Bầu Kiên không thừa nhận tội danh do Viện Kiểm sát truy tố

Pháp luậtThứ Ba, 20/05/2014 05:40:00 +07:00

(VTC News) – Bầu Kiên phát biểu trước tòa: “Tôi cho rằng toàn bộ cáo trạng của VKSND tối cao đều không chính xác, không đúng pháp luật."

(VTC News) – Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân công bố tại tòa đã chỉ rõ quá trình phạm tội của bầu Kiên và các đồng phạm.

14h chiều nay, phiên tòa xét xử Nguyễn Đức Kiên ("bầu" Kiên) và đồng phạm tiếp tục với phần xét hỏi. Mở đầu phần xét hỏi, đại diện Viện kiểm sát công bố cáo trạng truy tố các bị cáo tại tòa
Theo cáo trạng, bị cáo Nguyễn Đức Kiên (tức bầu Kiên), nguyên Phó Chủ tịch HĐQT, Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập ACB, bị truy tố bốn tội danh “kinh doanh trái phép; cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; lừa đảo chiếm đoạt tài sản; trốn thuế”.


 Đại diện VKS công bố cáo trạng

Hai bị cáo Trần Ngọc Thanh, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội; Nguyễn Thị Hải Yến, kế toán trưởng Công ty Cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội, bị truy tố về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.


Các bị cáo Trần Xuân Giá, nguyên Chủ tịch HĐQT ACB; Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, đều nguyên Phó Chủ tịch ACB; Lý Xuân Hải, nguyên Tổng Giám đốc ACB, bị truy tố về tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Cáo trạng của Viện KSND tối cao nêu rõ bị cáo Nguyễn Đức Kiên là Chủ tịch Hội đồng đầu tư ACB từ năm 2003 đến tháng 8/2012, Phó Chủ tịch HĐQT ACB từ 1994-2008. Năm 2007, bầu Kiên đề nghị HĐQT lập Hội đồng sáng lập ACB và làm Phó Chủ tịch.

Dù không được Ngân hàng Nhà nước chuẩn y nhưng với chức danh này và là đại diện cho nhóm cổ đông chiếm 9,03% vốn điều lệ của ACB, Nguyễn Đức Kiên có vai trò chỉ đạo, chi phối toàn bộ hoạt động quản trị, điều hành của ACB.


Ngoài ra, bầu Kiên còn thành lập, đồng thời là Chủ tịch HĐQT và Hội đồng thành viên của sáu công ty gồm: Công ty CP Phát triển Sản xuất và Xuất nhập khẩu Thiên Nam, Công ty CP Đầu tư Thương mại B&B (B&B), Công ty CP Tập đoàn Tài chính Á Châu (AFG), Công ty CP Đầu tư ACB Hà Nội (ACBI), Công ty CP Đầu tư Á Châu (ACI) và Công ty TNHH Đầu tư Tài chính Á Châu Hà Nội (ACI-HN).

Nguyễn Đức Kiên trực tiếp chỉ đạo, điều hành hoạt động các công ty này. Với quyền lực trong tay tại ACB và ở sáu công ty của mình, bầu Kiên đã thực hiện việc kinh doanh trái phép hàng chục nghìn tỷ đồng và nhiều hành vi phạm tội khác.

Theo Viện KSND tối cao, tổng số tiền thiệt hại do Nguyễn Đức Kiên gây ra được xác định là 1.696 tỷ đồng, chưa kể hơn 433 tỷ đồng tiền lỗ kinh doanh vàng của Công ty Thiên Nam đến nay chưa trả được.

Theo cáo trạng, Nguyễn Đức Kiên đã sử dụng 4 công ty B&B, AFG, ACBI, ACI, ACI-HN dù không có chức năng nhưng vẫn kinh doanh tài chính với số tiền gần 10.000 tỷ đồng.

Cụ thể, ngày 30/11/2010, Nguyễn Đức Kiên đã phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu của Công ty B&B và bán cho ACB. Số tiền này Công ty B&B chuyển 426,3 tỷ đồng cho Nguyễn Thúy Hương (em gái Kiên) để mua 36 triệu cổ phiếu Công ty CP bất động sản Hòa Phát - Á Châu.

Nguyễn Đức Kiên ủy thác cho vợ là Đặng Ngọc Lan 39 tỷ đồng và hai cá nhân khác 285,6 tỷ đồng mua cổ phiếu của Ngân hàng CP Việt Nam Thương Tín (VietBank).

Bị cáo Nguyễn Đức Kiên tại phiên tòa chiều nay 

Còn lại, bầu Kiên ủy thác hoặc chuyển cho các công ty, cá nhân mua cổ phần của các công ty khác. Tổng cộng, Công ty B&B mua cổ phần, góp vốn vào các công ty khác gần 2.349 tỷ đồng.


