Bé trai tông vào xích lô 'máy chém': Đừng bao biện cho gia cảnh mà làm điều phi pháp

Thời sựThứ Hai, 26/09/2016 07:27:00 +07:00

Thượng tá công an cho rằng, không có nghĩa hoàn cảnh khó khăn mà làm điều pháp luật cấm, thậm chí phải trả giá bằng tính mạng của một đứa trẻ.

Tràn ngập trên các trang báo và mạng xã hội những ngày qua là hình ảnh hiện trường vụ cháu bé 9 tuổi ở (Hoàng Mai, Hà Nội) bị tấm tôn đặt trên chiếc xe ba gác dừng giữa đường cắt cổ chết thương tâm.

Không ai cầm được nước mắt, không khỏi rùng mình trước “cỗ máy chém” sắc lẹm trên đường đã khiến cháu bé chết thảm. Chiếc xe oan nghiệt, tấm tôn oan nghiệt và người ngày ngày đi “mưu sinh” vì gia cảnh khốn khó lại "vô tình" cướp đi sinh mạng của cháu trai bé nhỏ, vô tội bằng hình thức tàn ác nhất.

img_6544-2305

Chiếc xe chở tôn, sắt trên đường Hà Nội 

"Nếu không xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, cứ vịn vào những lý do như nghèo khổ, phải mưu sinh mà tiếp tục tiếp tay cho những kẻ chở vật liệu cồng kềnh, sắc lẹm trên đường thì không thể biết rằng chúng sẽ còn cắt cổ bao nhiêu người vô tội khác nữa?" - đây cũng là câu hỏi và ý kiến của rất nhiều độc giả khi chia sẻ bài viết của VTC News về vụ việc trên.

 
Không có nghĩa hoàn cảnh khó khăn mà làm điều pháp luật cấm, mà đau đớn hơn là phải trả giá bằng tính mạng của một đứa trẻ.

Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ

Trao đổi với PV VTC News, Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ, nguyên cán bộ xử lý vi phạm Đội CSGT số 1 - Công an TP Hà Nội cho biết, trong Quyết định 06, TP Hà Nội đã cấm xe ba bánh, xe ba gác, xe xích lô hoạt động trong địa bàn của Hà Nội.

“Mặc dù đã cấm nhưng loại xe trên lại chở hàng cồng kềnh dẫn đến việc cháu bé đã tử vong, như vậy là rất đáng tiếc. Một số cá nhân vì lợi trước mắt của mình chở hàng cồng kềnh, nhất là chở tôn gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Giờ nào ở Hà Nội bây giờ cũng đông đúc chứ không riêng gì giờ cao điểm vào sáng sớm hoặc chiều”, Thượng tá Quỹ nói.

"Theo tôi, lực lượng chức năng cần xử lý dứt điểm các trường hợp đó ngay từ nơi sản xuất. Cửa hàng nào bán tôn thì phải cho cửa hàng đó cam kết vận chuyển hàng an toàn, vận chuyển bằng xe ô tô và giờ nào được phép hoạt động chứ không phải vận chuyển lúc nào cũng được.

 Nếu xảy ra tai nạn cửa hàng phải chịu liên đới trách nhiệm. Có biện pháp phòng ngừa tốt thì điều đáng tiếc sẽ không xảy ra”, Thượng tá Quỹ nói.

Khi hỏi về về hoàn cảnh của lái xe ba gác nhiều người cho rằng vừa đáng thương, lại vừa đáng trách vì gia cảnh nghèo nên mới phải lên Hà Nội mưu sinh, Thượng tá Quỹ đưa ra quan điểm: "Không có nghĩa hoàn cảnh khó khăn mà làm điều pháp luật cấm, mà đau đớn hơn là phải trả giá bằng tính mạng của một đứa trẻ.

Nếu hoàn cảnh khó khăn thì xã hội, chính quyền địa phương nên tạo điều kiện, hỗ trợ họ những công việc phù hợp thay vì người ta dùng phương tiện xe ba gác chở tôn như trên rất nguy hiểm và cũng rất phản cảm”.

be-trai-bi-cua-co-1-0305

Hiện trường vụ tai nạn thương tâm khiến một cháu bé chết thảm 

Về vụ việc này, Thiếu tá Vũ Văn Hoài, Đội trưởng Đội Tuyên truyền, điều tra, khám nghiệm TNGT, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, CATP Hà Nội cho biết, hiện vụ việc đang được công an quận Hoàng Mai điều tra, xử lý.

Sáng 25/9, Phía Phòng CSGT TP Hà Nội đã ra quân xử lý nghiêm các trường hợp xe ba gác, xe xích lô chở quá khổ, quá tải.

Thông tin từ Đại tá Nguyễn Hồng Thái, Trưởng công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết: "Công an quận Hoàng Mai đã tạm giữ hình sự ông Đinh Ngọc Thạch (52 tuổi, quê Hà Nam) để điều tra về vụ bé trai đi xe đạp tử vong do bị tấm tôn trên xe xích lô cứa vào cổ".

Video: "Máy chém" tung hoành trên đường phố Hà Nội

Kim Thược
Bình luận
vtcnews.vn