Bệnh điếc do tiếng ồn: Nguy cơ, phòng và điều trị

Sức khỏeThứ Bảy, 17/10/2015 08:10:00 +07:00

Bệnh điếc nghề nghiệp (ĐNN) do tiếng ồn trong môi trường lao động là một trong những bệnh nghề nghiệp (BNN) mà người lao động (NLĐ) hay gặp nhất ở Việt Nam.

Bệnh điếc nghề nghiệp (ĐNN) do tiếng ồn trong môi trường lao động là một trong những bệnh nghề nghiệp (BNN) mà người lao động (NLĐ) hay gặp nhất ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.

Hàng năm, có khoảng từ 250 đến 500 trường hợp được Viện Giám định Y khoa kết luận là bệnh ĐNN; Bệnh không có khả năng phục hồi nhưng có thể dự phòng được bằng các biện pháp đơn giản.

Để tìm hiểu sâu hơn về bệnh điếc nghề nghiệp, nguy cơ phòng ngừa và điều trị bệnh, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với Tiến sĩ – Bác sĩ Trịnh Hồng Lân – Trưởng khoa Sức khỏe Lao động, Bệnh nghề nghiệp, Viện Y tế công cộng TP. HCM - BYT.
 
- Hiện nay bệnh ĐNN khá phổ biến, bác sĩ có thể cho biết trong môi trường lao động nào thì người lao động có nguy cơ mắc bệnh ĐNN cao nhất?

Các chuyên gia y tế cho rằng, con người có thể nghe được âm thanh từ 16 đến 20.000 Hz và nghe tốt nhất là từ 500 đến 4.000 Hz. Tuy nhiên, trên thực tế, những tiếng ồn trong các dây chuyền sản xuất của nhiều nhà máy xí nghiệp, công trường xây dựng, làng nghề tư nhân là rất lớn.

Trong khi đó, rất ít NLĐ sử dụng dụng cụ bảo hộ lao động để hạn chế tiếng ồn tác động trực tiếp vào tai. NLĐ phải tiếp xúc lâu dài với tiếng ồn và đặc biệt là tiếng ồn có cường độ cao, tai sẽ bệnh ngễnh ngãng và dần dần dẫn đến điếc vĩnh viễn.

Trong môi trường lao động công nghiệp, người công nhân phải làm việc khi tiếng ồn liên tục chung cao vượt quá tiêu chuẩn cho phép 85 dB trong 8 giờ/ ngày và kéo dài trên 3 tháng có nguy cơ ĐNN. Ở Việt Nam, tiêu chuẩn tiếng ồn chung lien tục trong 8 giờ làm việc của NLĐ là không quá 85dB. Kết quả các nghiên cứu về tác hại tiếng ồn đến sức khỏe và sức nghe của NLĐ làm việc ở nhiều ngành nghề cho thấy, tỷ lệ bệnh ĐNN của NLĐ ở ngành dệt kim chiếm từ 11 đến 14%; thợ khoan đá chiếm 18%; thủy thủ tàu biển chiếm 18%; công nhân ngành giấy là 3,6% và ngành xi măng chiếm 6,4%.

Các nhà chuyên môn của Viện Y Học lao động – Vệ sinh môi trường sau khi khảo sát, nghiêm cứu về tiếng ồn nơi làm việc của 431 NLĐ thì có trên 90% số người được hỏi cho rằng, nơi làm việc ồn trong đó tỷ lệ ù tai chiếm gần 60%, số NLĐ bị tức tai là từ 17,4 đến 18,8%, tỷ lệ người nghe chiếm từ 42 đến 45,5%. Khi NLĐ bị điếc do môi trường lao động có tiếng ồn vượt mức cho phép thì khả năng nghe không thể hồi phục.

Nghĩa là, dù có ngừng tiếp xúc với tiếng ồn thì mức độ điếc vẫn không giảm do tiếng ồn đã tác động và làm hỏng tế bào nghe của ốc tai.

- Thưa bác sĩ, những triệu chứng nào của bệnh điếc do tiếng ồn gây ra và các đối tượng dễ mắc bệnh điếc do tiếng ồn?

Nếu một người tiếp xúc với tiếng ồn lớn trong một thời gian dài, các triệu chứng của điếc do tiếng ồn sẽ gia tăng từ từ.

Với thời gian, âm thanh mà người này nghe được sẽ không rõ, có thể người này sẽ gặp khó khăn trong việc hiểu lời nói.

Ở giai đoạn sớm, một số người điếc do tiếng ồn có thể không biết sức nghe của mình đã bị thuyên giảm. Để phát hiện, cần làm các bài kiểm tra khả năng nghe và đo thính lực.

Mọi người ở mọi lứa tuổi đều có thể bị điếc do tiếng ồn do tiếc xúc với tiếng ồn lớn hoặc tiếng ồn tại nơi làm việc trong cuộc sống.

- Theo bác sĩ, bệnh điếc nghề nghiệp có thể phòng ngừa và điều trị bằng những biện pháp nào?

Một điều đặc biệt nguy hiểm đối với người bị ĐNN do tiếng ồn là giai đoạn đầu NLĐ không nhận biết được mình bị điếc để có biện pháp phòng ngừa hiệu quả. Vì thời gian đầu, chỉ có tế bào cảm nhận âm thanh tần số cao ở tai NLĐ bị tổn thương  nên quá trình giao tiếp vẫn hầu như chưa bị ảnh hưởng. NLĐ chỉ phát hiện được mình bị ĐNN hay không khi kiểm tra sức nghe bằng máy đo sức nghe. Hiện nay bệnh ĐNN đã được xếp vào danh mục 30 BNN được bảo hiểm ở Việt Nam.

Tác hại của tiếng ồn đến sức khỏe của con người rất lớn, trực tiếp làm giảm năng suất lao động và giảm chất lượng cuộc sống của NLĐ.

Tuy nhiên, NLĐ có thể chủ động phòng chống được những tác hại mà tiếng ồn gây ra đối với cơ thể như tuyệt đối phải sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân, đeo nút tai chống ồn trong quá trình làm việc khi phải tiếp xúc với tiếng ồn và bố trí thời gian làm việc không quá 8 giờ/ngày, hạn chế tối đa thời gian tiếp xúc với tiếng ồn quá lớn hoặc không nên làm việc liên tục trong 8 giờ, cần có những khoảng thời gian nghỉ ngắn để giúp phục hồi thính lực.

Khi đó người lao động nên được bố trí trong các phòng nghỉ yên tĩnh riêng biệt. Các cơ sở sử dụng lao động cũng cần có những biện pháp nhằm giảm thiểu những nguồn gây tiếng ồn như dần thay thế các dây chuyền sản xuất quá lạc hậu, trang bị dụng cụ bảo hộ lao động cho NLĐ, và cùng cơ quan chức năng tăng cường phối hợp tuyên truyên nhằm nâng cao ý thức của NLĐ trước những tác hại mà tiếng ồn có thể gây ra.

Khi phát hiện điếc (tai ù, sức nghe giảm…), NLĐ cần đến các cơ sở chuyên khoa để khám và điều trị càng sớm càng tốt.

Xin cảm ơn bác sĩ đã chia sẻ những thông tin hữu ích và thiết thực trong việc phòng và ngừa bệnh điếc nghề nghiệp.

Bài viết phục vụ Dự án “Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về an toàn lao động, vệ sinh lao động năm 2015”.

Thùy Trang

Bình luận
vtcnews.vn