Bê ông bố người Việt xuống khỏi bàn thờ ở Lào

Phóng sự - Khám pháThứ Bảy, 02/10/2010 06:00:00 +07:00

Cả bản kéo đến, ối giời ơi, đàn con của ông Xít A từ Việt Nam sang, đón ông ấy xuống khỏi bàn thờ đi Bun Hon, Bun Uồn à.

Cả bản kéo đến, ối giời ơi, đàn con của ông Xít A từ Việt Nam sang, đón ông ấy xuống khỏi bàn thờ đi Bun Hon, Bun Uồn à. Tiếng người lao xao. Rồi con cái của những vị hoạt động cách mạng cùng ông Phẩm cũng đến. Riêng con cháu ông Phẩm ở Tùng Khoa đã có tới 30 người, có chàng đích tôn còn công tác ở Viêng Chăn.

Kì 3: Hành trình “xuống bể mò thấy kim”

Cô giáo Thu và thầy giáo Huân bắt đầu nung nấu dò tin tức về Luang Nậm Thà từ mấy năm nay. Thầy Huân dạy học ở trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Mộc Châu, ở đó có vài anh sinh viên gốc Lào, nhân một lần họ về quê, anh bèn viết thư nhờ họ dịch sang chữ Lào rồi gửi họ cầm về bản tìm bà Te (vợ ông Phẩm) và một cô con gái hai cậu con trai của…bố anh Huân. Ngặt vì bấy giờ bên phía Việt Nam chưa ai nghĩ đến việc ông Phẩm có biệt danh là Xít A khi hoạt động, cậu sinh viên đi hỏi ông Phẩm ở Tùng Khoa thì chẳng có ai biết là phải.

Hai chị em cô giáo Thu, thêm một người anh em nữa, thuê xe lên Điện Biên, ra cửa khẩu quốc tế Tây Trang xin phép sang Lào tìm vợ… của bố. Vì chưa đi bao giờ, vì không có giấy tờ xuất cảnh hợp lệ, cán bộ cửa khẩu khuyên gia đình nên đi theo diện thăm thân, muốn thế phải về cửa khẩu ở Lóng Sập, tức cửa khẩu ở tỉnh mà họ đang sống (Sơn La). Chị em tuyệt vọng ra về. Chợt gặp một đơn vị bộ đội đang đi hành quân, hỏi ra mới biết họ sang tận Luang Nậm Thà. Hai chị em ngồi viết thư, gửi họ mang đến bản Tùng Khoa tìm giúp. Có khác gì gắn thư vào chân chim bồ câu rồi ngồi chờ, chờ một phép nhiệm màu nào đó. Không ngờ rồi tin tức cũng dội lại: Các con ông Phẩm còn sống đầy đủ ở Tùng Khoa.

ông Phẩm. 

Thế là gia đình chị Thu lại thuê xe, xin giấy tờ thủ tục lên đường. Qua cửa khẩu Lóng Sập, họ sang Hủa Phăn, rồi vượt cả nghìn cây số đèo dốc và những cung đường xấu như… ổ khủng long giữa rừng già để lên đến địa đầu Luang Pra Băng. Đi đến đâu cũng dò hỏi, ông Phẩm, ông Xít A, rồi có một người cách mạng ăn… thịt chuột độn lá thành ngạnh rồi phát nương với bà con ở bản ven suối Tùng Khoa. Cái lắc đầu thứ 100 thì có một người đưa ra một thông tin nhỏ giọt: Ông ấy chết lâu lắm rồi mà.

Không biết tiếng, không biết chữ Lào, nhờ người phiên dịch đi hỏi thăm, ai dè lại gặp một người nói tiếng Việt ở Luang Nậm Thà. Hóa ra đó là ông Vũ Văn Tú. Bố ông Tú tên là Vũ Ngọc Thiệu bị Pháp bắt đi lính, “đày” sang miền biên ải này cùng thời gian với ông Phẩm. Ông Tú người gốc Nam Định, tiếng Việt ông chỉ nói một cách… chậm chạp và khó nhọc bởi ông sinh ra, lớn lên ở Lào. Ông chỉ biết tiếng Việt chút ít sau quá trình đi bộ 10 ngày sang Điện Biên của Việt Nam “du học”.

