Sau khi uống rượu, bia, bao lâu cơ thể mới hết nồng độ cồn?

Bệnh và thuốcThứ Sáu, 03/01/2020 08:35:00 +07:00
(VTC News) -

Việc định lượng bao lâu để nồng độ cồn chuyển hóa hết phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nồng độ rượu, số lượng tiêu thụ, tuổi tác và thể trạng người uống.

Theo các chuyên gia, cũng giống như thực phẩm khác, rượu sau khi vào cơ thể sẽ được hấp thụ qua hệ tiêu hóa. Tại dạ dày, rượu sẽ thấm qua niêm mạc vào máu, rồi sau đó được vận chuyển đi các cơ quan trong cơ thể. Tuy nhiên, khác với các thực phẩm khác, do không phải là chất dinh dưỡng nên khi vào cơ thể, rượu không được lưu trữ như thức ăn mà được ưu tiên chuyển hóa trước.

Trong cơ thể, chỉ mất vài phút, do tác động của dopamine trong rượu, não của con người sẽ bị ảnh hưởng, gây ra cảm giác hưng phấn, kích thích. Cảm giác này sẽ tăng dần khiến người uống không kiểm soát được hành vi của mình nếu lượng rượu dung nạp quá nhiều.

Theo BS Trần Văn Phúc – Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội, để xác định được chính xác nồng độ cồn trong máu, cần phải xét nghiệm rồi định lượng Ethanol để ước lượng một cách tương đối nồng độ cồn trong máu một người là bao nhiêu để từ đó tự điều chỉnh đượng lượng uống.

Khi rượu ngấm vào máu, gan và các cơ quan khác, quá trình chuyển hóa sẽ bắt đầu. Tuy nhiên, để định lượng mất bao lâu để nồng độ cồn trong rượu được chuyển hóa hết thì còn phải phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.

Sau khi uống rượu, bia, bao lâu cơ thể mới hết nồng độ cồn? - 1

Càng uống nhiều rượu thì cơ thể càng mất nhiều thời gian để chuyển hóa, đào thải ra khỏi cơ thể.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, một người uống rượu qua xét nghiệm để kết quả âm tính với nồng độ cồn sẽ phải chú ý đến những yếu tố như: nồng độ rượu, lượng rượu một người tiêu thụ (hấp thụ nhanh nhất là rượu 20 độ, uống càng nhiều thì cồn trong máu càng cao); thời điểm uống rượu (khi đói rượu sẽ hấp thụ nhanh hơn); người uống rượu trong thời gian dài rượu sẽ tồn tại lâu hơn…

Một số vấn đề khác như: tuổi tác, cân nặng, người đang sử dụng thuốc, người mắc bệnh (gan, thận…) cũng làm ảnh hưởng tới thời gian chuyển hóa rượu. Người thể trạng yếu, mắc kèm các bệnh lý thì rượu lâu được đào thải hơn những người khác.

“Thời gian để cơ thể chuyển hóa hết nồng độ cồn trong máu ở mỗi người là khác nhau. Có những người uống từ tối hôm trước nhưng sáng hôm sau hơi thở và nồng độ vẫn còn. Không ai khẳng định chắc chắn mất bao lâu thì rượu sẽ được chuyển hóa hết để cho ra kết quả âm tính với xét ngiệm. Do vậy, người dân cần chú ý, bởi dù uống ít hay nhiều cũng đều ảnh hưởng tới sức khỏe”, bác sĩ Nguyên nói.

Còn theo số liệu từ Trung tâm điều trị nghiện - American Addiction Centers (Mỹ), lượng cồn ở bia rượu có thể tồn tại 6 giờ trong máu, khoảng 12-24 giờ trong hơi thở, nước tiểu và nước bọt, và lên đến 90 ngày trên tóc.

Gia tăng bệnh nhân ngộ độc rượu

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, rượu, hay cơ bản là ethanol đều là chất độc, gây hại cho não bộ và hệ thần kinh trung ương. Vì vậy, người uống bất kể là ai cũng đều có thể bị ngộ độc.

Dịp Tết Dương lịch 2020 vừa qua, tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai số bệnh nhân ngộ độc rượu nhập viện tăng mạnh, đặc biệt là nhóm người trẻ, thanh niên, thậm chí có cả trẻ em dưới 18 tuổi. Cao điểm có những ngày Trung tâm tiếp nhận tới 2 ca liên tiếp ngộ độc rượu khi tuổi đời bệnh nhân còn khá trẻ.

Các bệnh nhân được đưa tới viện đều có biểu hiện chung là ngộ độc rượu ethanol thông thường như: tụt huyết áp, hôn mê, hạ đường huyết, trường hợp nặng bị tổn thương não nặng và suy hô hấp kéo dài.

Sau khi uống rượu, bia, bao lâu cơ thể mới hết nồng độ cồn? - 2

Dịp Tết Dương lịch 2020 vừa qua tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, số lượng bệnh nhân nhập viện do ngộ độc rượu tăng đáng kể.

“Thực chất say rượu cũng giống như ngộ độc rượu, do vậy, người dân cần cảnh giác và chú ý. Đặc biệt là đã uống rượu bia thì dù ít hay nhiều cũng không lái xe.

Ngoài ra, khi sử dụng rượu, mọi người cũng cần bổ sung ăn uống đầy đủ các loại thức ăn dinh dưỡng nếu không sẽ bị hạ đường huyết. Người dân cũng nên uống thật nhiều nước, đặc biệt là thức uống có chất điện giải như hoa quả, rau xanh, oresol để tránh bị ngộ độc”, bác sĩ Nguyên nói.

Vị chuyên gia trên cảnh báo thêm, khi bị ngộ độc, uống thuốc giải rượu sẽ không có tác dụng. Cách tốt nhất là nhanh chóng đưa nạn nhân tới cơ sở y tế nơi gần nhất để được thăm khám, chữa trị. Trường hợp bệnh nhân có biểu hiện: da lạnh, vã mồ hôi, thở khò khè, co giật… phải được cấp cứu ngay tại chỗ để đảm bảo tính mạng.

“Lúc này cần để người bệnh nằm nghiêng sang một bên để nếu bị nôn sẽ không bị tràn vào phổi. Bên cạnh đó phải giữ ấm cho cơ thể của họ để tránh bị suy hô hấp rồi đưa họ tới bệnh viện càng sớm càng tốt”, bác sĩ nguyên cảnh báo.

 

Khả Minh
Bình luận
vtcnews.vn