Bệnh liệt mặt nguy hiểm thế nào?

Tư vấnThứ Năm, 04/08/2022 12:06:48 +07:00
(VTC News) -

Bác sĩ nêu nguyên nhân và cách phòng tránh bệnh liệt mặt.

BS.CKII Huỳnh Tấn Vũ - Trưởng Đơn vị Điều trị ban ngày - Bệnh viện Đại học Y Dược - Cơ sở 3 cho biết, liệt mặt không phải là bệnh lý hiếm, do liệt dây thần kinh VII ngoại biên. Liệt dây thần kinh VII ngoại biên vì nhiều lý do, trong đó do lạnh chiếm đa số, bên cạnh đó còn nguyên nhân khác như nhiễm trùng, sang chấn, do phẫu thuật.

Tình trạng này xảy ra nhiều nhất là sau khi ngủ dậy, người bệnh nếu thấy liệt một nửa mặt cũng không nên quá hoảng loạn. Bệnh có thể khỏi nhờ xoa bóp bấm huyệt tác động cơ, nhóm cơ vùng mặt, góp phần cải thiện và phục hồi cơ mặt. Tuy nhiên người bệnh không nên tự ý chữa mà cần tuân theo chỉ định của thầy thuốc.

Triệu chứng 

Bệnh khởi phát đột ngột. Sau đêm ngủ dậy, bệnh liệt nửa mặt xuất hiện trong vòng 24 - 48 giờ. Ở trạng thái tĩnh mặt mất cân xứng, các cơ mặt bị kéo về bên lành, nếp nhăn vùng trán, ranh mũi má mắt, nhân trung lệch, miệng méo.

Ở trạng thái động, bệnh nhân thấy mắt nhắm không kín, nhãn cầu chuyển động lên phía trên.

Khi bị liệt mặt, bệnh nhân không làm được hoặc gặp khó khăn khi thực hiện động tác: nhăn trán, nhíu mày, nhăn răng, trề môi, phồng má, thổi sáo,…Ngoài ra, một số người có thể ù tai, chảy nước mắt bên liệt.

Bệnh liệt mặt nguy hiểm thế nào? - 1

Bệnh liệt mặt do liệt dây thần kinh VII ngoại biên. (Ảnh minh họa)

Liệt mặt trái ngược với liệt mặt trung ương là tổn thương liên quan đến não. Dây thần kinh mặt có đường đi phức tạp từ hệ thống thần kinh trung ương qua thái dương và tuyến mang tai đến các cơ ở vùng mặt.

Điều trị liệt mặt

BS Vũ cho biết, bệnh nhân được điều trị theo y học cổ truyền bằng các biện pháp xoa bóp, bấm huyệt. Phương pháp xoa bóp bấm huyệt ưu điểm là xác định chính xác nhóm cơ nào có vấn đề và tập trung điều trị vào đó sẽ có kết quả rất tốt.

Phương pháp xoa bóp bấm huyệt hiệu quả đối với bệnh nhưng với điều kiện là thầy thuốc phải thăm khám kỹ càng, xác định chính xác nhóm cơ nào bị yếu, cơ nào bị liệt và mức độ yếu, liệt của cơ đó, qua đó đưa ra thủ thuật phù hợp cho từng cơ, nhóm cơ. Người thầy thuốc cần sự nhạy cảm trong thao tác để cảm nhận được sự cứng, mềm, sức đàn hồi của từng cơ, cảm nhận được sự thay đổi của cơ bị yếu qua các ngày điều trị.

Điều trị liệt dây thần kinh VII là cả quá trình. Quá trình đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn trọng và linh hoạt của người thầy thuốc dựa trên công thức nền của xoa bóp bấm huyệt mà thực hiện tùy mức độ hồi phục của từng cơ, từng nhóm cơ, chứ không phải cứ liệt mặt là xoa bóp hay châm cứu hết nửa mặt của người bệnh. 

Các thủ thuật xoa bóp bấm huyệt được thực hiện có trọng tâm từng cơ, nhóm cơ, vùng cơ cần tác động. Thực tế tùy tình hình từng cơ trên mặt của người bệnh thế nào (được xác định qua thăm khám) mà tập trung nhiều vào cơ, vùng cơ yếu, liệt mà phục hồi. Các bác sĩ thường xoa bóp bấm huyệt vùng mặt bên liệt khoảng 20 -30 phút, ngày 1-2 lần.

BS Vũ lưu ý, trước khi thực hiện điều trị người bệnh cần được thầy thuốc khám, đánh trước và điều trị có trọng tâm. Thứ tự ưu tiên cho việc hồi phục những điểm chưa hoàn thiện trên mặt bệnh nhân tùy theo mức độ nặng nhẹ như bị mắt nhắm không kín là chủ yếu hay méo miệng là chủ yếu.

Xoa bóp bấm huyệt được thực hiện tỉ mỉ giúp điều chỉnh đến từng chi tiết và tạo độ hồi phục hoàn hảo nhất có thể. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả điều trị, người bệnh cần tuân theo chỉ định của thầy thuốc, không tự ý tập luyện hay điều trị các phương pháp khác ảnh hưởng tiến độ hồi phục và sức khỏe.

Ngọc Hà
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp