Bí ẩn bài sấm về kho báu dòng họ Mạc ở Hà Tiên

Phóng sự - Khám pháThứ Sáu, 21/08/2015 06:31:00 +07:00

Tương truyền, trước khi mất, tiểu thư Mạc Mi Cô đã “vô tình” đọc một bài thơ với những câu từ rất lạ.

Tương truyền, trước khi mất, tiểu thư Mạc Mi Cô đã “vô tình” đọc một bài thơ với những câu từ rất lạ. Người đời sau luận ra rằng đó là bài sấm về kho báu dòng họ Mạc đang cất giấu.


Đồng thời, bài sấm cũng đoán trước vận mệnh dòng họ lớn nhất Hà Tiên sắp hết. Đến nay, sau mấy trăm năm, bài sấm vẫn còn là một sự bí ẩn.

Những lời tiên tri?

Đến nay, những bậc cao niên ở Hà Tiên vẫn thuộc lòng và lưu truyền bài sấm này và bảo rằng bài sấm chỉ đường đến kho báu của dòng họ Mạc mà chỉ những người trong dòng tộc mới biết.

Ông Lâm Văn Hai (Hai Cua), năm nay đã ngoài 80 tuổi, cho hay, ông cố nội của ông từng là người theo phục vụ cho Mạc Tử Khâm, cháu đời thứ 7 của Mạc Cửu nên từng kể cho con cháu nghe nhiều chuyện về họ Mạc.

"Cha tôi thì ấn tượng về Mạc Thiên Tứ, sau này, ông cũng kể rằng sau khi Mạc Cửu sức yếu, con trai Mạc Thiên Tứ (Mạc Thiên Tích) lên thay thế cha, cai quản vùng Hà Tiên. Mạc Thiên Tứ là người có tài thao lược hơn người, nên đã tạo dựng cơ đồ, đưa dòng họ lên thời điểm cực thịnh.

Khi đó, Mạc Thiên Tứ đã có đội quân riêng khá mạnh, có tàu buôn lớn không thua gì của nhà Nguyễn. Đội tàu này đủ sức tung hoành khắp biển lớn, giao thương với nhiều nước Đông Á", ông Hai Cua kể.

Ông Hai Cua đang kể chuyện về ngôi mộ Hiếu Túc Phu nhân và bài sấm bí ẩn
Ông Hai Cua đang kể chuyện về ngôi mộ Hiếu Túc Phu nhân và bài sấm bí ẩn 

Lời đồn đại và truyền tụng trong nhân gian về kho báu dòng họ Mạc ở Hà Tiên không phải là không có cơ sở, xét ở một góc độ nào đó.

Trong thời gian khai phá phương Nam ngót 80 năm, họ Mạc đã xây dựng Hà Tiên thành thủ phủ sung túc và trù phú. Tuy nhiên, khi chạy trốn nhà Nguyễn sang Xiêm (Thái Lan), dòng họ Mạc hầu như không mang theo tài sản, châu báu gì, và nhà Nguyễn cũng không tìm được tài sản họ Mạc cất giấu.

Nhiều người cho rằng, dường như họ linh cảm sẽ có chuyện chẳng lành đến nên đã lập bài sấm, tựa như bùa chú để đặt cạnh các kho báu, chôn cất trước lúc rút chạy.

Bài sấm này đã khiến người khác không tìm thấy kho báu ngay trong lúc đó. Về nguồn gốc bài sấm, ông Hai Cua cho biết, ông cũng có nghe là do bà Cô Năm đọc trước khi chết, nhưng không biết có đúng không. Bài sấm đó có 2 đoạn, nội dung: Bờ tre xanh xanh/ Hái lá nấu canh/ Canh ăn hết canh/ Vị cay thanh thanh.

Ao sen được nhắc đến trong bài sấm bí ẩn hiện nay vẫn còn
Ao sen được nhắc đến trong bài sấm bí ẩn hiện nay vẫn còn 

Theo lý giải của nữ sĩ Mộng Tuyết về bài sấm truyền trên thì vận số họ Mạc tuy chỉ huy hoàng trong 72 năm, không là vương là bá nhưng thực tế không thua gì một vương quốc độc lập. Nhưng dòng họ Mạc sẽ bắt đầu đi xuống.

Câu: “Bờ tre xanh xanh/Hái lá nấu canh/Canh ăn hết canh/Vị cay thanh thanh”. Ứng vào điềm bờ tre bọc quanh núi Bình San bị phá hủy. “Hết canh” tức hết năm Canh Tuất (1910). Vị cay tức là tân, nghĩa là tiết Thanh minh năm Tân Hợi (1911) khu lăng mộ họ Mạc sẽ bị phá hủy.

Câu: “Trời tây ngả bóng chênh chênh/Soi vào hang đá long lanh ngọc vàng” hàm ý: Mất rất nhiều thời gian mới mở được mộ, và khi mở được thì mặt trời đã về chiều, và cũng nói lên rằng người Tây khai quật mộ. Câu soi vào hang đá long lanh ngọc vàng, từ hang đá ám chỉ khu lăng mộ, là khu mộ táng bằng thạch (đá) trong đó có hang, nơi đặt kho báu? Các từ ở hai câu sau như: nguy nga, lầu các, sen nở đều gợi lên một khối châu báu khổng lồ.

