Bé lớp 4 bị u ngực 'oằn lưng' chăm mẹ ung thư, cha gút

Thời sựThứ Ba, 27/04/2010 11:02:00 +07:00

(VTC News) - Dù đang bị u xơ vòm ngực và phải xin cơm ăn từng bữa trưa, nhưng cô bé lớp 4 vẫn phải thức thâu đêm oằn lưng chăm mẹ ung thư, bố bệnh gút...

(VTC News) - Dù đang bị u xơ vòm ngực và phải xin cơm ăn từng bữa trưa, nhưng cô bé lớp 4 vẫn phải thức thâu đêm oằn lưng chăm mẹ ung thư, bố bệnh gút...

Nghiệt ngã số phận gia đình nghèo

Chúng tôi đến khu KTX Đống Đa, TP Huế vào một ngày tháng 4/2010. Trong ngôi nhà nóng như thiêu đốt của mùa hè miền Trung, 3 người nhà chị Hoàng Thị Lan đang ôm nhau khóc, nước mắt đầm đìa ướt đẫm vai áo. Cả 3 chỉ khóc mà không nói được lời nào.

Sau lời hỏi thăm, chúng tôi được biết, chị Lan vừa khám bệnh về. Lần này, bệnh viện chính thức “trả” chị về vì căn bệnh ung thư giai đoạn cuối của chị đã vô phương cứu chữa. Thời gian sống của chị Lan chỉ còn tính từng giờ từng ngày, mà theo như chị nói “một giờ đối với chị là một tháng, một ngày là một năm”. Rồi chị ôm đứa con nhỏ vào lòng khóc tức tưởi khiến những ai chứng kiến cũng không cầm được nước mắt.

Cả 3 người gia đình chị Lan đều mắc bệnh nguy hiểm và chi phí điều trị rất cao

Chị Lan kể, hai anh chị quê ở xã An Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình vào Huế lập nghiệp từ hồi chưa tách tỉnh Bình Trị Thiên. Lúc ấy chị làm công nhân nhà máy dệt Phú Xuân nhưng sau đó không lâu chị lâm vào cảnh thất nghiệp vì công ty giải thể. Chồng chị, anh Nguyễn Bá Lợi, là ngườilàm thuê thời vụ, ai gọi gì làm nấy vì thế từ khi thất nghiệp, gia đình chị bắt đầu khó khăn trăm bề. Trước kia, đồng lương công nhân dù ít ỏi nhưng tằn tiện cũng đủ trang trải cho nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của gia đình.

Lấy chồng được một thời gian, chị nghe hung tin từ bệnh viện: chồng chị bị bệnh khớp nặng đã chuyển sang bệnh gút mãn tính thậm chí có thể không đi lại được. Cuộc sống chị vốn đã khó khăn giờ lại khó khăn chồng chất khi vừa lo cho 4 miệng ăn và thuốc thang cho chồng. Chị bắt đầu bươn chải kiếm tiền mọi lúc mọi nơi. Không có con hẻm, đường phố nào ở TP.Huế không in dấu bước chân cùng gánh hàng hoa quả rong của chị. Nhưng rồi sức yếu, chị đành phải “đậu” lại một góc chợ xếp Đống Đa, dựng lều bán trái cây.

Tuy nhiên, cuộc sống gia đình vẫn không thay đổi bao nhiêu khi nhu cầu và vật giá tăng cao khiến chị Lan nhiều lúc muốn buông xuôi số phận. Nhưng rồi chị tâm sự: “Nhìn 2 đứa con ăn rau với cơm, thấy chồng nằm lăn lóc vì đau mà ruột gan tôi như thắt lại. Tôi thấy mình cần sống để lo cho gia đình. Nếu tôi có mệnh hệ gì chắc gia đình này không biết ra sao”. Nói đoạn chị khóc nức nở, chị khóc cho thân phận của mình và nỗi đau mà chồng con đang chịu đựng…

Thế nhưng, sự tai quái của số phận không buông tha gia đình  bé nhỏ này. Tai họa lại ập đến khi một ngày cuối năm 2007 chị đổ bệnh. Lúc đầu với những cơn đau bất thường, chị vẫn cố chịu để chạy chợ lo cho gia đình. Đến lúc gục ngã chị mới đi khám ở bệnh viên Trung ương Huế.

