Bé trai 6 tuổi chết trong xe ô tô: Vì sao hiệu trưởng trường Gateway vô can?

Pháp luậtChủ Nhật, 08/12/2019 06:50:00 +07:00

Nữ hiệu trưởng trường Gateway không phải chịu trách nhiệm sau vụ việc bé trai 6 tuổi chết trên xe đưa đón bởi khi sự việc xảy ra, vị này đang nghỉ ốm.

Sau hơn 4 tháng tích cực điều tra, ngày 6/12, Cơ quan CSĐT Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) công bố kết luận điều tra vụ án bé trai 6 tuổi thiệt mạng vì bị bỏ quên trong ô tô đưa đón học sinh của trường Tiểu học Gateway.

Theo bản kết luận dài 37 trang, giáo viên chủ nhiệm Nguyễn Thị Thủy (SN 1990, chủ nhiệm lớp 1 Tokyo) là người duy nhất của trường Gateway bị đề nghị truy tố về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" theo Điều 360 Bộ luật Hình sự 2015.

Trong khi đó, theo cơ quan điều tra, nữ hiệu trưởng trường Gateway không phải chịu trách nhiệm về việc cháu bé thiệt mạng.

truong-gateway-3-1750573

Trường Tiểu học Quốc tế Gateway.

Theo kết quả điều tra của Cơ quan CSĐT Công an quận Cầu Giấy, trường Tiểu học Quốc tế Gateway (địa chỉ tại số 89 Khúc Thừa Dụ, Dịch Vọng, Cầu Giấy) được thành lập theo quyết định số 2148 ngày 27/5/2016 của UBND quận Cầu Giấy.

Bà Dương Thị Hoài Anh (SN 1959, trú tại phường Láng Hạ, quận Đống Đa, TP Hà Nội) làm Hiệu trưởng trường này.

Trường Gateway thuộc Công ty cổ phần Diên Hồng (khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính, phường Nhân Chính, quậnThanh Xuân, TP Hà Nội), do bà Nguyễn Lan Anh (SN 1977, Nhân Chính, Thanh Xuân) làm giám đốc.

Ngày 1/8/2018, Công ty cổ phần Diên Hồng ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty cổ phần Giáo dục EDUFIT (địa chỉ tại Hà Cầu, Hà Đông, Hà Nội) do bà Trần Thị Huyền (SN 1985, Long Biên, TP Hà Nội) làm giám đốc.

Hai bên ký hợp đồng về việc tổ chức hoạt động trường học tại ô đất TH1, khu đô thị Dịch Vọng, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Quá trình hoạt động, trường Gateway xây dựng, ban hành các văn bản triển khai kế hoạch hoạt động của nhà trường. Quy định rõ quyền và nghĩa vụ của từng giáo viên qua hợp đồng làm việc.

Tổ chức hoạt động giảng dạy đảm bảo theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hà Nội và Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy.

Đối với bà Dương Thị Hoài Anh, ngày 31/5/2019, bà Hoài Anh có đơn xin nghỉ ốm bắt đầu từ ngày 1/6/2019, do vậy cơ quan điều tra xác định bà này không phải chịu trách nhiệm về việc cháu Long thiệt mạng.

Ngày 15/7/2019, sau khi bà Dương Thị Hoài Anh nghỉ ốm, Ban lãnh đạo trường tiểu học Quốc tế Gateway họp và triểu khai kế hoạch năm học 2017 - 2020 trong đó có nội dung về việc bà Hoài Anh bị ốm.

Để đảm bảo việc vận hành trường được diễn ra ổn định, Hội đồng quản trị phân công nhiệm vụ cho các cá nhân cụ thể, trường hợp đến tháng 9/2019, mà sức khỏe của bà Anh chưa thể tiếp tục đảm nhiệm công việc của trường thì Hội đồng Quản trị sẽ có kế hoạch thay thế.

Video: Phụ huynh bức xúc nói trường tiểu học Gateway làm việc quá thiếu chuyên nghiệp

Nói về bản kết luận của Công an quận Cầu Giấy, luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng, ngoài cô giáo Thủy, người đứng đầu nhà trường cũng phải chịu trách nhiệm, đồng thời đề nghị Cơ quan CSĐT xem xét lại vụ án.

Qua những thông tin trong kết luật điều tra của cơ quan công an, luật sư Bình thấy rằng trách nhiệm của nhà trường trong việc xây dựng các quy trình quản lý học sinh chưa được làm rõ. Trách nhiệm của những người đưa đón dẫn đến hậu quả thương tâm cũng chưa được phổ biến.

Bên cạnh đó, vị luật sư này cho biết thêm, việc Cơ quan CSĐT đề nghị truy tố bị can Nguyễn Thị Thủy về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" theo Điều 360 Bộ luật Hình sự là chưa chính xác.

Luật sư Bình phân tích, tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" là hành vi xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức; làm cho cơ quan, tổ chức bị suy yếu, mất uy tín, mất lòng tin của nhân dân vào chế độ; gây thất thoát, lãng phí nghiêm trọng đến tài sản, gây thiệt hại về tính mạng sức khỏe của cơ quan, tổ chức...

Hành vi thiếu trách nhiệm là người có chức vụ, quyền hạn không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao. Không thực hiện nhiệm vụ được giao là trường hợp người có chức vụ quyền hạn không làm những việc theo đúng quy định của pháp luật, của điều lệ công tác như: Nội quy, quy chế, quy trình,… có tính chất bắt buộc phải thực hiện theo.

Người có chức vụ quyền hạn lại không thực hiện đúng nhiệm vụ, chức vụ, quyền hạn của mình như: Thực hiện không đúng, không đầy đủ hoặc không kịp thời do đó không đáp ứng được yêu cầu của công việc đã đề ra.

Người có chức vụ quyền hạn được coi là phạm tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" khi họ có khả năng thực tế hoàn thành công việc được giao, tuy nhiên họ đã lơ là trong công việc, không thấy trước khả năng gây hậu quả nghiêm trọng mặc dù điều này là họ phải biết hoặc có thấy trước nhưng tin rằng hậu quả không xảy ra hay có thể ngăn ngừa được. Qua đó thấy rõ lỗi của họ ở đây là lỗi vô ý, có thể vô ý do quá tự tin hoặc vô ý do cẩu thả.

"Tại Điều 352 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một nhiệm vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ.

Bộ luật Hình sự chỉ quy định những người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, các doanh nghiệp của nhà nước chứ không quy định đối với những người trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ngoài quốc doanh như đối với tội tham ô tài sản hay tội nhận hối lộ", luật sư chỉ ra điểm bất hợp lý khi cơ quan CSĐT đề nghị truy tố bị can Nguyễn Thị Thủy về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Theo quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, người nào có chức vụ, quyền hạn vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao thuộc mà làm chết người thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm.

Đồng thời, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm. 

 

Tùng Lâm
Bình luận
vtcnews.vn