Bệnh lạ ở Quảng Ngãi: Dân không tin do gạo mốc

Sức khỏeThứ Bảy, 12/05/2012 06:58:00 +07:00

(VTC News) – Không thể gọi gạo ủ là gạo mốc được vì loại gạo này là gạo được sản xuất, bảo quản theo tập quán của đồng bào H’re.

(VTC News) – Ông Phạm Viết Nho, Bí thư Huyện ủy Ba Tơ cho biết, không thể gọi gạo ủ là gạo mốc được vì loại gạo này là gạo được sản xuất, bảo quản theo tập quán của đồng bào H’re.

Giấu bệnh


Chiều 11/5, UBND huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) đã tổ chức cuộc họp để bàn phương án phối hợp với ngành y tế trong công tác tìm nguyên nhân “bệnh lạ” và lập kế hoạch nhanh chóng cấp phát tiền hỗ trợ, gạo trắng cho người dân vùng dịch.


Theo ông Lê Hàn Phong, Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ, thống kê mới nhất của các đoàn công tác của huyện thì toàn huyện đang có đến 227 trường hợp mắc bệnh, “vênh” 26 trường hợp so với ngành y tế thống kê. Số người chết vẫn giữ nguyên là 21 trường hợp.


 Các đoàn chuyên gia y tế tiếp tục điều tra tình trạng bệnh  

Có sự “vênh” nhau này là do có trường hợp người dân giấu bệnh và một số trường hợp dù đã đi khám chữa “bệnh lạ” ở bệnh viện về nhưng ngành y tế lại không ghi nhận kịp thời, ông Phong giải thích.


Liên quan đến chỉ đạo của Bộ Y tế, UBND tỉnh Quảng Ngãi về việc cấp phát gạo trắng cho dân vùng dịch để họ không ăn gạo ủ đang được cho là nguyên nhân gây bệnh, tuy tiền và gạo viện trợ vẫn chưa về đến huyện, nên trong ngày 11/5, UBND huyện Ba Tơ đã tạm ứng kinh phí mua gạo trắng cấp ngay cho những người mắc bệnh với định mức 10kg/người.


Sáng ngày 13/5 tới, huyện sẽ huy động tối đa lực lượng để tiếp tục cấp gạo trắng cho tất cả các hộ dân vùng dịch với định mức 15kg/khẩu/tháng trong vòng 3 tháng để người dân sử dụng và yên tâm chống chọi với bệnh.


Nghi ngờ kết luận của Bộ Y tế


Theo kết luận mới nhất về nguyên nhân gây “bệnh lạ” của Bộ Y tế, thì họ đang nghi ngờ gạo ủ (gạo mốc) loại thực phẩm truyền thống bao lâu nay của người dân H’rê, là tác nhân gây ra bệnh. Tuy nhiên, theo ghi nhận thì người dân và ngay cả lãnh đạo chính quyền địa phương không “tâm phục khẩu phục” nhận định này của ngành y tế.


Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ thẳng thắn, việc Bộ Y tế công bố căn nguyên gây “bệnh lạ” là do gạo ủ (gạo mốc) là không có cơ sở thuyết phục bởi loại gạo này bà con đồng bào H’re và ngay cả lãnh đạo chính quyền địa phương cũng đã sử dụng hàng trăm năm nay.


 Người dân đã được nhận gạo trắng để ăn thay gạo ủ nhưng vẫn chưa biết có tác dụng gì không 

Còn ông Phạm Viết Nho, Bí thư Huyện ủy Ba Tơ, thì thẳng thừng, không thể gọi gạo ủ là gạo mốc được vì loại gạo này là gạo được sản xuất, bảo quản theo tập quán của đồng bào H’re. Nó được gọi là gạo dò hơi vì khi lúa tươi gặt về người dân đổ ngay vào kho cất, đến khi nào cần dùng thì mới đem ra phơi rồi mang đi xay xát.


Ông Nho giải thích thêm, gạo mốc là gạo để lâu bị hỏng mốc, khi bóp bị nát vụn, còn hạt gạo của người dân vẫn cứng cáp nguyên vẹn thì sao gọi là mốc được. Dân chúng tôi rất khó khăn, đâu có gạo dư thừa để cất lâu đâu mà hỏng mốc được.


Đừng coi “bệnh lạ” là cuộc thí nghiệm


Trao đổi với VTC News chiều 11/5, ông Lê Hàn Phong, Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ nhận định, thực tiễn từ các bệnh nhân cho thấy hầu hết họ bị bệnh từ nội tạng phát ra da chứ không phải chỉ bùng phát ngoài da với các biểu hiện dày sừng lòng bàn tay, bàn chân và men gan tăng cao.


Do đó, ông Phong cho rằng, cần phải tìm hiểu và xét nghiệm các yếu tố ngoại cảnh, môi trường như: Nguồn đất, không khí, nước… thật kỹ để tìm ra nguyên nhân. Việc vội vã đưa ra nhận định gạo ăn của người dân là nguyên nhân gây bệnh sẽ khiến việc tìm nguyên nhân dễ bị “sa đà, lạc hướng”, việc điều trị thêm phức tạp, người dân thì thêm hoang mang.


 Nhiều đoàn chuyên gia y tế đã về nhưng nguyên nhân bệnh lạ vẫn còn là ẩn số khiến người dân và chính quyền địa hương không khỏi sốt ruột

“Dù ngành y tế rất tự tin ở khả năng của mình trong việc tìm nguyên nhân “bệnh lạ” nhưng từ khi ngành y tế vào cuộc là đã hơn 1 năm, nay lại nói cần ít nhất 6 tháng nữa là quá lâu. Trong khi đó, số người mắc bệnh và người chết không ngừng tăng lên nên chúng tôi tha thiết đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế nhanh chóng nhờ các tổ chức y tế thế giới vào cuộc để sớm tìm ra nguyên nhân “bệnh lạ””, ông Phong nói.


“Ngày nào chưa tìm được nguyên nhân “bệnh lạ”, ngày đó chúng tôi sống trong bất an. Người dân đã lo lắng, mệt mỏi lắm rồi, cuộc sống của họ đã bị xáo trộn nhiều rồi, đừng bắt họ chờ đợi thêm nữa, đừng làm mất niềm tin ở họ”, ông Phong đề nghị thống thiết.


Nghĩa Bình

Bình luận
vtcnews.vn