Bêu tên EVN, Vinachem vì 'chây ỳ' công bố báo cáo tài chính

Kinh tếThứ Ba, 04/10/2016 18:09:00 +07:00

31 tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước phải thực hiện công bố thông tin nhưng đa số không thực hiện đầy đủ, đúng hạn.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có báo cáo việc thực hiện Nghị định 81, trong đó quy định doanh nghiệp Nhà nước phải công khai thông tin về tình hình doanh nghiệp, có hiệu lực từ tháng 11/2015.

Cụ thể, 31 tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước phải thực hiện công bố thông tin, hầu hết các doanh nghiệp không thực hiện đầy đủ, đúng hạn.

Trong số 6 tập đoàn kinh tế, có tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) chưa thực hiện công bố báo cáo tài chính 2015 theo đúng thời gian quy định. Ba tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG), Than khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) có báo cáo nhưng chưa đầy đủ. Chỉ có tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) công bố báo cáo tài chính công ty mẹ và hợp nhất.

Một số tổng công ty lớn như Đường sắt Việt Nam, Vinafood 1, Công nghiệp tàu thuỷ, Sông Đà, Đầu tư phát triển nhà và đô thị, Mobifone cũng chưa thực hiện công bố báo cáo tài chính năm 2015. Chỉ có hai đơn vị là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam thực hiện đầy đủ.

Beu ten EVN, Vinachem vi 'chay y' cong bo bao cao tai chinh hinh anh 1

EVN và Vinachem chưa thực hiện công bố báo cáo tài chính 2015 theo đúng thời gian quy định. Ảnh: Mạnh Thắng - Lê Hiếu.

Theo Nghị định 81, cả nước có 432 doanh nghiệp Nhà nước có nghĩa vụ công bố thông tin, song hiện chỉ có 140 doanh nghiệp thực hiện. Thời hạn công bố báo cáo tài chính là 31/5/2016 nhưng chỉ có 64 doanh nghiệp làm đúng yêu cầu. Tương tự, việc công khai báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh, báo cáo quản trị, lương thưởng doanh nghiệp tỷ lệ hoàn thành thấp…

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc minh bạch hoá và công bố công khai thông tin này tạo cơ sở để Nhà nước giám sát việc sử dụng các nguồn lực của mình tại các doanh nghiệp; đồng thời tránh gian lận, sử dụng không hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí. Hoạt động này cũng nhằm cải thiện trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc minh bạch hoá các hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư.

Lý giải việc hoàn thành công khai “sức khoẻ” doanh nghiệp Nhà nước còn thấp, Bộ này cho rằng do nội dung mới, các đối tượng phải công bố thông tin còn lúng túng, dẫn đến chưa thực hiện nghiêm túc.

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương từng gọi đây là việc doanh nghiệp nhà nước không tuân theo kỷ luật thị trường, có nghĩa là vi phạm thì phải chịu phạt.

“Đó là trách nhiệm giải trình của khu vực doanh nghiệp Nhà nước. Tài sản trong khu vực công, trong doanh nghiệp Nhà nước rất lớn. Việc công khai, minh bạch và đòi hỏi trách nhiệm giải trình với khối tài sản này sẽ tạo điều kiện để khối tài sản được sử dụng hiệu quả, tạo ra sự thịnh việc cho nền kinh tế”, ông Cung nhấn mạnh.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn