Bé trai bị rắn cạp nia cắn nguy kịch khi đang nằm ngủ dưới nền nhà

Tin tứcThứ Năm, 18/08/2022 21:23:26 +07:00
(VTC News) -

Bé Nguyễn Thành C. bị rắn cạp nia cắn khi đang nằm ngủ dưới nền nhà, nhập viện trong tình trạng yếu liệt tứ chi, sụp mi, mất phản xạ ánh sáng, suy hô hấp nặng.

Chiều 18/8, theo thông tin từ Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM, đơn vị vừa cấp cứu một trường hợp bệnh nhi bị rắn cắn nguy kịch. Bệnh nhi tên Nguyễn Thành C. (13 tuổi, địa chỉ ở Tân Uyên, Bình Dương) nhập Bệnh viện Nhi Đồng 1 ngày 11/8.

Khoảng 3h ngày 11/8, bé bị rắn cắn vào đùi chân phải khi đang nằm ngủ dưới nền nhà. Con rắn này dài khoảng 1m, có khoanh trắng khoanh đen. Đến 4h, bé bắt đầu mệt, buồn nôn, nôn ói nhiều, sau đó bị sụp mi, yếu tứ chi và thở mệt.

Người nhà mang bé đến thầy lang gần nhà nhưng do tình trạng quá nặng, không thể điều trị được nên bé được đưa đến Bệnh viện Thống Nhất (Đồng Nai) trong tình trạng lơ mơ. Sau đó, bé được các bác sĩ đặt nội khí quản, bóp bóng và chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhi được thở máy nhưng tình trạng không cải thiện nên chuyển Bệnh viện Nhi Đồng 1. 

Bé trai bị rắn cạp nia cắn nguy kịch khi đang nằm ngủ dưới nền nhà - 1

Bệnh nhi bị rắn cạp nia cắn đã qua giai đoạn nguy hiểm.

PGS.TS.BS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực và chống độc - Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết khi vào viện, bé yếu liệt tứ chi, sụp mi, đồng tử 2 bên dãn 5 mm, mất phản xạ ánh sáng, suy hô hấp nặng, phải bóp bóng qua nội khí quản.

Với biểu hiện lâm sàng như trên kèm vết rắn cắn có 2 móc độc, không sưng hay hoại tử kết hợp với bắt được con rắn có khoanh trắng khoanh đen nên các bác sĩ xác định bệnh nhi bị rắn cạp nia cắn. Ngay lập tức bệnh nhi được thở máy, điều trị hỗ trợ kháng sinh, vệ sinh vết rắn cắn.  

Tuy nhiên, ở các bệnh viện khu vực phía Nam không có huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia đơn giá để điều trị đặc hiệu cho bệnh nhi. Sau một cuộc hội chẩn, các bác sĩ quyết định sử dụng huyết thanh kháng nọc rắn hổ đa giá (trong đó có huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia) để điều trị cho bé.  

Tại khoa Hồi sức tích cực, bé được điều trị chủ yếu với thở máy và truyền 5 lọ huyết thanh kháng nọc rắn. 12 giờ sau, bé bắt đầu có đáp ứng với những cử động nhẹ ngón chân, ngón tay. Sau 2 ngày điều trị tích cực, bệnh nhi đã có thể mở mắt, cử động tay chân, tiếp xúc tốt.

Đến ngày 16/8, sau 5 ngày thở máy, bé tự thở tốt và được cai máy thở, tỉnh táo, phục hồi hoàn toàn sức cơ tứ chi và các cơ hô hấp, không để lại di chứng thần kinh. Dự kiến bệnh nhi sẽ xuất viện trong vài ngày tới. 

PGS Quang khuyến cáo rắn độc cắn là tai nạn thường gặp ở nước ta. Đặc biệt, vào mùa mưa, trời lạnh, rắn thường bò vào nhà ở vùng nông thôn. Khi bị rắn cắn, người dân cần bình tĩnh, rửa sạch vết cắn để tránh nhiễm trùng, bất động chi bị cắn, đặt thấp hơn so với tim và nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

Bác sĩ Quang lưu ý không nên rạch da, nặn hút vết cắn hoặc đắp lá cây lên vết rắn cắn vì làm tăng nguy cơ chảy máu, nhiễm trùng. Hạn chế buộc garo phía trên vết cắn vì làm tăng nguy cơ bị hoại tử chi bị cắn. Ngoài ra, người dân cần ghi nhận đặc điểm con rắn hoặc nếu bắt được, đập chết con rắn thì nên mang theo giúp xác định chính xác loại rắn cắn để các bác sĩ quyết định điều trị huyết thanh kháng nọc rắn thích hợp. 

Ngọc Hà
Bình luận
vtcnews.vn