Bé trai bị chó không rọ mõm cắn rách đùi

Sức khỏeThứ Hai, 24/10/2016 13:40:00 +07:00

Bé Vũ Bảo Nam (2 tuổi) trú tại Xuân Trường, Nam Định nhập viện trong tình trạng vùng đùi bị rách lớn do bị chó tấn công.

Ông Vũ Văn Chương (ông nội cháu bé) cho biết: Ngày 2/10/2016, trong lúc theo ông đi câu cá tại ao cạnh nhà, cháu bé nô đùa với chó con của nhà hàng xóm. Cùng lúc đó, chó mẹ nặng khoảng 20kg bỗng nhảy ra cắn bé Nam vì tưởng con mình bị tấn công.

“Sự việc xảy ra rất nhanh khiến tôi không kịp phản ứng, con chó mẹ mới đẻ nên rất hung dữ. Đáng tiếc là nó không được xích hay rọ mõm cẩn thận”- ông Chương nói.

14807922_1459695007374314_1407018153_o

Bé Vũ Bảo Nam phải khâu 8 mũi ở đùi trái sau khi bị chó cắn

Bé Vũ Bảo Nam được gia đình đưa tới bệnh viện huyện trong tình trạng vùng đùi (sát đầu gối) của chân trái rách một mảng khá lớn. Rất may vết thương không sâu, không ảnh hưởng đến hệ thống dây chằng, gân của bé Nam.

Sau khi được tiêm phòng dại và khâu 8 mũi ở vết thương, bé trai này được xuất viện. Đến nay Vũ Bảo Nam đã hoàn toàn bình phục.

1476787942-147672348349407-dat-cho-ho-guom

 Việc không rọ mõm cho chó gây ra những hậu quả khó lường

Sự việc xảy ra trong bối cảnh những ngày vừa qua, việc chó không rọ mõm vào phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm đã thu hút sự quan tâm và ý kiến trái chiều từ cộng đồng.

Theo đó từ tối thứ sáu ngày 21/10, cơ quan chức năng quận Hoàn Kiếm đã thực hiện quy định không cho phép thả rông vật nuôi, gia cầm vào không gian đi bộ quanh Hồ Gươm, đặc biệt là chó chó to, chó dữ không được rọ mõm.

Thạc sĩ, bác sĩ Ngô Anh Vinh (Khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi trung ương) cho biết: Để phòng tránh nguy cơ súc vật cắn với trẻ, các gia đình cần chú ý:

- Tránh thả rông động vật nuôi, đeo rọ mõm cho chó khi ra đường.

- Không nên để trẻ một mình với vật nuôi, tránh xa các động vật thả rông.

- Không chọc ghẹo vật nuôi, tiếp xúc trực tiếp với vật nuôi hoặc chơi với vật nuôi khi chúng đang ăn.

- Gia đình có trẻ nhỏ không nên nuôi động vật hoang dại hoặc giống chó hay cắn người.

Xử trí ban đầu khi bị súc vật cắn:

- Rửa sạch vết thương bằng nước muối và xà phòng, băng vết cắn bằng gạc vô trùng.

- Cầm máu ngay bằng cách ấn mạnh lên vết thương nếu vết thương chảy máu.

- Đưa đến cơ sở y tế nếu vết thương rộng sâu, chảy nhiều máu hoặc vết thương biểu hiện nhiễm trùng (sốt, sưng, đỏ, đau, nổi hạch) hoặc trường hợp nghi ngờ dại.

- Trong trường hợp bị chó, mèo cắn, cần được theo dõi con vật trong 10 ngày và tiêm tiêm phòng dại nếu con vật có triệu chứng nghi ngờ dại. Đối với súc vật cắn không thể theo dõi được thì cần tiêm phòng dại ngay.

- Tiêm phòng uốn ván trong vòng 48 giờ nếu trẻ chưa được tiêm chủng đầy đủ.

Video: Sau lệnh cấm, chó không rọ mõm vẫn tung tăng trên phố

Tiến Quân
Bình luận
vtcnews.vn