Bé trai mắc bệnh Hemophilia, 'muỗi đốt cũng có thể mất mạng'

Sức khỏeThứ Năm, 17/01/2019 19:51:00 +07:00

Căn bệnh Hemophilia hành hạ bé D.H.T (ngụ tại Ba Tri, Bến Tre) 14 năm trời và gần đây khiến em lâm tình trạng nguy kịch vì xuất huyết nặng.

Ngày 17/1, Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM cho biết sau một thời gian điều trị, tình trạng của bé D.H.T (14 tuổi ngụ tại Ba Tri, Bến Tre) đã ổn định, tình trạng chảy máu và viêm phổi cải thiện, đã cai máy thở.

Trước đó, bé nhập viện trong tình trạng xuất huyết nặng với tiền sử bệnh máu khó đông Hemophilia bẩm sinh.

Sau các cận lâm sàng, bệnh nhi được chẩn đoán sốc mất máu, theo dõi xuất huyết nội, Hemophilia.

Tiếp tục siêu âm và chụp CT khẩn, bệnh nhi được đánh giá bị xuất huyết nặng cơ thắt lưng, máu chảy tràn đầy khoang sau phúc mạc không cầm được. Bé cũng không thể mổ can thiệp vì rối loạn đông máu nặng. Tình trạng này kéo dài khiến bệnh nhi tràn dịch màng phổi, suy hô hấp nhanh chóng.

Lúc này, các bác sĩ quyết định đặt ống thở máy, chống sốc và truyền liên tục hồng cầu lắng, kết tủa lạnh và các chế phẩm máu, thuốc đặc trị cho bệnh nhi. Tổng cộng 6 lít máu đã được truyền vào người bé.

muoi-1

 Tổng cộng 6 lít máu đã truyền vào người bé.

Mất nửa tháng hồi sức tích cực và theo dõi chặt chẽ, tình trạng em mới cải thiện. Hiện em được chuyển đến khoa Ung bướu huyết học tiếp tục theo dõi.

Bác sĩ Nguyễn Đạt Thịnh, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc cho biết, hầu hết bệnh nhân Hemophilia là nam giới.

Tỷ lệ mắc bệnh khi sinh là 1/10.000 trẻ trai mới sinh.

Người bệnh Hemophilia càng nặng thì biểu hiện càng sớm, triệu chứng thường là chảy máu bất thường, hay gặp nhất là cơ và khớp nên thường bị nhầm tưởng là bệnh của cơ, khớp.

Đặc biệt, trẻ mắc bệnh máu khó đông có thể chảy máu không cầm được chỉ với vết thương rất nhỏ, thậm chí là vết muỗi cắn.

Mộc Lê
Bình luận
vtcnews.vn