Dấu tích khu vực mộ bà Hiếu Túc Phu nhân bị đào bới năm 1911
Dấu tích khu vực mộ bà Hiếu Túc Phu nhân bị đào bới năm 1911 

Những cuộc khai quật


"Thực ra, đoạn thơ sấm truyền là một đoạn trong tác phẩm văn học “Nàng Ái Cơ trong chậu úp” của nữ sĩ Mộng Tuyết (1914-2007), vợ thi sĩ Đông Hồ, một trong “Hà Tiên tứ tuyệt” (gồm Đông Hồ, Mộng Tuyết, Lư Khê, Trúc Hà), sáng tác năm 1961. Không ai biết tác giả lấy bài sấm này từ đâu, nhưng hoàn toàn không đủ cơ sở để khẳng định đây là bài sấm liên quan đến kho báu như người đời vẫn suy đoán”, ông Trương Minh Đạt, Phó ban quản lý Di tích lịch sử núi Bình San.
Bước sang những năm đầu tiên của thế kỷ XX, triều đình nhà Nguyễn suy vong, thực dân Pháp sang đô hộ Việt Nam. Lúc này, cai quản Hà Tiên là viên quan Pháp tên Roux Serret. Ngay sau khi đến Hà Tiên, việc đầu tiên mà viên tướng Roux Serret làm là khảo sát kho báu dòng họ Mạc đã cất giấu ở đâu.


Tết Thanh minh năm Tân Hợi (1911), lấy lý do mở mang thị trấn Hà Tiên, viên chủ tỉnh người Pháp đã cho đoàn tù khổ sai phá đất đá ở núi Bình San và lẽ dĩ nhiên là hơn 40 ngôi mộ của dòng họ Mạc cũng thuộc diện bị khai quật.

Việc khai quật được tiến hành đầu tiên với ngôi mộ của bà Hiếu Túc, phu nhân của Mạc Thiên Tích. Bởi hắn nghĩ, một người đàn bà có quyền thế như vậy mà mất đi trong lúc sự nghiệp thịnh thời thì khi nằm xuống, chắc chắn sẽ được chôn theo rất nhiều vàng bạc, châu báu.

Ngôi mộ rất lớn, đoàn tù khổ sai đục đến chiều tối ngày thứ 10 mới phá được phần bệ thờ trước mộ. Đây là một trong những cuộc đào bới khủng khiếp nhất thời bấy giờ.

Do rất ít người được chứng kiến cuộc đào bới này nên không ai xác định được tên quan Pháp đó thực sự lấy được những gì dưới mộ bà Hiếu Túc Phu nhân. Có người bảo viên tướng Pháp cùng đội quân binh của y đã thu được rất nhiều châu báu với cả trăm chiếc mâm vàng, hàng trăm con rồng đúc bằng vàng và nhiều vật dụng quý khác.

Mộ hiện nay của bà Hiếu Túc nằm trong quần thể khu mộ dòng họ Mạc
Mộ hiện nay của bà Hiếu Túc nằm trong quần thể khu mộ dòng họ Mạc 

Buổi khai quật này có ông Mạc Tử Khâm, cháu 7 đời của Mạc Cửu. Sau buổi khai quật này, ông Mạc Tử Khâm được viên chủ tỉnh Hà Tiên chia cho một cái trâm vàng có gắn ngọc quý. Về sau, ông Khâm bán chiếc trâm này cho một người Pháp tên là Chapuis đang cai quản ngọn hải đăng ở núi Pháo Đài. Cũng từ khi mua chiếc trâm vàng, gia đình Chapuis gặp nhiều chuyện không may...

Nhưng bên cạnh đó, cũng có nhiều người nói rằng, sau cả chục ngày đào bới, số vàng bạc châu báu mà viên quan Pháp thu được chỉ là vài cái trâm cài, vòng đeo cổ, khuyên tai bình thường của nhà Phật... Thế là hắn tức tốc đem trả lại cho con cháu họ Mạc, ra lệnh di chuyển mộ bà Hiếu Túc Thái Phu nhân về khuôn viên khu mộ dòng Mạc (nay nhìn từ trên xuống cách mộ Mạc Cửu khoảng 20 m, nằm bên phải).

Một câu chuyện đầy màu sắc tâm linh còn lưu truyền đến ngày nay là viên quan Pháp khi đó có ý định sẽ đào hết toàn bộ hơn 40 ngôi mộ của dòng họ Mạc để tìm của cải. Nhưng ngay sau khi đào xong mộ bà Hiếu Túc, viên quan này đã bị con ngựa đang cưỡi bất ngờ hý vang, hất hắn ngã chỏng vó khi đang đi gần khi mộ họ Mạc.

Cú ngã khiến hắn phải nằm liệt nhiều ngày mà không hết hẳn. Sau đó, hắn đích thân mang lễ vật đến cúng tế tại mộ bà Hiếu Túc Phu nhân và mộ bà Cô Năm, hứa sẽ không động chạm đến phần mộ của họ nữa.

Ông Hai Cua bảo, thời chưa giải phóng, từng có những đoàn người lạ từ bên kia biên giới sang hoặc từ biển Tây Nam dong thuyền vào, dùng công cụ chuyên dụng như xẻng, bản đồ vẽ tay với mục đích đào khu mộ của họ Mạc. Dù dòng họ đã cắt cử người canh chừng ngày đêm nhưng khu lăng mộ vẫn mất một số chi tiết hoa văn cổ quý giá. Trong một thời gian dài, lục lâm thảo khấu tứ xứ kéo đến để tìm kho báu.


Nguồn: Khương Hồng Thủy (Nông nghiệp VN)
Bình luận
vtcnews.vn