Tương tự, Nguyễn Đức Kiên sử dụng pháp nhân Công ty ACBI phát hành 800 tỷ đồng trái phiếu bán cho ACB. Tiền thu được từ ACB, công ty này chi gần 700 tỷ đồng để nhận chuyển nhượng 9,67 triệu cổ phiếu Ngân hàng CP Kỹ Thương (Techcombank) từ 12 cá nhân. Số còn lại, ACBI chuyển cho Công ty ACI vay để mua cổ phiếu Ngân hàng Xuất nhập khẩu VN (Eximbank).

Cùng với phát hành trái phiếu để mua cổ phiếu ngân hàng, bầu Kiên còn chỉ đạo ACBI đầu tư hàng trăm tỷ đồng và nắm cổ phần ở hàng loạt công ty như Công ty CP Ximăng Hòa Phát, Công ty CP Thương mại Dịch vụ Bắc Qua, Công ty CP Thương mại Lãng Yên, Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh Siêu thị Á Châu... Riêng tại ACBI, Viện KSND tối cao cáo buộc Nguyễn Đức Kiên kinh doanh trái phép hơn 1.433 tỷ đồng.

Tại Công ty AFG, bị cáo Nguyễn Đức Kiên chỉ đạo sử dụng số vốn điều lệ 3.200 tỷ đồng để mua 160.000 trái phiếu của ACB. Sau đó đến tháng 3/2008, Công ty AFG phát hành 400 tỷ đồng trái phiếu đợt 1 và bán cho Ngân hàng CP Phương Nam.

Lấy được tiền từ ngân hàng, Nguyễn Đức Kiên sử dụng số tiền này đầu tư vào các công ty nằm trong hệ thống của mình. Tổng số tiền kinh doanh tài chính trái quy định tại AFG của Nguyễn Đức Kiên lên đến 4.068 tỷ đồng.


Tại Công ty ACI, sau khi nhận được hơn 190 tỷ đồng từ Công ty B&B, 63 tỷ đồng từ Công ty AFG, Nguyễn Đức Kiên chỉ đạo mua 37,5 triệu cổ phần của Công ty CP Đầu tư và Thương mại Nhà Rồng, mua 6,375 triệu cổ phần của Công ty CP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn.


Bên cạnh đó, để đầu tư cổ phiếu Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), ngày 10/3/2008 ACI phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu bán cho Ngân hàng Phát triển nhà ĐBSCL. ACI chi 350 tỷ đồng cho mười công ty để đầu tư cổ phiếu Sabeco.

Không thua kém các công ty khác, ACI-HN cũng phát hành trái phiếu bán cho ngân hàng để lấy tiền đầu tư tài chính. Ngày 29/7/2010, ACI-HN phát hành 350 tỷ đồng trái phiếu và bán liền tay cho VietBank, sau đó tiền được chuyển cho Công ty TNHH chứng khoán ACB (ACBS) để mua lại gần 11 triệu cổ phiếu ACB. Đến ngày 10/11/2010.

ACI-HN phát hành 11 triệu trái phiếu, sau đó bán 6,5 triệu trái phiếu cho ACB được 650 tỷ đồng và chuyển cho các ông Nguyễn Văn Hòa (kế toán trưởng ACB), Đỗ Minh Toàn (thành viên hội đồng thành viên ACBS), Lê Vũ Kỳ, Huỳnh Vân Sơn để đứng tên thay cho Nguyễn Đức Kiên mua cổ phần Ngân hàng Đại Á (DaiABank). Một phần khoản tiền trên tiếp tục được ACI-HN ủy thác cho ACB 58,5 tỷ đồng để mua 58.500 cổ phiếu của VietBank.

Ngoài tiền bán trái phiếu, ACI-HN còn sử dụng tiền của mình, ủy thác cho ACB mua 17.500 cổ phiếu của VietBank; sử dụng 198 tỷ đồng thông qua các ông Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang, Đàm Văn Tuấn đứng tên mua 19,8 triệu cổ phiếu KienLongBank; sử dụng hơn 129 tỷ đồng và thông qua các ông Đỗ Minh Toàn, Nguyễn Văn Hòa, Huỳnh Vân Sơn để mua gần 20 triệu cổ phần DaiABank.

Như vậy, hầu hết thành viên HĐQT của ACB đều được Nguyễn Đức Kiên nhờ mua hộ cổ phần tại các ngân hàng khác. Đó là chưa kể ACI-HN còn chi hơn 234 tỷ đồng để mua gần 16 triệu cổ phiếu Eximbank trên sàn giao dịch chứng khoán...

