Bé 8 tuổi bị động kinh hiếm gặp bỗng dưng cười hàng chục lần mỗi ngày

Sức khỏeThứ Ba, 09/05/2017 17:31:00 +07:00

PGS.TS Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Thần kinh, Bệnh viện Việt Đức cho biết, viện vừa thực hiện thành công ca phẫu thuật nội soi chữa động kinh đầu tiên tại Việt Nam cho cháu Nguyễn Đình Phúc, mắc chứng động kinh ở thể cười.

Ngày 8/5, bé Nguyễn Đình Phúc (8 tuổi, trú tại Thành Chương, Nghệ An) quay trở lại Bệnh viện Việt Đức để tái khám sau ca phẫu thuật nội soi chữa động kinh được thực hiện vào ngày 25/4 vừa qua.

Theo các bác sỹ tại Bệnh viện Việt Đức, đây là ca phẫu thuật nội soi chữa động kinh đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam bằng phương pháp Delalande.

Cháu Phúc bị mắc bệnh động kinh từ khi 2 tuổi, với triệu chứng là cười không kiểm soát và cười từng cơn liên tục suốt cả ngày. Theo anh Nguyễn Đình Chiến, bố của cháu Phúc, hồi nhỏ, cháu hay có biểu hiện quấy khóc. Khi lớn dần, cháu bắt đầu cười nhiều hơn.

Thông thường, cháu cười khoảng 4 - 5 cơn mỗi ngày, có hôm đến chục cơn, mỗi cơn kéo dài khoảng 30 giây đến 1 phút, đang cười thì dừng lại đột ngột rồi lại tiếp tục cười.

Càng về sau, biểu hiện bệnh của cháu càng nặng dần. Thời gian cười mỗi cơn cũng tăng lên vài phút. Khoảng 1, 2 năm trở lại đây, cháu bắt đầu mất dần ý thức.

Xót con, gia đình đã đưa cháu Phúc đến các bệnh viện tuyến tỉnh ở Nghệ An để khám thì được chẩn đoán là mắc bệnh động kinh và cho điều trị bằng thuốc.

Trong thời gian đầu điều trị, cháu có dấu hiệu đỡ hơn nhưng sau đó lại trở về như cũ. Đến hè năm 2016, gia đình chuyển cháu sang Bệnh viện Việt Đức thì mới phát hiện ra nguyên nhân gây bệnh động kinh là do cháu có một khối thịt thừa trong não.

Hinh anh  4

 Bác sĩ Hệ cho xem ảnh chụp cộng hưởng từ khối thịt thừa của cháu Phúc. (Ảnh: Quỳnh Chi)

Theo PGS.TS Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Thần kinh, Bệnh viện Việt Đức: "Động kinh là một dạng tổn thương đến từ một khối thịt thừa trong não (tiếng Anh gọi là Harmatoma). Tuy nhiên, đó không phải là khối u.

Chúng gây nên rất nhiều dạng triệu chứng khác nhau. Trong đó, phổ biến nhất là rối loạn ngôn ngữ, rối loạn hành vi, dậy thì sớm, trí não phát triển không bình thường...; tuy vậy, động kinh ở thể cười như cháu Phúc thì rất hiếm gặp".

Cũng theo PGS.TS Hệ, để phát hiện khối u giả trong não này vô cùng khó, bởi kích thước của nó rất bé. Để chẩn đoán hình ảnh một cách chính xác, bắt buộc phải dùng kỹ thuật chụp cộng hưởng từ vì chụp cắt lớp hầu như sẽ không nhìn thấy gì. Trong một số trường hợp, chụp cộng hưởng từ cũng không phát hiện ra. 

Sau khi phát hiện khối u giả nằm trong não là nguyên nhân dẫn đến bệnh động kinh thể cười của cháu Phúc, Bệnh viện đã tiến hành kiểm tra tình trạng sức khỏe của cháu, từ đó quyết định thực hiện phương pháp mổ nội soi, cắt đi một phần khối thịt thừa trong não.

Hinh anh  7

 PGS.TS Hệ trong buổi trò chuyện với báo chí về ca phẫu thuật của cháu Phúc. (Ảnh: Quỳnh Chi) 

Theo PGS.TS Hệ, về phương pháp nội soi não, Viện đã áp dụng thực hiện từ năm 2003, đến năm 2010 đã phẫu thuật nhiều ca bệnh bằng phương pháp nội soi. Tuy nhiên, phương pháp mổ nội soi để điều trị động kinh thì vẫn còn rất mới, và ca phẫu thuật cho cháu Phúc là ca điều trị động kinh đầu tiên được thực hiện bằng phương pháp này.

Tham gia cuộc phẫu thuật này còn có Giáo sư người Pháp Olivier Delalande, người được mệnh danh là cha đẻ của phương pháp mổ nội soi não chữa động kinh trên thế giới.  

Khác với những ca phẫu thuật khác, nội soi não có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro. Động kinh không phải là bệnh nguy hiểm đến tính mạng, do vậy, nếu cứ mạo hiểm mổ nội soi não thì có thể động chạm đến những vùng quan trọng xung quanh (vùng dưới đồi), gây ra nhiều tai biến nghiêm trọng như mất trí, bại liệt...

Mặc dù các bác sĩ vẫn khuyến cáo rằng, bệnh nhân động kinh nên được mổ càng sớm càng tốt, nhưng quyết định cho bệnh nhân mổ vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, phải tùy thuộc vào tình trạng bệnh cũng như thể trạng sức khỏe của bệnh nhân.

Bên cạnh đó, mổ nội soi chữa động kinh cũng phải được thực hiện bởi các bác sĩ có trình độ chuyên môn cao tại các cơ sở y tế lớn, giảm thiểu tối đa tỷ lệ rủi ro gặp phải các biến chứng.

Trong ca mổ nội soi của cháu Phúc, các bác sĩ chỉ cắt đi 1 phần mô thừa ra khỏi não để tiến hành sinh thiết vật phẩm chứ không cắt đi toàn bộ khối thịt thừa bởi như vậy sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng của cháu bé.

Hiện tại, sức khỏe của cháu Phúc sau ca phẫu thuật nội soi tiến triển khá tốt. Theo anh Nguyễn Đình Chiến, bố của cháu Phúc, gia đình chỉ cho cháu sử dụng thuốc giảm đau vài hôm đầu sau khi mổ, đến nay, cháu đã không còn thấy đau nữa. Cháu cũng đã không còn cười từng đợt một cách vô thức như trước mà thay vào đó là nụ cười rất trong sáng, hồn nhiên.

Hinh anh  8

 Anh Nguyễn Đình Chiến cùng bé Phúc tại bệnh viện khi quay trở lại tái khám. (Ảnh: Quỳnh Chi) 

Hiện, tại Trung tâm Phẫu thuật thần kinh Bệnh viện Việt Đức vẫn còn 3 cháu bé mắc bệnh động kinh. Các bác sĩ cũng đang rất xem xét để có thể thực hiện phẫu thuật cho các cháu tiếp theo trong thời gian sớm nhất, để các cháu trở về với cuộc sống bình thường, không còn nỗi lo ngại, mặc cảm và tự ti khi giao tiếp với bạn bè và mọi người xung quanh.

Video: Trêu nhầm kẻ động kinh, bé 9 tuổi bị chém chết thương tâm

Quỳnh Chi
Bình luận
vtcnews.vn