Các nhân chứng đều xác nhận: Bố vợ ông Tú là cụ Hậu, cũng người gốc Việt; và tối hôm 5 người hoạt động cách mạng (trong đó có ông Phẩm) giả chết, giả… bị sát hại kia “biến mất”, trước chuyến đi “vĩnh quyết”, họ đã uống rượu ở nhà ông Vũ Văn Hậu rồi trò chuyện. Câu chuyện lầm rầm bí ẩn đó là cơ sở để nhiều người, trong đó có vợ con ông Phẩm, dù lập ban thờ ông và 4 người đồng chí của ông suốt 60 năm nhưng họ vẫn lờ mờ tin rằng: Có thể 5 người ấy đã ra đi vì nhiệm vụ lớn lao, có thể họ chưa chắc đã chết…

Khi vượt suối Tùng Khoa lúp xúp hoa cỏ, với những bãi đá ngổn ngang nước chảy róc rách đêm ngày, cô giáo Hoàng Thị Thu có một linh cảm đặc biệt, một sự xốn xang kì lạ. Gặp hai người đàn ông tóc bạc ở ngôi nhà bà con chỉ lối, không cần hỏi tên, không cần nói một lời, chị ôm choàng lấy họ. “Đúng là con của bố mình rồi, gương mặt này, mái tóc này, chỉ có ruột rà máu mủ thì mình mới có được cảm giác ấy thôi. Tôi lao vào ôm hai anh, tôi khóc, rồi chú Huân (em gái chị Thu) cũng khóc dưới chân nhà sàn” - cô giáo Thu kể lại.

Cả bản kéo đến, ối giời ơi, đàn con của ông Xít A từ Việt Nam sang, đón ông ấy xuống khỏi bàn thờ đi Bun Hon, Bun Uồn à. Tiếng người lao xao. Rồi con cái của những vị hoạt động cách mạng cùng ông Phẩm cũng đến. Riêng con cháu ông Phẩm ở Tùng Khoa đã có tới 30 người, có chàng đích tôn còn công tác ở Viêng Chăn.

3 người con của ông Phẩm ai cũng già yếu, nghèo khổ và ít được học hành. Người con gái lớn Hoàng Thị Phom mù chữ hoàn toàn. Bun Uồn thì ở tận Xiêng Khoảng, cách Luang Nậm Thà ngót ngàn cây số. Chị Thu đứng ra nhờ mua bò, mua lợn về mổ, rồi mở lễ múa lăm-vông, cả bản cùng vui. Bà con tặng thổ cẩm, buộc chỉ cổ tay, khóc khóc cười cười, một cuộc trùng phùng mà đến tận lúc nó diễn ra rồi, vẫn không ai tin là họ lại có thể có được. Bên kia biên giới Lào, ở thị trấn Thảo Nguyên diệu vợi, ông Phẩm nghe tin cũng sung sướng.

Hoàng Thị Phom khóc kể: “Bố đi nhiều năm rồi, mẹ Te lấy bố mới (chồng thứ 2) về, bố mới uống rượu suốt ngày, nghe lời cũng đánh, không nghe lời càng đánh, đi cũng đánh mà ở lại càng đánh, say rượu cũng đánh mà lúc tỉnh cũng chết đòn với ông ấy. Tôi không được cho đi học, đẻ được 12 người con, chồng thì chết sớm. Khổ lắm. Nhà nghèo, mẹ yếu, không có bố, không ai giúp đỡ, mẹ và 3 chị em phải vào rừng đào củ mài rồi cắt măng về ăn chống đói. Nhìn nhà người ta có đủ bố, mẹ, người ta có lương Nhà nước, ba chị em cứ giấu nhau, nhưng ai cũng khóc thầm cả. Không có tiền, nên không ai trong 3 anh em chỉ có Bun Hon là em út được ưu tiên đi học. Học làm giáo viên, dạy được hơn 10 năm thì mẹ bảo thôi ở nhà cày ruộng cho mẹ, chị yếu, mẹ yếu, biết lấy ai chăm sóc và làm ra lúa gạo được?”.

Con cháu ông Phẩm ở bên Lào. 

