc chỉ có tác dụng hút mủ, làm lành vết thương. Còn việc xóa sẹo là rất khó”.

Biệt dược chốn thâm sơn


Chia sẻ với chúng tôi về bài thuốc của ông Bùi Văn Dồn, Chủ tịch UBND xã Thượng Cốc, ông Bùi Quang Thái cho biết: “Tôi có nghe người dân trong xã nói đến khả năng chữa bệnh với chiếc sừng dê rừng của ông Dồn. Tuy nhiên, để biết công dụng của nó tốt đến đâu vẫn cần có sự nghiên cứu, đánh giá của cơ quan chức năng. Việc ông Dồn thường đi chữa trị giúp bà con trong vùng mà không lấy tiền là chính xác. Ông cũng không tổ chức hành nghề chữa bệnh. Việc làm của ông Dồn rất ý nghĩa, tuy nhiên, việc phổ biến hơn nữa bài thuốc hoặc nên ngừng chữa trị cần căn cứ vào công dụng thực sự của bài thuốc, thông qua các đánh giá khoa học”.
Không biết bài thuốc chữa bỏng có công hiệu đặc biệt như vậy không, nhưng với ông Dồn, sừng dê rừng là một báu vật thật sự. Chiếc sừng dê rừng được ông trang trọng trong treo lên tường nhà. Theo lời ông, hai sừng dê hiện giờ đã nhọn hoắt do sử dụng vào việc chữa bệnh từ nhiều năm. Ông cho biết: “Tôi không dùng bất kỳ phép thuật gì cả, chính cái sừng dê rừng đã cứu được nhiều người. Ngoài chữa bỏng, sừng dê rừng còn rất nhiều tác dụng chữa bệnh khác”.


Cũng theo chia sẻ của ông Dồn, nhiều người ở khắp nơi nghe đến công hiệu của chiếc sừng dê rừng nên tìm đến hỏi mua, nhiều người trả giá cả trăm triệu động nhưng nhất định ông không bán. Ông bảo: “Ngày xưa vùng này còn hoang vu nên các cụ mới dễ dàng bắt được dê rừng, bây giờ kiếm đâu ra một con. Giờ nó trở nên quý hiếm vô cùng, vì thế có mua với giá bao nhiêu tôi cũng không bán”.

Hiện nay, dù sở hữu bài thuốc lạ cùng với chiếc sừng dê rừng nghe qua quá đỗi “thần bí”, nhưng ông Bùi Văn Dồn chưa bao giờ nhận mình là thầy thuốc hay thầy lang. Mọi danh xưng đều là do mọi người yêu quý đặt cho ông. Đặc biệt, ông chưa bao giờ dùng bài thuốc chữa bệnh để hành nghề kiếm tiền. “Tôi dùng sừng dê rừng để chữa bệnh cho mọi người, chủ yếu trong làng, trong xã. Tôi chữa xong cũng tuyệt đối không lấy của người bệnh một đồng”, ông Dồn cho biết.

Ông Bùi Văn Dồn bên “báu vật” sừng dê rừng của mình 

Trước tấm lòng vàng của ông Dồn, người dân trong vùng ai nấy đều cảm phục. Nhiều người cho biết, nhờ có chiếc sừng dê và bài thuốc lạ mà con em họ đã thoát nạn bao lần. “Cách đây khoảng 2 – 3 năm, chẳng may đứa cháu tôi bị ngã vào phích nước nóng khiến cho cánh tay phải bị bỏng nặng, lột cả da tay. Rất may lúc đó, chị Hương nhà bên cạnh đã chỉ cho gia đình tôi mang cháu đến nhờ ông Dồn chữa giúp. Khi đến nơi, ông Dồn đã dùng bài thuốc sừng dê rừng để chữa. Chỉ nửa tháng sau, vùng da ở cánh tay cháu tôi khỏi hẳn. Vết da bỏng bị bong hết, vùng da non bắt đầu mọc ra. Hiện nay, tay cháu tôi đã khỏi hẳn, đặc biệt vết thương không để lại vết sẹo”, ông Duẩn cho hay.

Khác với trường hợp của ông Duẩn, ông Bùi Văn Xuất (56 tuổi), ngụ xóm Trang, xã Thượng cốc khẳng định, chính ông đã lành bệnh sau khi sử dụng bài thuộc lạ. Ông Xuất cho biết: “2 năm trước, tôi vô tình cuốc phải chân mình trong lúc cuốc đất, máu chảy đầm đìa. Mặc dù đã được người nhà băng bó vết thương, máu vẫn thấm ướt mấy chiếc khăn mặt buộc phía ngoài. Sau đó, con trai tôi đã tới nhà nhờ ông Dồn tới giúp. Sau khi thực hiện các bước vệ sinh, khử trùng..., ông Dồn dùng nước sôi để nguội hòa với chất sừng đã được cạo ra, rồi dùng lông gà quét và đắp vào vết thương. Lạ kỳ, chỉ hai tuần sau tôi có thể đi lại bình thường. Tôi rất tò mò muốn biết chiếc sừng dê rừng ấy có chất gì mà có công dụng chữa bệnh tuyệt vời như vậy”.