Cảm thương trước việc bé Uyên đút cơm cho mẹ ăn khi chị Lan đau yếu 

Do bệnh chị có những biểu hiện khá lạ nên khám qua 3 khoa, bác sỹ chuẩn đoán chị Lan bị lao ruột thừa rồi đưa vào khoa Lao điều trị 3 tháng ròng nhưng vẫn không có kết quả khả quan trong khi bệnh tình càng lúc càng nặng thêm. Đến khi khám ở khoa phụ sản, các bác sĩ ở đây kết luận, chị bị bệnh ung thư buồng trứng giai đoạn cuối.

Cầm kết quả khám bệnh trên tay mà đất dưới chân chị như sụp xuống. Những ngày sau đó, chị suy sụp hoàn toàn. Nhờ chồng con, hàng xóm động viên, chị mới có thể gượng dậy, mong sao một phép màu nào giúp chị chữa khỏi căn bệnh quái ác.

Cũng từ lúc đó, chị Lan xem bệnh viện như ngôi nhà thứ 2. Chị phải trải qua những cuộc chữa trị đau đớn với 6 lần chuyền hóa chất, hai tháng chạy tia ròng rã, những ca mổ thập tử nhất sinh trên giường bệnh. Số tiền chi phí cho bệnh viện lên tới hơn trăm triệu đồng thậm chí có những ngày, tiền chị uống thuốc đã lên tới gần chục triệu. Đó là khoản tiền quá lớn so với cuộc sống và thu nhập bấp bênh của chị Lan. Nợ nần cứ thế ngày càng chồng chất.

Gánh nặng trên vai cô bé học lớp 4

Gia đình chị Lan có 4 người, là hộ nghèo thuộc quản lý của phường Phú Nhuận, TP.Huế. Lúc đầu anh Lợi có đi làm phụ hồ nhưng khi bị bệnh hầu như không làm gì được. Thu nhập của cả nhà hoàn toàn dựa vào chị Lan. Đứa con đầu của anh chị thấy hoàn cảnh ngặt nghèo của gia đình đã bỏ học, vào TP.HCM đi bán cháo thuê nhưng tằn tiện cũng chỉ đủ lo cho bản thân nơi đất khách quê người.

Đứa con gái út của chị, bé Nguyễn Thị Thảo Uyên, năm nay đang học lớp 4 trường tiểu học Lê Lợi cũng bị bệnh u xơ vòm ngực. Dẫu bị bệnh nhưng em hằng ngày vẫn chăm sóc mẹ cha đau yếu. Có những bữa trở trời, cơn đau hành hạ hai vợ chồng anh Lợi, chị Lan làm cho bé Uyên khóc ròng suốt đêm. Đối với Uyên, cảnh thức đêm không ngủ là chuyện thường tình vì em nói: “Sợ mình ngủ sẽ mãi mãi không nhìn thấy ba mẹ nữa”.

Bé Uyên bóp chân cho ba mỗi khi ba bị đau nhức 

Nhìn khuôn mặt trắng trẻo của em, chúng tôi thương xót vô cùng. Mới học lớp 4 nhưng Uyên đã làm được rất nhiều việc. Sau giờ đến lớp, Uyên đảm đương hầu hết một số việc trong nhà mà không chút than phiền. Tuổi thơ của em trải qua trong Uyên cũng sống trong thiếu thốn trăm thứ, tuổi thơ em trải qua nhiều gập ghềnh sóng gió chưa bao giờ em có được bộ quần áo mới trọn vẹn.