Anh Bun Hon có 8 người con, giờ đã lên chức ông ngoại, cô con gái lấy chồng ở tận tỉnh Bò Kẹo, giữa khu vực Tam Giác Vàng huyền thoại hôm nay về thăm bố. Xem chùm ảnh, các thước phim mà chúng tôi vừa quay ở thị trấn Thảo Nguyên với lời phát biểu của ông Hoàng Văn Phẩm, cả nhà lặng đi xúc động. Ông Vũ Văn Tú cũng rấm rứt khóc, ông cũng là người gốc Việt, bố ông cũng lưu lạc sang Bắc Lào như ông Phẩm, cuộc trùng phùng sau 60 năm hôm nay làm lòng ông vừa vui vừa héo hắt. Ngẫm nghĩ cả buổi, khóc và cười cả buổi, cuối cùng Bun Hon tổng kết lại một kế hoạch với cô giáo Thu, giọng rất… sái: “Bố già rồi, anh đã hạ bàn thờ bố xuống rồi. Gần 60 năm, bàn thờ đã mục rồi, cái ảnh mẹ Te cũng đã đen xì vì mối mọt rồi. Anh sẽ làm bàn thờ mới cho mẹ. Bao giờ bố chết, em gửi cho anh cái ngày tháng bố ra đi, để anh rước bố về thờ cả bên này nữa”.

Lúc bố Phẩm đi khỏi bản, Bun Hon mới là một phối thai vài ba tháng tuổi, anh chưa bao giờ được gặp mặt bố, cho đến khi bố của anh đậu ở tuổi 92, anh phải đi hàng nghìn cây số rồi khóc rống lên, rồi đi bằng hai đầu gối (theo phong tục kính cẩn của Lào) lết mãi về phía bố. Hai bố con trò chuyện với nhau mấy ngày. Đường đến Luang Nậm Thà vạn trùng mây núi đó, với ông Phẩm, nó là một cõi xa hơn cả lên trời hay xuống địa phủ. Với bà Hoàng Thị Phom ở bản Tùng Khoa, đường sang thị trấn Thảo Nguyên gặp bố, giờ nó cũng diệu vợi như xuống đáy biển hay lên cõi của Phật. Cùng một bầu trời, cùng những dải rừng biên cương, sao biển trời khuất mặt như là… Âm Dương cách biệt vậy nhỉ?

Con đường trắc trở để hai “đàn” con sống ở đất Việt và đất Lào của ông Phẩm đi tìm nhau, đi tìm bố, tìm mẹ, tìm anh chị em đã làm chúng tôi trăn trở. Trong khi đại gia đình bên Lào dựng ông Phẩm đặt lên bàn thờ suốt 60 năm qua, thì ông vẫn sống và vẫn biết là mình cần phải tìm về bản Tùng Khoa xứ Lào để nhận lại vợ và đàn con. Nhưng khó khăn ở nhiều góc độ, nhưng tủi phận vì bao năm tháng xả thân như mình bỗng bị lãng quên đã khiến ông Phẩm không thể cất bước xuyên biên giới lấy một lần. Ông đã chín nẫu ở tuổi 92, mắt quá mờ chân quá chậm. Các con ông Phẩm, cũng vì nhiều thiệt thòi thân phận, người thất học, người đói nghèo quá mức, giờ đây, họ đã biết rõ ông bố họ thờ hơn nửa thể kỷ vẫn đang sống ở thị trấn Thảo Nguyên, nhưng họ không dám tin mình được một lần cất bước sang thăm. Sự cách trở đó, có cái gì thật xót xa, khi mà chúng ta đã đi hết thập niên đầu của thể kỉ 21 như thế này rồi.

Nhưng! Đó không phải là lí do duy nhất để chúng tôi xuyên biên giới, vượt núi cao đèo sâu và những đoạn đường hang hốc vừa khai sơn phá thạch của Bắc Lào để đi tìm gia đình ông Phẩm ở Luang Nậm Thà. Cái làm chúng tôi xúc động nhiều hơn là những viên ngọc lấp lánh trong tâm hồn, nhân cách, số phận khá lạ kì của người cựu binh Hoàng Văn Phẩm. Dường như ông đã vạch trái tim mình ra làm đuốc sáng, như chàng Đan Kô muốn hết lòng vì cộng đồng người Lào và cộng đồng người Việt, từ cái thời hai miền đất này còn chìm đắm trong tai ương của cú diều thực dân và bọn tay sai “theo ngoại bang ăn bơ thừa sữa cặn”.

Ông và đồng đội đã ăn rừng, ngủ thác, đã quật cường chiến đấu rồi bắt trói xử tội quân thù trước đông đảo bà con, trong những đêm đốt lửa giữa bản làng biên cương. Bao khổ ải của thời trứng nước cách mạng đó đã lặn vào số phận ông Phẩm và những người cùng chí hướng với ông. Rồi bánh xe lịch sử lăn, chính các cuộc binh lửa đó đã đốt hết giấy tờ của người cựu binh kia. Không “hồ sơ” đầy đủ, ông bị gạt ra khỏi danh sách những phần thưởng mà lẽ ra ông được nhận. Không phải là tiền, mà quan trọng hơn, đó là sự tôn vinh, tri ân cần thiết.

