Bệnh nhân chen nhau dưới gầm giường: Lãnh đạo Bệnh viện Ung bướu TP.HCM nói 'bó tay'

Sức khỏeThứ Tư, 07/06/2017 10:45:00 +07:00

Trước tình trạng bệnh nhân chen nhau dưới gầm giường, bác sĩ phải ngồi xuống tiêm, lãnh đạo Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cho rằng, nhiều giải pháp đã được thực hiện, nhưng vẫn phải “bó tay”...

Ở bài báo trước, VTC News đã phản ảnh tình trạng quá tải diễn ra phổ biến tại gần như tất cả các bệnh viện tuyến cuối, đặc biệt là Bệnh viện Ung bướu TP.HCM.

Tình trạng quá tải ở bệnh viện này đến mức bệnh nhân phải nằm chen nhau dưới gầm giường; bác sỹ, y tá phải ngồi xuống tiêm cho bệnh nhân.

Đây không chỉ là gánh nặng của ngành y tế mà còn là nỗi ám ảnh của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.

Video: Bệnh nhân chen nhau dưới gầm giường, bác sĩ phải ngồi xuống tiêm (Thy Huệ)

Dường như, tình trạng quá tải ở Bệnh viện Ung bướu TP.HCM vẫn mãi là một bài toán không có lời giải và ví như một căn bệnh nan y không có thuốc đặc trị.

Do đâu quá tải?

Khi được hỏi về nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng quá tải trầm trọng đang diễn ra tại bệnh viện, bác sĩ Đặng Huy Quốc Thịnh – PGĐ Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cho biết: “Không thể phủ nhận, mỗi khi nhắc tới Bệnh viện Ung bướu TP.HCM là người ta nghĩ ngay tới bệnh viện quá tải. Tuy nhiên, chúng ta phải hiểu tại sao mang danh là quá tải nhưng lượng bệnh nhân vẫn đổ về đây cực nhiều.

Đó là vì bệnh nhân chưa thực sự tin tưởng, vẫn hoang mang với chất lượng của bệnh viện tuyến dưới, vì vậy họ sẽ đổ xô về đây”.

18928378_1918256641721166_1787913583_n

Bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM vào sáng 5/6. (Ảnh: Thy Huệ)

Vậy, vì sao bệnh nhân không tin tưởng điều trị ở tuyến dưới, nhất là tuyến huyện? Câu trả lời gần như ai cũng biết, chung quy nằm ở chất lượng chuyên môn của bệnh viện tuyến dưới chưa được người dân tin tưởng.

Qua thống kê tìm hiểu, không ít người đã đau đớn mất người thân vì tuyến dưới giữ bệnh nhân không cho chuyển tuyến trên, nếu cho chuyển đi thì cũng đã “thập tử nhất sinh”. Bởi vậy, người dân đã chấp nhận vượt tuyến dù bệnh tình chưa “đến độ”.

Hiện nay, theo khảo sát của ngành y tế TP, công suất sử dụng giường bệnh ở các bệnh viện tuyến quận huyện tối đa chỉ đạt 60%. Việc đầu tư trang thiết bị cho tuyến quận huyện hiện nay còn thấp, nhiều khi không phục vụ được yêu cầu khám chữa bệnh.

Xét ở góc độ bệnh viện tuyến trên, khi bệnh nhân đến khám không thể từ chối và “mời” về tuyến dưới điều trị. Bởi, diễn biến bệnh tật vốn khó tiên lượng, nếu chẳng may đến và bị bệnh viện từ chối, yêu cầu về đúng tuyến, nếu lúc đó có chuyện gì, trách nhiệm lại do bệnh viện vô cớ “đuổi” về?

-1628583 4

Bác sỹ tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM phải ngồi xuống tiêm cho bệnh nhân nằm dưới gầm giường. (Ảnh: Thy Huệ).

Ngoài nguyên nhân bệnh nhân chưa thực sự tin tưởng vào chất lượng bệnh viện tuyến dưới, nhiều thông tin còn cho rằng, do tỷ lệ bệnh nhân ung thư ở Việt Nam đang dẫn đầu trên thế giới, nên việc quá tải là hiển nhiên.

 Nói về vấn về này, bác sĩ Thịnh cho biết: “Không thể phủ nhận điều đó là sai, tuy nhiên không hẳn là đúng hoàn toàn. Nhiều người cứ quy chụp do lượng bệnh nhân ung thư tăng, rồi Việt Nam là nước có tỷ lệ bệnh nhân ung thư cao thất thế giới nên dẫn đến tình trạng quá tải ở bệnh viện.

