Bé trai 2 tuổi bị bỏ rơi trên taxi: Chưa thể giao cho 'ông dượng'

Thời sựThứ Ba, 09/12/2014 05:00:00 +07:00

Bé trai 2 tuổi bị bỏ rơi trên taxi ở TP.HCM sẽ như thế nào khi bố mẹ vẫn bỏ mặc không đến nhận lại con?

(VTC News) – Bé trai 2 tuổi bị bỏ rơi trên taxi ở TP.HCM sẽ như thế nào khi bố mẹ vẫn bỏ mặc không đến nhận lại con?

Chưa thể giao bé trai bị bỏ rơi

Sáng 9/12, ông Liêm – người tự nhận là ông dượng của bé trai 2 tuổi bị bỏ rơi trên taxi ở TP.HCM tiếp tục cầm đơn có chữ ký xác nhận của nhiều người hàng xóm và tổ trưởng tổ dân phố nơi ông cư ngụ lên UBND phường 1, quận 8 (TP.HCM) xin nhận lại cháu bé.

bé trai bị bỏ rơi
Ông Liêm tiếp tục hành trình đi tìm lại sự thật về người cháu của mình 
Một lần nữa ông Liêm khẳng định, cháu bé tên Đinh Gia Huy (tên thường gọi là Bo) sinh ngày 30/5/2013 tại Bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM – được ông nuôi nấng hơn 20 tháng nay. Dù đã tìm đủ cách, cung cấp một số hình ảnh về cháu Bo, đồ chơi... nhưng đên nay ông Liêm vẫn không được công nhận là người thân của cháu bé.

Đại diện của phường 11 (quận Gò Vấp, TP.HCM) – nơi ông Liêm cư ngụ - qua xác nhận tại trạm y tế của phường thì cháu bé bị bỏ rơi tên Đinh Gia Huy.

Trong sổ tiêm phòng của trạm y tế phường có ghi tên mẹ cháu Huy là Hồ Thị Thu Vân (23 tuổi, ngụ quận 4, TP.HCM). Ngoài ra, trong sổ tiêm còn ghi số điện thoại của vợ ông Liêm. 

Ông Liêm cho hay, vợ ông thường bế cháu Bo đi tiêm phòng ở địa phương. Ông Liêm cũng không hiểu tại sao mẹ cháu bé tức là chị Vân vẫn chưa đến UBND phường 1 (quận 8) để nhận lại con của mình.

Trao đổi với phóng viên VTC News, bà Vũ Yến Oanh, Chủ tịch UBND phường 1, quận 8, TP.HCM xác nhận, hiện tại chưa có cơ sở chứng minh ông Liêm là người thân của cháu bé.

bé trai bị bỏ rơi
Tương lai cháu bé 2 tuổi ngộ nghĩnh sẽ như thế nào? 
 
“Ông Liêm chỉ đưa ra hình ảnh cháu bé, đồ chơi… mà không có giấy tờ chứng minh làm sao chúng tôi dám giao cháu bé mới 2 tuổi cho ông ấy được”, bà Oanh nói.

Cũng theo bà Oanh, cháu bé vẫn đang được cán bộ phường tận tình chăm sóc chứ chưa đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội. Tuy nhiên, thời gian tới phường sẽ xin ý kiến chỉ đạo và phối hợp với các cơ quan ban ngành đưa cháu bé vào trung tâm.

“Trong thời gian 30 ngày kể từ khi cháu bé đưa vào trung tâm xã hội, nếu có ai đến nhận là người thân của cháu, có giấy tờ chứng minh rõ ràng thì phía trung tâm sẽ xem xét”, bà Oanh nói.

Số phận nào cho cháu bé?

Theo luật sư Nguyễn Thạch Thảo – Đoàn luật sư TP.HCM, việc UBND phường 1, quận 8 quyết định giao cháu bé vào trung tâm bảo trợ xã hội là một quyết định đúng về mặt pháp luật và cần phải tuân thủ theo các qui định của pháp luật về vấn đề đó.

bé trai bị bỏ rơi
Cháu bé vẫn đang hạnh phúc trong vòng tay thân yêu của cán bộ phường 1, quận 8, TP.HCM 

Tuy nhiên, sẽ có nhiều người dân và bạn đọc đặt vấn đề về việc ông Liêm đã khai rằng ông chính là người nuôi dưỡng cháu bé suốt 20 tháng qua, việc nuôi dưỡng của ông đã được bà con hàng xóm và tổ dân phố xác nhận. Tại sao lại không giao cháu bé về cho ông tiếp tục nuôi dưỡng?

