Bé 13 tháng tuổi nguy hiểm tính mạng do mẹ theo phong trào 'anti vắc xin'

Sức khỏeThứ Năm, 21/02/2019 16:09:00 +07:00

Chỉ vì tin vào lời chia sẻ của nhiều người trên mạng xã hội, không ít các bà mẹ trẻ phải ân hận suốt đời khi không cho con đi tiêm phòng sởi, khiến trẻ bệnh “nặng càng thêm nặng”.

Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh viện đang tiếp nhận và điều trị cho khoảng hơn 30 bệnh nhi mắc sởi nặng. Trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận từ 3 đến 5 ca sởi, chủ yếu là trẻ em.

Điều đáng nói, nguyên nhân chủ yếu do trẻ không được đưa đi tiêm vắc xin đầy đủ chỉ vì tâm lý chủ quan, lo sợ và tin theo phong trào “anti vắc xin” của các phụ huynh.

bac si kinh

 Theo bác sĩ Kính, phụ huynh không nên chủ quan trong việc điều trị sởi cho con em mình (Ảnh: Phạm Quý)

Điển hình là trường hợp của bé T.M.C. (13 tháng tuổi, trú tại Đoan Hùng, Phú Thọ) nhập viện trong tình trạng sốt cao 38,5 độ, ho, chảy nước mũi, phát ban toàn thân. Mẹ của bé tin theo thông tin được lan truyền từ các bà mẹ khác trên mạng xã hội, lo sợ con bị phản ứng sau khi tiêm nên đã không cho trẻ tiêm phòng.

Theo TTND. PGS. TS Nguyễn Văn Kính – Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, dịch sởi năm nay đang bùng phát trên diện rộng tới 44 tỉnh/ thành phố trong cả nước. Riêng TP.HCM, dịch sởi đã lây lan cho 22.000 người. Còn ở Hà Nội, ghi nhận khoảng hơn 150 ca mắc sởi.

“Dịch sởi lây lan rất nhanh và để lại biến chứng, hậu quả rất nặng nề, trong đó có viêm phổi, viêm phế quản, tắc thở, thậm chí viêm não, mất mạng…

Tuy nhiên, bệnh hoàn toàn có thể chăm sóc tại nhà theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Thường theo đúng phương pháp, trẻ sẽ khỏi sau 7 - 10 ngày tùy thể trạng”, bác sĩ Kính nói.

tiem phong soi 3

 Khi trẻ đến tuổi, cha mẹ nên đưa trẻ đi tiêm phòng đẩy đủ. (Ảnh: Soha)

Cũng theo bác sĩ Kính, hiện nay, có rất nhiều các bậc cha mẹ đang quá chủ quan dẫn đến sai lầm trong việc điều trị bệnh cho trẻ, nghe mạng xã hội không đưa trẻ đi tiêm khiến trẻ bệnh “nặng càng thêm nặng”.

Thậm chí, có người dù biết con có bệnh vẫn để chữa trị tại nhà mà kiêng tắm, kiêng nước, điều này thực sự rất nguy hiểm vì có thể khiến trẻ bị viêm kết mạc hay bội nhiễm trên da, dẫn tới các bệnh nguy hiểm khác nếu không được vệ sinh sạch sẽ và ăn uống đầy đủ.

Do vậy, theo bác sĩ Kính, khi phát hiện trẻ sốt cao, phát ban, khó thở, thân nhiệt không ổn định thì cha mẹ cần nghĩ ngay tới bệnh sởi và cần đưa con tới ngay bệnh viện nơi gần nhất để được khám, tư vấn và điều trị đúng phương pháp. Tránh chủ quan, chữa mẹo hoặc tự chữa ở nhà dễ khiến trẻ bị biến chứng nguy hiểm.

Theo bác sĩ Kính, với bệnh sởi, việc phòng bệnh vẫn là tối quan trọng, để giảm bớt nguy cơ nhiễm bệnh. Do đó, trước khi mang thai, phụ nữ nên được tiêm phòng sởi để có miễn dịch cho con.

Ngoài ra, đối với những trẻ đã đến tuổi tiêm vắc xin, cha mẹ cần đưa trẻ đi tiêm đầy đủ, không nên quá lo lắng về phản ứng hay nghe theo người khác cảnh báo trên mạng xã hội mà không dám đưa con đi khám, dẫn đến nhiều trẻ bị mắc sởi, dịch sởi càng thêm khó kiểm soát.

“Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang kêu gọi khắp các quốc gia cần tiêm phòng sởi, nhưng một số nước lại đang có phong trào anti vắc xin. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến dịch sởi phát triển và khó kiểm soát hơn.

Phụ huynh không nên quá lo lắng, khi trẻ đến tuổi, hay đưa trẻ đến trung tâm y tế được cấp phép tiêm chủng vắc xin để tiêm, phòng ngừa cho trẻ, tránh để trẻ nhiễm sởi trong khi có thể tự phòng bệnh”, bác sĩ Kính nói.

Video: TP. HCM, 95% ca mắc sởi do phong trào "anti vắc xin" của phụ huynh

 

Phạm Quý
Bình luận
vtcnews.vn