Bí ẩn chết chóc kinh hoàng liên quan đến lời nguyền của Tutankhamun?

Phóng sự - Khám pháThứ Ba, 25/04/2017 20:56:00 +07:00

11 người liên quan đến vụ phát hiện mộ vua đã bị chết yểu và chết không vì nguyên nhân tự nhiên.

Thành London một thời xôn xao việc nhà khảo cổ người Anh Howard Carter tìm ra mộ vua Ai Cập Tutankhamun. Rồi lời đồn về một bí ẩn: “Xác ướp trả thù” khiến 20 người từng tham gia việc khai quật mộ này nối nhau chết sau đó vì nhiều lý do lãng xẹt…

Ngôi mộ cổ của Tutankhamun khoảng 3.300 năm trước, chứa cỗ quan tài bằng vàng nặng 110 kg và nhiều đồ trang sức… được tim ra năm 1923, là phát hiện khảo cổ học lớn nhất thế kỷ 20 và là một sự kiện lớn của ngành Ai cập học.

“Hồn vua trả thù”

Nhưng các năm sau đó, hơn 20 người tham gia việc khai quật mộ vua ở Luxor chết bí ẩn, và báo giới Anh buộc tội “hồn ma” Tutankhamun trả thù và đề cập những quyền lực siêu nhiên của người cổ Ai Cập.

Trong cuốn sách “London bị ám: Án mạng, phép thuật đen và Tutankhamun trong những năm 1920”, nhà sử học Mark Beynon kể Aleister Crowley, một gă thầy đồng gọi hồn và thờ quỷ Satan, đã giết 6 người ngay tại London.

Hinh anh

 Quan tài bằng vàng của Tutankhamun. 

Nạn nhân đầu tiên là Hoàng tử Ai Cập Ali Kamel Fahmy Bey 23 tuổi, từng đến Luxor chụp ảnh mộ Tutankhamun hai lần. Ông hoàng bị người vợ Pháp Marie-Marguerite (mới cưới 6 tháng) bắn chết trước dãy phòng khách sạn Savoy tại Paris vào ngày 10-7-1923. Beynon đã phát hiện bà này là tình nhân của Crowley và có lẽ hắn đã xúi giục Marie đến việc “xử” chồng.

Hai tháng sau khi Marie được tuyên trắng án, vào ngày 23-9-1923, Aubrey Herbert là anh cùng cha khác mẹ với Lord Carnavon (người tài trợ cho cuộc đào mộ của nhóm Carter) vừa từ Luxor về đã chết vì nhiễm độc máu khi đi khám răng định kỳ. 

Carnavon cùng Carter mở nắp mộ vào ngày 16-2-1923. Crowley bị những người chống đối gọi là “Kẻ tồi tệ nhất thế giới”,6 tuần sau vụ phát hiện mộ vua trẻ, Carnarvon chết vì bị muỗi cắn trong lúc cạo râu và máu bị nhiễm độc. Năm 1925, khi mở khăn liệm Tutankhamun, người ta tìm thấy một vết thương ngay trên má của xác ướp, đúng vị trí muỗi cắn Carnavon.

Hinh anh

 Gã thầy đồng Aleister Crowley.

Ngày 15-11-1929, thư ký riêng Richard Bethell của Carter được tìm thấy chết trên giường  ngủ, có vẻ do bị ngộp thở. Ba tháng sau, vào ngày 20-2-1930, bố của Bethell là Lord Westbury ngã từ tầng 7 xuống đất chết. Có tin ông giữ những mẫu vật “bị ám” trong mộ Tutankhamun do con trai tặng. 

Ngày 24-2-1930, tức 4 ngày sau cái chết của Westbury, Edgar Steele, 57 tuổi, phụ trách mảng mẫu vật từ mộ Tutankhamun ở Bảo tàng Anh chết trong lúc giải phẫu dạ dày ở bệnh viện. Và đến ngày 23-11-1934, quản thủ Ernest Wallis Budge thuộc mảng cổ vật Bảo tàng Anh chết tại nhà, sau khi nhậu với Crowley và một quý cô tại một quán rượu.

