Bệnh nhân cấp cứu do tai nạn tiếp tục tăng, bệnh viện căng sức

Sức khỏeThứ Ba, 02/05/2017 17:03:00 +07:00

Gần trưa ngày nghỉ lễ cuối cùng (2/5) tại Khoa Cấp cứu (BV Việt Đức), lượng bệnh nhân được chuyển đến cấp cứu vì tai nạn giao thông vẫn tiếp tục tăng.

BS Trần Hà Phương trực cấp cứu cho biết, qua 4 ngày nghỉ lễ, tính đến trưa 2/5, BV Việt Đức tiếp nhận 365 bệnh nhân vào khám, cấp cứu, trong đó hơn 215 trường hợp tai nạn giao thông, 150 ca do tai nạn sinh hoạt.

Trong số 12 trường hợp nặng xin về thì có tới 9 ca là tai nạn giao thông, 3 ca tai nạn sinh hoạt. Dự kiến trong ngày 2/5, lượng bệnh nhân được chuyển về sẽ đông hơn do người dân di chuyển nhiều sau kỳ nghỉ lễ.

 

Do đặc thù là bệnh viện tuyến cuối, các ca tai nạn do các tỉnh chuyển về, tai nạn gặp trên đường quốc lộ, người tham gia giao thông đi với tốc độ nhanh nên khi xảy ra va chạm, bệnh nhân chấn thương rất nặng nề nên số bệnh nhân nhập viện nhiều trường hợp đa chấn thương, chấn thương sọ não.

Tại khoa Cấp cứu, quân số đi làm trong những ngày nghỉ lễ không khác gì ngày thường, thậm chí tăng cường nhưng luôn trong tình trạng căng thẳng vì lượng bệnh nhân tăng. Ngoài những trường hợp chuyển mổ cấp cứu, theo dõi tại khoa, nhiều trường hợp được chuyển về các khoa phòng liên quan để giải phóng giường bệnh cho bệnh nhân.

Đáng nói, trong số bệnh nhân đưa vào cấp cứu vì tai nạn thì có quá nửa bệnh nhân có sử dụng bia rượu. Như trường hợp bệnh nhân N.M.H (26 tuổi) bị tai nạn xe máy đêm 1/5 tại Ba Vì. Sau khi được sơ cứu tại BV địa phương, bệnh nhân được chuyển đến BV Việt Đức sáng sớm ngày 2/5 trong tình trạng kích thích vật vã do đa chấn thương. Bệnh nhân có vết thương vùng trán, sưng nề hàm mặt, gãy xương vòm phải vết thương vai trái, vỡ xương nền sọ trước.

Theo BS Phương, bệnh nhân dù đến Việt Đức sau hơn 6 tiếng tai nạn nhưng nồng độ rượu trong máu vẫn ở ngưỡng cao 100mg/dl. Rượu không chỉ khiến người bệnh không tỉnh táo gây tai nạn, mà hiện tại ảnh hưởng rất xấu đến quá trình cấp cứu người bệnh do bệnh nhân chảy máu nhiều. Các bác sĩ vẫn đang phải theo dõi, chưa thể phẫu thuật ngay do tiên lượng chảy máu nhiều trong cuộc mổ do ảnh hưởng của rượu.

 

Bên cạnh đó, các ca tai nạn do ẩu đả, đánh nhau vì “rượu vào, lời ra” cũng rất đáng báo động. Trong số 150 ca tai nạn sinh hoạt, nhiều trường hợp là ẩu đả có nguyên nhân từ bia rượu.

Dù đã dự kiến số ca tai nạn, cấp cứu tăng hơn ngày thường, tăng thêm bàn mổ, 5 phòng mổ tại BV Việt Đức lúc nào cũng kín lịch. Trong 4 ngày nghỉ lễ, trung bình mỗi ngày các bác sĩ mổ cấp cứu 30 ca nặng tại phòng mổ; mổ từ 15 – 20 ca nhẹ ngay phòng mổ ngoài phòng khám.

Các ca phẫu thuật luôn được thực hiện ưu tiên với trường hợp nặng, đe dọa tính mạng, các trường hợp khác phải theo dõi hoặc không nguy kịch mới phải chờ.

Theo các bác sĩ, năm nào cũng vậy, cứ vào các dịp nghỉ lễ kéo dài là lượng bệnh nhân cấp cứu vì tai nạn, ẩu đả liên quan đến rượu bia lại tăng lên, nhất là ở nhóm người trẻ do gặp gỡ bạn bè, họp lớp khi uống bia rượu không làm chủ bản thân, “tây tây” vẫn lái xe nên gây ra tai nạn đáng tiếc.

Các bác sĩ khuyến cáo, khi đã uống bia rượu tuyệt đối không lái xe. Bởi nồng độ rượu ethanol trong máu ở ngưỡng 20 – 50mg/dl đã có thể gây nên tình trạng rối loạn ức chế, kích thích nghịch thường, cảm xúc không ổn định, thích giao du với người khác, hưng cảm, nói nhiều. Ở ngưỡng 50 – 100mg/dl, người uống rượu sẽ chậm đáp ứng, giảm khả năng phán xét, mất điều hòa vận động, loạn vận ngôn dẫn đến lái xe không an toàn, đi đường có thể gây tai nạn, đe dọa tính mạng bản thân, gây họa cho người khác.

Dưới đây là hình ảnh nhiều bệnh nhân nặng cấp cứu tại BV Việt Đức vì tai nạn giao thông:

 

 

 

 

 

 

Video: Phóng nhanh, vượt ẩu gây tai nạn rồi bỏ trốn

(Nguồn: Dân Trí)
Bình luận
vtcnews.vn