Ngoài việc kinh doanh tài chính trái phép, Nguyễn Đức Kiên còn chỉ đạo kinh doanh vàng dù Công ty Thiên Nam không có chức năng kinh doanh vàng. Công ty này bị thua lỗ hơn 433 tỷ đồng.

Cũng liên quan đến hành vi kinh doanh vàng, Viện KSND tối cao cáo buộc Nguyễn Đức Kiên trốn thuế hơn 25 tỷ đồng khi lợi dụng chủ trương miễn thuế thu nhập cá nhân sáu tháng đầu năm 2009 bằng cách chuyển lợi nhuận từ công ty sang cho cá nhân.

16h, sau khi Viện Kiểm sát công bố cáo trạng, bầu Kiên phát biểu: “Tôi bị truy tố vì 4 tội danh. Tôi cho rằng toàn bộ cáo trạng của VKSND tối cao đều không chính xác, không đúng pháp luật.”

Các bị cáo Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang, Lý Xuân Hải, Huỳnh Quang Tuấn đều cho rằng mình bị truy tố vì tội làm trái các quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng là không chính xác, không thỏa đáng.

Bị cáo Trần Ngọc Thanh, Nguyễn Thị Hải Yến cũng cho rằng việc quy tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với mình là chưa chính xác.


Đến 16h30, HĐXX bắt đầu thẩm vấn các bị cáo bị truy tố về tội "Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản". Tòa đề nghị cách ly hai bị cáo Nguyễn Thị Hải Yến và Nguyễn Đức Kiên sang phòng chờ khác. Phiên tòa tiếp tục diễn ra với phần thẩm vấn bị cáo Trần Ngọc Thanh.

Trả lời tòa, bị cáo Trần Ngọc Thanh cho biết, bị cáo là giám đốc công ty Cổ phần đầu tư ACB Hà Nội (Công ty ACBI) do Nguyễn Đức Kiên là Chủ tịch HĐQT. Từ 3-6 tháng, HĐQT họp một lần. Vai trò của chủ tịch HĐQT là cao nhất.

Bị cáo Thanh cho biết công ty ACBI có 24 triệu cổ phần. Số cổ phần này đã thế chấp cho ngân hàng ACB từ tháng 3-2008.

Tòa hỏi ai là người trực tiếp kí số cổ phần này đi thế chấp cho ACB, bị cáo Thanh trả lời không biết.


Tòa đặt nhiều câu hỏi làm rõ về thủ tục thế chấp cổ phần cho ngân hàng. Bị cáo Thanh cho biết số cổ phần này trước đây là cổ phần của Công ty Thép Hòa Phát, được ACBI mua lại.

Bị cáo có nói rõ với công ty Thép Hòa Phát là số cổ phần này đã thế chấp cho ACB không? - Tôi không trực tiếp đàm phán. Chủ trương thỏa thuận, đàm phán do Chủ tịch HĐQT (Bầu Kiên) đàm phán.

Bị cáo Trần Ngọc Thanh.

Mặc dù số cổ phần này đã được thế chấp cho ACB nhưng sao công ty ACBI vẫn kí hợp đồng chuyển nhượng cho công ty Thép Hòa Phát? Bị cáo Thanh cho biết, trước khi kí hợp đồng chuyển nhượng cổ phần cho công ty Thép Hòa Phát, công ty ACBI không họp HĐQT, chỉ có văn bản thể hiện chủ trương của HĐQT bán số cổ phần này. Tòa cho biết có biên bản họp HĐQT trong hồ sơ, dù thực tế không có cuộc họp.

Ngày 21/5/2012, công ty Thép Hòa Phát và ACBI ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, dù chưa có sự đồng ý của ngân hàng ACB, tại sao? Trả lời câu hỏi này, bị cáo Thanh đáp do "tin tưởng kế toán và Chủ tịch HĐQT” và “cũng chính vì sai lầm này mà bị cáo phải đứng trước vành móng ngựa”.

Theo bị cáo Thanh, bị cáo nghĩ ở ngân hàng ACB và ở công ty ACBI thì Bầu Kiên có vai trò, uy tín rất lớn nên tin là mọi việc làm đều đúng thủ tục. Bị cáo Thanh cho rằng trách nhiệm thông báo cho ACB về việc chuyển nhượng cổ phần là của trách nhiệm của ông Nguyễn Đức Kiên.

Sau phần thẩm vấn bị cáo Thanh, HĐXX chuyển sang phần thẩm vấn bị cáo Lê Thị Hải Yến và tạm nghỉ phiên xử vào lúc 17h30'. Ngày mai, tòa tiếp tục làm việc.

Nguyễn Dũng – Minh Chiến

Bình luận
vtcnews.vn