Bệnh sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, có thể gây suy tạng, tử vong

Sức khỏeThứ Sáu, 11/09/2015 10:28:00 +07:00

Bệnh sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp, người mắc có thể bị sốc, rối loạn đông máu, suy tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử

(VTC News) - Bệnh sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp, người mắc có thể bị sốc, rối loạn đông máu, suy tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong.

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, hiện nay tình hình bệnh sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp.

Đến nay, trên địa bàn thành phố ghi nhận 1.537 trường hợp mắc, tăng 3,5 lần so với cùng kỳ.  Bệnh nhân phân bố trên diện rộng tại 29/30 quận, huyện, thị xã (trừ Phúc Thọ) và ở 237/584 (chiếm 40%) xã, phường, thị trấn.

Bệnh sốt xuất huyết đang hoành hành.
Có nhiều tuýp vi rút cùng gây bệnh và xác định được là D1 và D2. Các quận, huyện gồm Thanh Trì, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Hà Đông, Đống Đa, Ba Đình, Thanh Xuân, Hoài Đức có số mắc cao trên địa bàn. Bệnh nhân rải rác từ tháng 1 đến tháng 8, nhưng tăng dần vào các tháng gần đây.


Dự báo 4 tháng cuối năm tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trên toàn thành phố sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp do thời tiết năm nay diễn biến thất thường, nóng bức, mưa nhiều, thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển, đồng thời năm 2015 là năm chu kỳ của dịch bệnh…

Để đối phó với dịch bệnh, Sở Y tế yêu cầu tăng tần suất giám sát phát hiện ca bệnh nghi sốt xuất huyết tại các cơ sở y tế, phòng khám đa khoa, trạm y tế đã được phân cấp, đảm bảo tần suất 4-5 lần/tuần.

TS Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết: Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội sẽ triển khai công tác vệ sinh môi trường phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết tại 50 xã, phường trọng điểm trong tháng 9 và 52 xã, phường vào tháng 10. Từ nay đến cuối năm, Hà Nội sẽ tổ chức 140 chiến dịch vệ sinh môi trường và 100 chiến dịch phun hoá chất phòng dịch.

Bác sỹ, thầy thuốc ưu tú Trần Thị Kim Oanh, Giám đốc Trung tâm y tế quận Thanh Xuân, Hà Nội chi biết: Thông thường, sốt xuất huyết thường xảy ra nhiều vào tháng 7, tháng 8 đến tháng 11.

Về mối nguy hiểm khi bị muỗi vằn đốt và gây bệnh sốt xuất huyết, bác sỹ Kim Oanh cho biết: Đặc điểm của sốt xuất huyết là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong.

Đặc trưng khi bị sốt xuất huyết là bệnh nhân có biểu hiện sốt cao đột ngột, sốt cao trên 38,5o C kéo dài 2 - 7 ngày, đi cùng với các triệu chứng đau đầu, đau hốc mắt, đau cơ, đau khớp, phát ban, có biểu hiện xuất huyết chân răng, mũi, đường tiêu hóa, tại nơi tiêm, kinh nguyệt kéo dài..., giảm tiểu cầu.

Hiện nay, không có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh nên chỉ có biện pháp duy nhất phòng bệnh bằng cách diệt bọ gậy và muỗi gây bệnh nhằm ngăn ngừa sự sinh sản và truyền bệnh.

Về nguyên nhân gây bệnh, theo bác sỹ Oanh, muỗi vằn Ades aegypti là trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue.

Điều nguy hiểm là, muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết là loại sống chủ yếu trong nhà. Chúng đốt người vào sáng sớm và chập choạng tối, chỉ đậu nghỉ khi đã no máu hoặc vào ban đêm. Muỗi vằn Ades chỉ đẻ ở các vật chứa nước sạch có sẵn trong nhà và xung quanh hiên nhà.

“Nhiều người không để ý nên muỗi sinh sôi nảy nở ngay trong nhà mình ở bể chứa nước, nước thắp hương, nước trong lọ trồng cây phất lộc,chậu cây cảnh có nước, hòn non bộ…

Nếu không chú ý, chỉ trong vòng 1 tuần, muỗi sẽ đẻ trứng, trứng phát triển thành muỗi trưởng thành và gây bệnh nguy hiểm”.

Để phòng bệnh sốt xuất huyết, điều cốt lõi là không tạo nơi đẻ trứng cho muỗi vằn. Các gia đình nên làm nắp đậy kín bể chứa nước, thường xuyên thau rửa bể, chum, vại. Loại bỏ hoặc kiểm soát những nơi muỗi Aedes thường đẻ trứng như lọ hoa, đồ vật phế thải có đọng nước mưa quanh hộ gia đình, nuôi thả cá chọi vào bể nước.

Cho muối hoặc dầu hỏa, ma dút vào nước chống kiến chân chạn bát. Chống muỗi đốt bằng nằm màn cả đêm và ngày. Diệt muỗi trưởng thành bằng hóa chất diệt côn trùng theo đúng chỉ định và hướng dẫn của ngành y tế. Cũng có thể sử dụng các biện pháp khác để xua, diệt muỗi trưởng thành như xông khói, xua đập cơ học, dùng mành rèm thường hoặc mành rèm tẩm hóa chất, dùng hương muỗi...vào những giờ muỗi hoạt động mạnh.

Ngày 11/9, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 1632/CĐ-TTg về việc tăng cường công tác phòng chống sốt xuất huyết.

Dịch bệnh sốt xuất huyết đang xảy ra tại 50 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Tính từ đầu năm 2015 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 29.000 trường hợp mắc bệnh, tập trung nhiều tại một số tỉnh, thành phố khu vực miền Nam, miền Trung, trong đó đã có 18 trường hợp tử vong. Mặc dù, năm 2014 là năm có số người mắc bệnh sốt xuất huyết thấp nhất trong 10 năm gần đây. Tuy nhiên, theo chu kỳ 5 năm, 10 năm, bệnh sốt xuất huyết có thể tăng vào cuối mỗi chu kỳ. So với cùng kỳ năm 2014, năm 2015 số người mắc bệnh sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng.

Bệnh sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do muỗi truyền, bệnh lưu hành ở hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước, thường gặp ở trẻ em. Đến nay sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh, biện pháp dự phòng chủ yếu là diệt muỗi, diệt lăng quăng (bọ gậy) và phòng chống muỗi đốt.


» Ung thư gan: Sức khỏe phục hồi tốt sau khi nửa lá gan bị cắt
» Tập thở hàng ngày giúp đẩy lùi ung thư
» Uống rượu và tuyệt chiêu giải rượu
» Tuyệt chiêu phòng tránh gan nhiễm mỡ

Nam Anh
Bình luận
vtcnews.vn