Dấu hiệu và cách xử trí đột quỵ do nắng nóng

Bệnh và thuốcChủ Nhật, 10/05/2020 10:31:00 +07:00
(VTC News) -

Theo các chuyên gia y tế, thời tiết nắng nóng rất nguy hiểm cho sức khoẻ, đặc biệt là bệnh lý đột quỵ do nhiệt độ cao, có thể gây thiệt mạng.

Nắng nóng ảnh hưởng sức khoẻ

BS CKII. Nguyễn Viết Hậu - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, nắng nóng, nhiệt độ tăng cao là thời điểm có rất nhiều bệnh liên quan.

Cơ thể con người thích nghi với nhiệt độ khoảng 25 độ C. Trong khoảng từ 20 độ C đến 30 độ C, cơ thể điều chỉnh thích nghi tốt là nhờ có hệ thống điều hòa thân nhiệt.

Tuy nhiên khi ở mức nhiệt quá lạnh hoặc quá nóng thì cơ thể không thể điều hoà kịp. Từ đó gây ra các bệnh lý. Trời nắng nóng, bệnh hay gặp nhất là hiện tượng phù da do nắng, cảm nắng. Người già, người mắc bệnh mãn tính và trẻ nhỏ dễ mắc bệnh hơn do khả năng điều chỉnh với sự thay đổi nhiệt độ cũng kém đi.  

Khi thời tiết nắng nóng làm cơ thể ra nhiều mồ hôi, gây mất nước, điện giải, đặc biệt là ở trẻ em dễ dẫn đến mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa. 

Dấu hiệu và cách xử trí đột quỵ do nắng nóng - 1

Nắng nóng ảnh hưởng tới sức khoẻ.

 

Coi chứng đột quy do nắng nóng 

Trong các bệnh lý do nắng nóng, bác sĩ Hậu cảnh báo đột quỵ do nhiệt là nguy hiểm nhất. Bệnh xảy ra khi cơ thể quá nóng, thường là hậu quả do ở lâu hay tập thể lực căng thẳng ở nơi nhiệt độ cao. Nguyên nhân là bị mất muối và nước kéo dài đi kèm với hoạt động quá tải của trung tâm điều hòa thân nhiệt. Đây là hình thái nặng nhất của các tai biến do nhiệt, xảy ra khi thân nhiệt lên tới 40 độ C hay cao hơn.   

Đột quỵ do nhiệt có tỷ lệ tử vong tương đương với đột quỵ do tim hay đột quỵ do não. Tăng thân nhiệt kéo dài sẽ gây tổn thương cho hệ tim mạch, hô hấp, gan, thận và đặc biệt là hệ thần kinh với các triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, buồn ói, lơ mơ, rối loạn tri giác, co giật và thậm chí hôn mê.  

Bất cứ ai luyện tập hoặc làm việc trong thời tiết nóng đều có thể bị sốc nhiệt do gắng sức, nhưng thường gặp nhất là ở những người không thường xuyên tiếp xúc với nhiệt độ cao. 

Cách sơ cứu

Bác sĩ Hậu cho biết khi thấy có triệu chứng của đột quỵ do nhiệt thì phải sơ cứu tạm thời bằng cách  cho người bị nạn nằm đầu thấp, di chuyển ra khỏi vùng có nhiệt độ cao. Người xung quanh nạn nhân cần nhanh chóng làm giảm nhiệt cho nạn nhân như dùng quạt hay ngâm người bị nạn trong nước mát vài phút.  Dùng khăn sũng nước lạnh hay nước đá đắp vào các vùng trên cơ thể có nhiều mạch máu như trán, lưng, nách, bẹn... 

Đồng thời gọi điện thoại cho bộ phận cấp cứu để chuyển người bệnh đến bệnh viện ngay.  

Để phòng bệnh, những người làm việc ngoài trời cần mặc quần áo dài tay, thoáng mát, đội nón rộng vành. Thi thoảng người ở môi trường nắng cần vào khu vực râm mát, thoáng khi nghỉ ngơi khoảng 15 phút rồi làm việc tiếp.

Bên cạnh đó, mọi người cần uống nước thường xuyên và không nên đợi đến lúc khát. Ngoài ra, mọi người cần thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường dinh dưỡng, vitamiene.

Quỳnh Trâm
Bình luận
vtcnews.vn