Nói vậy là không đúng, vì trên thực tế, tỷ lệ mắc ung thư cao nhất đang rơi vào những nước đang phát triển như Mỹ, Pháp…, còn Việt Nam chỉ ở mức trung bình. Việc lượng bệnh nhân ung thư tăng, là tăng theo phần trăm dân số. 40 năm trước, dân số nước ta khoảng 40 triệu dân, đến hiện tại đã 90 triệu dân, vì vậy số bệnh nhân tăng gấp đôi theo tỷ lệ dân số là điều dễ hiểu”.

Bao giờ hết cảnh nằm ghép?

Trao đổi về vấn đề này, bác sĩ Thịnh cho biết, giường trong bệnh viện chủ yếu phục vụ cho bệnh nhân nội trú là những người bệnh nặng, tuy nhiên rất nhiều bệnh nhân bệnh nhẹ vẫn đăng ký nội trú. Điều đó dẫn đến tình trạng quá tải, 2 -3 bệnh nhân phải nằm chung một giường và nằm dưới gầm giường.

Ngoài ra, nhiều bệnh nhân ngoại trú khi đi khám, vì nhà xa khó khăn cho việc đi lại để tái khám, nên họ không về nhà mà ngủ ở hành lang, cầu thang bệnh viện, dẫn đến việc nhếch nhác dễ thấy.

-1628580 4

Bệnh nhân nằm la liệt ngoài hành lang. (Ảnh: Thy Huệ)

Trước tình hình bệnh nhân đến khám chữa tại bệnh viện ngày càng nhiều, bệnh viện cùng với các ban ngành liên quan đã có nhiều biện pháp để làm sao giảm tải tối đa cho bệnh nhân đến khám và điều trị tại bệnh viện.

Về vấn đề giảm tải bệnh viện, bác sĩ Thịnh khẳng định: “Bệnh viện đã tăng số giường và bàn khám bệnh lên rất nhiều để làm cho việc khám bệnh nhanh hơn, người bệnh tránh phải chờ đợi và chuyển qua ngày hôm sau.

Cùng với đó, bệnh viện còn thực hiện việc chuyển những bệnh nhân nhẹ ra ngoại trú để dành giường cho những bệnh nhân thực sự cần, bệnh nhân nặng”.

Theo bác sĩ Thịnh, bệnh viện đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm giảm tải như mở khoa vệ tinh với quy mô 150 giường đặt tại Bệnh viện quận 2 từ năm 2014; tăng điều trị ngoại trú nhằm giảm số nội trú; khám thông tầm từ 5h đến 19h; khám và điều trị ngoài giờ cũng như trong ngày nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật; phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, siêu âm, X - quang, CT scan...

Cùng với đó, bệnh viện tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính, lấy số thứ tự bằng máy tự động, từng bước đã cải thiện được tình hình mất trật tự, đặc biệt đã hạn chế tình trạng “cò” bệnh viện.

Bên cạnh đó, bệnh viện tiếp tục đào tạo đội ngũ y bác sĩ dưới nhiều hình thức. Đầu tư các trang thiết bị cần thiết bằng nguồn vốn vay kích cầu, triển khai các kỹ thuật điều trị mới, các loại hình khám và điều trị mới như chăm sóc giảm nhẹ, khám chữa bệnh tại nhà.

18928497_1918256671721163_2102544104_n 3

Giảm tải ở Bệnh viện Ung bướu TP.HCM vẫn là bài toán không có lời giải. (Ảnh: Thy Huệ)

Đặc biệt, bệnh viện chú trọng công tác chỉ đạo tuyến, nâng cao năng lực tuyến dưới qua các hoạt động như hỗ trợ đào tạo chất lượng bệnh viện tuyến dưới, thực hiện đề án bệnh viện vệ tinh,…

Tuy vậy, theo đánh giá chung, việc chống quá tải bằng những giải pháp trên chưa đạt kết quả như mong đợi.

“Rất nhiều giải pháp đã được thực hiện nhưng nói thẳng ra là vẫn phải “bó tay”. Vì thế, giải pháp giảm tải hứa hẹn nhất hiện nay, đó là hiện tại cơ sở 2 bệnh viện đang được xây dựng tại quận 9, với quy mô 1.000 giường bệnh nội trú. Nếu không có gì thay đổi thì công trình sẽ được khánh thành vào giữa năm 2018. Chúng tôi tin chắc tình trạng quá tải sẽ được giảm đi rõ rệt sau khi cơ sở 2 đi vào hoạt động”, bác sĩ Thịnh khẳng định.

Có thể thấy, rất nhiều giải pháp đã được thực hiện nhằm phục vụ tối đa nhu cầu của bệnh nhân và giảm tải ở Bệnh viện Ung bướu TP.HCM. Thế nhưng, trên thực tế vấn đề giảm tải ở Bệnh viện Ung bướu vẫn đang là bài toán cấp thiết khó có lời giải đối với ngành y tế.

Thy Huệ
Bình luận
vtcnews.vn