Nếu như trước đây ông Liêm từng là người chăm sóc và nuôi dưỡng cháu bé và không có sự kiện pháp lí nào xảy ra liên quan đến việc nuôi dưỡng này thì sẽ không sao. 

 

Tôi nghĩ, việc giao cho ông Liêm tiếp tục nuôi dưỡng sẽ tốt hơn cho phát triển của cháu bé so với việc cháu phải vào trung tâm bảo trợ xã hội, đó là điều đương nhiên.
 
Nhưng trong trường hợp này, đứa bé đã bị người phụ nữ khác đang quản lí và bỏ rơi trên xe taxi, sau đó ông Liêm mới đến xin nhận lại.

Thế nên Ông Liêm phải chứng minh rằng mối quan hệ giữa ông và đứa bé như thế nào? Tư cách pháp lý của ông khi đang nuôi dưỡng cháu bé ra sao? 

Nếu ông Liêm không chứng minh được các điểm trên thì việc ông không được giao nuôi dưỡng cháu bé là đúng qui định. 

Thiết nghĩ trong vụ việc này, tất cả đều xuất phát từ tình yêu thương của mọi người đối với đứa trẻ bất hạnh, không riêng gì ông Liêm mà đã có rất nhiều người đã đến xin nhận cháu làm con nuôi. Cần thiết phải có sự tuân thủ theo đúng trình tự thủ tục về việc giao và nhận con nuôi. 

Vì thế, sau khi cháu bé được đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội, ông Liêm nên tiến hành làm thêm một thủ tục nữa là xin nhận cháu bé làm con nuôi theo đúng trình tự thủ tục do pháp luật qui định. 

Luật sư Nguyễn Thạch Thảo - Đoàn luật sư TP.HCM  
Nếu ông Liêm không thuộc một trong những trường hợp bị hạn chế nhận con nuôi thì với các lợi thế về việc nuôi dưỡng của mình trước đây đã được bà con hàng xóm và tổ dân phố xác nhận, rõ ràng ông Liêm sẽ có đầy đủ cơ sở được tiếp tục nuôi dưỡng cháu bé.  

“Tôi nghĩ, việc giao cho ông Liêm tiếp tục nuôi dưỡng sẽ tốt hơn cho phát triển của cháu bé so với việc cháu phải vào trung tâm bảo trợ xã hội, đó là điều đương nhiên”, luật sư Thảo nói. 

Về phía người nhận nuôi con phải đáp ứng được các điều kiện sau đây: Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên, có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi, có tư cách đạo đức tốt. 

Theo định kỳ, sáu tháng một lần trong thời hạn 3 năm, kể từ ngày giao nhận con nuôi, cha mẹ nuôi có trách nhiệm thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi họ thường trú về tình trạng sức khỏe, thể chất, tinh thần, sự hòa nhập của con nuôi với cha mẹ nuôi, gia đình, cộng đồng. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cha mẹ nuôi thường trú có trách nhiệm kiểm tra, theo dõi tình hình thực hiện việc nuôi con nuôi. 

Ngoài ra, pháp luật còn qui định những điều cấm sau: Lợi dụng việc nuôi con nuôi để trục lợi, bóc lột sức lao động, xâm hại tình dục; bắt cóc, mua bán trẻ em. Giả mạo giấy tờ để giải quyết việc nuôi con nuôi. Phân biệt đối xử giữa con đẻ và con nuôi.

Lợi dụng việc cho con nuôi để vi phạm pháp luật về dân số. Lợi dụng việc làm con nuôi của thương binh, người có công với cách mạng, người thuộc dân tộc thiểu số để hưởng chế độ, chính sách ưu đãi của Nhà nước.

Ông, bà nhận cháu làm con nuôi hoặc anh, chị, em nhận nhau làm con nuôi. Lợi dụng việc nuôi con nuôi để vi phạm pháp luật, phong tục tập quán, đạo đức, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Hưng Nguyên
Bình luận
vtcnews.vn