Chúng tôi quyết đến tận bản Tùng Khoa huyền thoại của ông Phẩm, để xác tín một điều: Vợ và đàn con ông không phải là vợ theo, con rơi sau bước chân của người lính “viễn chinh”, họ lấy nhau bằng tình yêu, nhưng cũng theo yêu cầu và sự cho phép của cách mạng, con cái họ đàng hoàng, bản làng và gia đình yêu kính ông Phẩm. Ông Phẩm và đồng đội của ông đã làm tất cả vì cộng đồng ở đó, và trong suy nghĩ, kí ức của bà con, ông là một người hùng.

Như vậy, không còn nghi ngờ gì nữa: cuộc đời “li kì” của ông Phẩm, với cuộc trùng phùng có một không hai giữa những người đàn ông tóc bạc (ông Phẩm và các con bên Lào) đó đích thị là một trang sử bi tráng, đẹp đến nao lòng. Ông Phẩm đã phát nương, đã ăn thịt chuột chấm xôi và lá cây thành ngạnh cùng bà con, đã chiến đấu diệt Pháp vì bà con, ông là một phần của lịch sử vùng đất đó. Câu chuyện của ông, là một phần lấp lánh, là một sợi chỉ đỏ của những trang sử vùng Luang Nậm Thà thời kì còn nô lệ bởi giặc Pháp.

Trang sử đầy ấn tượng, đầy xúc cảm đó, chúng ta không nên lãng quên, không có lí lẽ nào để lãng quên nó. May thay, trong chúng tôi, trong bà con thị trấn Thảo Nguyên và bản Tùng Khoa xa xôi kia, đầu đuôi câu chuyện nhận đàn con đầu bạc xứ Lào của người cựu binh Hoàng Văn Phẩm… đã rất giống việc tái hiện cả một gia đoạn lịch sử đầy vất vả nhưng cũng đầy oanh liệt của hai dân tộc. Ông Phẩm và những người đồng chí bèn kết thúc cuộc “xả thân” của mình ở trận chiến lẫy lừng mà bất cứ người đàn ông yêu nước nào cũng cảm thấy vinh dự, nếu được tham gia: Trận Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu” vào năm 1954.

Tôi nhớ mãi cảm giác bâng khuâng, xôn xao xúc động của mình, khi dừng lại ở tỉnh lị Udomsay miền Bắc Lào, ở đó, lừng lững trên bầu trời xanh mây trắng là nhóm tượng Tình hữu nghị chiến đấu quân đội hai nước Việt Lào. Tượng không tạc riêng ai cả, không có tên từng người, nó là một biểu tượng giữa bạt ngàn hoa chăm cỏ xén, không gian thật rực rỡ.

“Tình đoàn kết hai nước Việt - Lào đời đời bền vững”, dòng chữ ấy hiện lên trên nền đá xám. Bao mồ hôi, xương máu đã đổ để vun đắp cho tình hữu nghị chiến đấu đó, suốt những chặng đường lịch sử dài dặc. Bỗng dưng, đứng ở đó, tôi nhớ đến ông Hoàng Văn Phẩm. Liệu có ai, có lúc nào, chúng ta đã thật sự lãng quên bao nhiêu cống hiến âm thầm của những người đồng chí như Xít A?

Thị trấn Thảo Nguyên có cái tên thật diễm tình. Ông Hoàng Văn Phẩm, với cá nhân tôi, là một tượng đài, là một trang sử đẹp.


TheoPhạm Thị Thảo GiangTuổi trẻ thủ đô

                       Đại lễ 1000 năm, bạn muốn đăng trên VTC News: 

              - Những lời ngẫu hứng, tự sự, tâm sự... của chính bạn?

                - Những bức ảnh, đoạn video... chỉ mình bạn ghi được?
                                                        
                       - Tin tức, bài viết xoay quanh sự kiện Đại lễ?

                                                            
Hãy gửi đến email
[email protected] 
                                                                        hoặc
[email protected]

Tất cả thông tin bạn gửi sẽ được Ban Biên tập VTC News tiếp nhận, xử lý để đăng tải. Trân trọng!



Bình luận
vtcnews.vn