Còn có thông tin năm 1929, 11 người liên quan đến vụ phát hiện mộ vua đã bị chết yểu và chết không vì nguyên nhân tự nhiên. Lúc đó, giới truyền thông quốc tế tha hồ bàn chuyện “hồn vua trả thù”.

Chết vì phá giấc ngủ của Pharaon

Người bảo vệ mộ các Pharaon khác thì dọa ai quấy phá nơi yên  nghỉ cuối cùng của các vị vua sẽ chuốc “hậu quả nghiêm trọng”. Hàng chục năm sau đó, cái chết của những người liên quan vụ đào mộ hoặc trưng bày các mẫu vật tìm được trong mộ đều bị cho là “chứng cứ” của “hồn vua trả thù”, dù nguyên nhân là chết tự nhiên, như Carter chết vì ung thư 16 năm sau khi mở mộ.

Còn có  truyền thuyết “Lời nguyền của Pharaon”. Lời đồn đại truyền miệng rằng tại ngôi mộ cổ của Tutankhamun có tấm bảng bằng đất sét ghi dòng chữ Ai Cập cổ: “Kẻ nào phá vỡ giấc ngủ của pharaon đều phải chết”, và một tấm bùa ghi: “Ta là người bảo vệ mộ pharaon Tutankhamun. Ta sẽ đánh đuổi những kẻ xúc phạm phần mộ”.

Hinh anh  3

 Nhà khảo cổ Howard Carter. 

Sau hơn nửa thế kỷ phát hiện ra ngôi mộ của Tutankhamun, các phương tiện truyền thông vẫn tiếp tục đưa tin về “lời nguyền của pharaon”. Vào năm 1972, những báu vật thuộc ngôi mộ được đem đến London triển lãm. 

Một phi công và một kỹ sư của chiếc máy bay chở các báu vật này từ Bảo tàng Cairo đã bị chết vì nhồi máu cơ tim. Những người khác trong phi hành đoàn bị nạn: một người bị gãy chân, nhà của một người bị cháy, người phụ nữ duy nhất trong chuyến bay này bị ốm nặng và sau đó bà bị chồng ly dị. 

Thiếu tá cảnh sát George Lebrash ở San Francisco là  người bảo vệ các báu vật của Tutankhamun triển lãm tại Mỹ năm 1978, qua năm sau bị bại liệt và sau đó kiện Tòa án San Francisco để đòi bồi thường. Ông khẳng định căn bệnh bại liệt của ông là “do lời nguyền của pharaon”.

Vua bị ám sát?

Tutankhamun là vị vua thuộc triều đại thứ 18 của các pharaon cổ Ai Cập. Ông lên ngôi vua năm 1361 trước Công nguyên khi mới 8 tuổi và mất năm 1352 trước Công nguyên. Ông được coi là một trong những vị vua anh minh khi tiến hành cải cách giáo dục và bảo tồn cũng như phát triển văn hóa Ai Cập cổ đại.

Tháng 11-2007, lần đầu tiên người ta được nhìn thấy mặt thật của vị vua này, khi tháo bỏ chiếc mặt nạ vàng trên thi thể ông. Có giả thuyết ông bị đánh mạnh vào đầu khiến vỡ sọ và chết do xuất huyết não. Cũng có giả thuyết vua băng hà vì nhiễm trùng sau khi bị bị gãy chân, có thể sau cú ngã xe ngựa. Còn vết lõm sau gáy chỉ là lỗi của các nhà khảo cổ trong lúc lấy xác ướp từ cỗ quan tài.

Nhiều nhà sử học nghiêng về thuyết vua Tutankhamun bị ám sát để đoạt ngôi. Tể tướng Ay chỉ huy quân đội lấy vợ vua và lên ngôi ngay sau khi Tutankhamun qua đời.

Video: Bí ẩn lời nguyền lâu đài cổ của ba chủ nhân tỷ phú đều chết thảm vì tai nạn máy bay

Nguồn: Bích Ngọc (Cand)
Bình luận
vtcnews.vn