Bệnh viện ung bướu được 'nhồi' vào khu Ngoại giao đoàn thế nào?

Kinh tếThứ Ba, 14/05/2019 07:31:00 +07:00

Nhiều cư dân đang sinh sống tại khu đô thị Ngoại giao đoàn bức xúc khi việc điều chỉnh quy hoạch không được thông qua ý kiến của cư dân.

Cư dân đang sinh sống tại khu đô thị Ngoại giao đoàn do Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp) làm chủ đầu tư cho biết, theo Quyết định số 368/QĐ-UBND được phê duyệt ngày 22/1/2010, trong khu đô thị không hề có bệnh viện u bướu và mật độ xây dựng khá thấp.

Nhưng sau đó đến năm 2017, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 2905/QĐ-QHKT về việc Phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết Khu Đoàn Ngoại giao tại Hà Nội – Tại các ô đất ký hiệu CC2, CC3-4, CC5, ĐMKT1.

Cụ thể tại các lô đất CC2 bị điều chỉnh tăng mật độ xây dựng từ 20.5% lên 40%. Lô CC3-4 tăng mật độ xây dựng từ 20.5% lên 35%, số tầng từ 5 tầng lên 1 tầng + 3 tầng hầm. Lô CC5 tăng từ 7 tầng lên 27 tầng + 3 tầng hầm, mật độ xây dựng tăng từ 30 lên 41%, dân số tăng thêm 1505 người. Lô ĐMKT1 chuyển từ đất đầu mối kỹ thuật (xây dựng trạm biến thế) sang đất xây bệnh viện ung bướu 12 tầng + 2 tầng hầm, mật độ xây dựng 40%.

21397463_10210336277023894_481099943_n

 Sơ đồ quy hoạch ban đầu của khu Ngoại giao đoàn.

Theo tính toán của người dân, việc điều chỉnh này khiến mật độ dân số của khu Ngoại giao đoàn tăng từ 9.700 người lên 20.000 người.

Nghiêm trọng hơn, trong quy hoạch điều chỉnh, tại khu đất số ĐMKT1 sẽ xây dựng Bênh viện Ung bướu quốc tế Việt Nam - Nhật Bản với quy mô 100 giường nội trú và quy mô khám, điều trị cho bệnh nhân ngoại trú tương đương 250 giường.

Điều lạ là đến tháng 5/2017 mới có Quyết định điều chỉnh quy hoạch, nhưng ngày 02/3/2017 bệnh viện này đã tổ chức lễ động thổ long trọng.

"Chúng tôi đặt câu hỏi về tính minh bạch của việc xây dựng bệnh viện trước khi quy hoạch điều chỉnh được phê duyệt. Việc xây dựng bệnh viện ung bướu (nếu được triển khai) ngay trong lòng một khu đô thị hàng chục nghìn dân, giữa các Đại sứ quán các nước, ngay sát khu xử lý nước thải cho toàn bộ Dự án Ngoại giao đoàn tiềm ẩn các nguy cơ mất an toàn, vệ sinh cho chính bệnh viện cũng như nguồn nước sau xử lý của toàn khu, gây ra nguy cơ lây nhiễm chéo giữa bệnh viện, nguồn nước ngầm của toàn thành phố, hệ thống hồ điều hòa của Dự án Ngoại giao đoàn", đại diện cư dân bức xúc nói.

Cũng theo người dân, việc điều chỉnh quy hoạch khu đô thị này không hề thông qua ý kiến cư dân khu đô thị, mà chỉ lấy ý kiến của cư dân ngoài khu đô thị. Việc lấy ý kiến này là trái quy định của pháp luật.

Liên quan đến việc "nhồi" bệnh viên Ung bướu vào khu đô thị Ngoại giao đoàn, theo ông Nguyễn Đỗ Quý - Phó Tổng giám đốc Hancorp, khu đất ĐMKT1 theo quy hoạch là trạm biến áp nhưng được điều chỉnh thành bệnh viện Ung bướu và giao cho Công ty Cổ phần phát triển công nghệ y học Việt Nam - Nhật Bản.

UBND thành phố Hà Nội cũng đã có quyết định thu hồi khu đất này. Như vậy, hiện nay lô đất này không phải do Hancorp quản lý và là chủ đầu tư thực hiện dự án.

Còn đối với các lô đất CC2, CC3-4, CC5 việc điều chỉnh này đã có quyết định của UBND thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, mới đây cư dân có đề xuất điều chỉnh lại một số lô đất theo Quyết định 2905/QĐ - QHKT là nhà cao tầng thành nhà thấp tầng để giảm mật độ dân số, cụ thể lô đất NG01, NG02 là 2 tòa chung cư 17 tầng, lô đất CC5 (HH1) là chung cư 27 tầng thành shophouse 5 tầng.

Các lô chưa xây dựng như CC2, CC3-4 hoặc đang triển khai như ĐMKT1 đề nghị quy hoạch, xây dựng đảm bảo không tăng mật độ dân số, không gây ô nhiễm không khí, nguồn nước ngầm.

Ông Quý cho biết, với các đề xuất này của Hancorp về chủ trương là đồng ý, nhưng hiện đang xin ý kiến của Thành ủy và đang chờ ý kiến chỉ đạo.

Đại diện cư dân cũng cho rằng, việc điều chỉnh lại đề nghị đại diện cư dân trong khu đô thị Ngoại giao đoàn phải được tham gia ý kiến và nhất trí với việc điều chỉnh lại của cơ quan nhà nước, làm cơ sở để cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét phê duyệt.

Ngọc Vy
Bình luận
vtcnews.vn