Như vậy, việc ông Dồn dùng sừng dê rừng để bào chế bài thuốc chữa bỏng, cũng như làm lành nhanh các vết thương hở mà ít để lại sẹo là không xa lạ với người dân trong vùng. Đặc biệt là tấm lòng của ông Dồn, luôn tận tình cứu chữa nhưng không bao giờ lấy tiền công. Bài thuốc kỳ lạ là thế, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có một đánh giá nào từ phía các cơ quan chức năng, các bác sĩ chuyên ngành… Trong khi chờ đợi sự đánh giá đó, mỗi ngày đi qua, chiếc sừng dê rừng của ông Dồn lại nhọn thêm một chút. Ông chia sẻ: “Sừng nhọn đi là tôi lại giúp thêm được nhiều người. Như thế thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn”.

 
Đánh giá về bài thuốc chữa bỏng được bào chế từ sừng dê rừng của ông Bùi Văn Dồn, Bs - Th.s Vũ Quốc Trung – Trưởng phòng khám Đông y chùa Cảm Ứng cho biết: “Trong Đông y, sừng dê rừng (hay còn gọi là linh dương giác) là một loại dược liệu quý dùng để chữa bệnh. Linh dương giác có hình chùy tròn, dài 20-40cm, hình cong, đặc biệt ngọn sừng vênh ra ngoài, đường kính phía bên dưới khoảng 4cm. Toàn sừng màu trắng hoặc trắng ngà, trừ phần đầu. Có khoảng 10-20 đốt nổi cao thành vòng quấn chung quanh. Cầm vào tay có cảm giác dễ chịu. Sừng non trong suốt có tia máu hoặc mầu đen tím, không có vết nứt. Sừng già có vết nứt dọc, không có đầu đen”.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học thì linh dương giác có tính hàn, có khả năng giải độc cao. Chính vì thế, linh dương giác được bào chế để chữa trị một số loại bệnh về mắt, dạ dày, đặc biệt là thuốc chữa bệnh yếu sinh lý ở nam giới. B.S –Th.S Vũ Quốc Trung cho hay: “Từ xa xưa người ta đã dùng Linh dương giác như một thứ dược liệu cực kì quý. Trong một số trường hợp thì “Linh dương giác” cũng có tác dụng ức chế lên hệ thần kinh trung ương. Thuốc cũng có tác dụng ức chế cảm giác cho nên hoạt chất này không gây giãn cơ nhưng có một số đặc tính gây tê. Nước sắc Linh dương giác làm hạ nhiệt độ, tăng sức đề kháng đối với việc oxy giảm . Bên cạnh đó linh dương giác lại là một loại dược liệu có độc tính thấp phù hợp cho việc chữa trị bệnh. Trong nhiều trường hợp, người ta vẫn chưa nghiên cứu hết được các công dụng của dược liệu này. Với tính hàn, ít độc và khả năng giải độc cao linh dương giác cũng có tác dụng trong bài thuốc chữa bỏng. Đặc biệt là chất sừng trong linh dương giác có tác dụng làm mát khiến cho vết bỏng mau lành”.

Theo ông Trung thì trong quy trình chữa bỏng trước khi sử dụng hỗn hợp bằng linh dương giác, người thầy thuốc đã dùng nước muối để khử trùng vết thương là hoàn toàn chính xác. Việc dùng muối có tác dụng sạch vết thương, chống nhiễm trùng trước khi bôi thuốc. Còn việc dùng thuốc bào chế được sừng dê rừng để chữa được bỏng mà không để lại sẹo thì cần phải có sự nghiên cứu thêm để có kết luận chính xác.

Tuy nhiên ông Trung cũng tiết lộ thêm, trong dân gian người ta đã sử dụng phương pháp chữa bệnh bằng linh dương giác từ hàng ngàn năm. Tuy nhiên để sử dụng được loại dược liệu này, người thầy thuốc cũng cần phải có những kinh nghiệm nhất định. “Hiện nay theo tôi được biết, chưa có một nghiên cứu hay đánh giá cụ thể nào về việc dùng linh dương giác điều trị bỏng. Tuy nhiên, dân gian đã sử dụng phương pháp này từ rất lâu. Đến nay, nhiều phương pháp chữa bệnh dân gian không phải đã được nghiên cứu tất cả một cách cụ thể, tỉ mỉ. Từ xưa, người ta cũng đã có những phương pháp chữa bỏng rất hay như chữa bằng bột ngọc trai cũng đạt hiệu quả khá cao”, ông Trung cho hay.


TheoTuấn Thanh (GĐ&XH)
Bình luận
vtcnews.vn