Vì học bán trú nên Uyên phải ở lại trường vào buổi trưa nhưng vì gia đình khó khăn nênem không có tiền mua cơm ăn trưa. Sau khi cô giáo chủ nhiệm và thầy hiệu trưởng về thăm gia đình Uyên, cảm thương trước hoàn cảnh của em nên bảo Uyên từ nay đi học mang theo một cái bát, một cái muỗng đến bữa trưa cô xin các bạn mỗi người một muỗng cho em ăn. Vậy là những ngày đến lớp, Uyên mang theo chén bát đi từng người bạn xin cơm để lót dạ. Bé Uyên tâm sự: “Em không thấy xấu hổ đâu, nhà em nghèo em phải xin các bạn ăn thôi, phải ăn mới có sức lo cho ba mẹ nữa chứ nhà em hết tiền rồi”.

Với người phụ nữ thì cái đẹp luôn là niềm ao ước, vậy mà chị Lan bây giờ cũng không dám soi gương vì đầu tóc đã rụng hết, lông mi cũng không còn, da vàng sạm vì thuốc và bệnh tật.

Để theo tiếp những lần chữa trị tiếp theo, chị Lan tính bán đi căn phòng chỉ vỏn vẹn 25m2 ở tầng 3 KTX Đống Đa. Song, đây cũng là điều chị đau đáu nhất trong lòng vì căn phòng là tài sản suy nhất có giá trị của gia đình chị. Chị nói: “Tôi chữa bệnh không biết sống chết ra sao, nếu vì chữa bệnh cho tôi rồi sau đó chồng con tôi chẳng biết trú chân vào đâu thì sao tôi nỡ…”.

Bé Uyên tự tay viết lá đơn xin sự giúp đỡ của các tổ chức hảo tâm.

Cảm thương trước hoàn cảnh khốn khó của gia đình chị Lan, bà con lối xóm đã san sẻ những lon gạo, ổ bánh mì giúp chị cầm cự những bữa cơm qua ngày. Chị Hoàng Thị Phương Linh, trú tại khu KTX Đống Đa -  cho biết: “Tôi sống ở đây cũng lâu rồi nên hiểu hoàn cảnh của chị Lan, cả gia đình ai cũng mang bệnh tật, hằng ngày không có ai đi làm nên thu nhập hầu như không có. Ai thương tình thì góp cho một ít đồ ăn, cơm rồi mang lên làm bữa ăn cho chị. Còn không thì có nhiều bữa gia đình chị ấy nhịn đói vì không có tiền đi chợ”.

Vừa rồi bé Uyên đã được đưa đi phẫu thuật chữa u xơ vòm ngực nhưng sức khỏe vẫn còn rất yếu, dẫu có bảo hiểm nhưng gia đình chị Uyên vẫn phải bỏ ra khoản tiền không nhỏ để chạy chữa cho em.

Chị Lan cho biết sắp tới chị phải lên bệnh viện Trung ương Huế chuyền thêm 6 lần hóa chất nữa. Vậy nhưng hiện chị không có một khoản tiền nào chưa kể số nợ cũ vẫn làm chị lo lắng. Điều chị Lan mong mỏi nhất bây giờ là có một phép màu nào đó giúp gia đình chị vượt qua hoàn cảnh bi đát hiện tại và bé Uyên được học hành tới nơi tới chốn vì cháu tuy nhỏ tuổi nhưng rất ngoan và hiếu thảo.

Qua bài viết này, VTC News mong muốn bạn đọc và các nhà hảo tâm giúp gia đình chị Hoàng Thị Lan vượt qua hoàn cảnh ngặt nghèo hiện tại.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi theo địa chỉ: Hoàng Thị Lan, Khu tập thể 18 Đống Đa, phòng 309 Nhà B, Phường Phú Nhuận, TP.Huế.





Trần Viết Long

Bạn từng biết hay từng nghe kể về trường hợp khó khăn nhưng vẫn vươn lên trong cuộc sống nào khác. Hãy chia sẻ cảm nhận của mình về bài viết bằng cách nhấp vào Viết thảo luận về bài báo dưới đây. Gõ tiếng Việt có dấu để được đăng tải. Trân trọng.

Bình luận
vtcnews.vn