Bầu Đức và những đại gia Việt khai phá thị trường Myanmar

Thể thaoThứ Tư, 04/12/2013 08:03:00 +07:00

(VTC News)- Rất nhiều doanh nghiệp của Việt Nam đã mạnh dạn đầu tư vào Myanmar, một thị trường đầy tiềm năng.

(VTC News) - Rất nhiều doanh nghiệp của Việt Nam đã mạnh dạn đầu tư vào Myanmar, một thị trường đầy tiềm năng.

Tính đến hết tháng 6/2013, Việt Nam đã có 23 doanh nghiệp được cấp phép hoạt động tại Myanmar với 14 văn phòng đại diện, 3 chi nhánh công ty và 6 công ty liên doanh. Việt Nam cũng đã có 6 dự án được cấp phép đầu tư với tổng giá trị hơn 600 triệu USD chủ yếu ở các lĩnh vực ngân hàng-tài chính, xây dựng, bất động sản…
Lá cờ đầu Hoàng Anh Gia Lai
Có thể nói bầu Đức là doanh nghiệp Việt Nam đặt nhiều hy vọng nhất vào thị trường Myanmar khi quyết định đầu tư gần nửa tỷ USD để xây khu phức hợp tại trung tâm của cố đô Yangon.

Trước đó, một mảnh đất “vàng” tại khu vực trung tâm của thành phố sầm uất và phát triển nhất đất nước này đã được bầu Đức mua lại với giá chỉ 750USD/m2, hứa hẹn mang về một khoản lợi nhuận khổng lồ sau khi dự án được hoàn thành nhất là trong bối cảnh giá nhà đất ở Myanmar đang tăng mạnh trong thời gian gần đây.
Khu phức hợp của HAGL tại Yangon. 

Để thực hiện dự án này, Hoàng Anh Gia Lai đã chuyển hàng tấn thiết bị từ Việt Nam sang theo đường biển, với quyết tâm hoàn thành giai đoạn 1 của dự án vào quý II năm sau. Khi đó, khu phức hợp Hoàng Anh Gia Lai Myanmar Centre sẽ trở thành một trong những trung tâm thương mại, nhà ở lớn nhất ở cố đô nước này, mang lại nguồn thu lớn cho bầu Đức trong bối cảnh thị trường bất động sản ở Việt Nam đang rất trầm lắng.
Tập đoàn Hoa Sen và bóng đá Myanmar
Ở Việt Nam, cái tên Hoa Sen đã trở nên quen thuộc với người hâm mộ trái bóng tròn từ lâu khi liên tục tài trợ cho giải Hạng Nhất Quốc gia và giải U19 trong những năm vừa qua. Nhưng ít người để ý rằng tập đoàn này đã tài trợ cho bóng đá Myanmar từ năm 2010 với một bản hợp đồng có trị giá 300.000 USD kéo dài trong 3 năm. Số tiền này chủ yếu được chuyển cho đội tuyển bóng đá nam và đội Olympic nước này tập luyện và thi đấu.
Bên cạnh việc duy trì xuất khẩu sang thị trường đầy tiềm năng này, tập đoàn Hoa Sen cũng đã quyết định đầu tư xây dựng nhà máy sản xất tôn, thép, vật liệu xây dựng với tổng số vốn đầu tư khoảng 300 triệu USD.
Ngân hàng Việt tiếp cận thị trường
Có dân số gần 60 triệu người nhưng người dân Myanmar vẫn có thói quen dùng tiền mặt trong giao dịch hàng ngày và tính trong cả nước cũng chỉ có chưa đầy 20 ngân hàng tư nhân hoạt động. Số lượng các điểm giao dịch ít trong khi nhu cầu của người dân tăng mạnh trong những năm vừa qua biến Myanmar trở thành một thị trường béo bở với các ngân hàng nước ngoài.

Thị trường Myanmar đang mở ra nhiều cơ hội làm ăn cho các doanh nghiệp Việt Nam. 

Nắm bắt xu thế đó, hai ngân hàng lớn của Việt Nam là Vietinbank và BIDV đã nhanh chân tiếp cận và đưa thương hiệu của mình tới với thị trường Myanmar. Vietinbank đã nhận được giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của văn phòng đại diện tại Myanmar từ giữa năm 2013, trong khi BIDV ngoài việc hợp tác làm ăn với một số đối tác ở đây còn liên tục tổ chức các đoàn khảo sát cho doanh nghiệp Việt Nam sang Myanmar tìm cơ hội đầu tư.
Tập đoàn ASV Holdings
Hồi đầu năm nay, tập đoàn ASV Pharma, một thành viên của ASV Holdings đã ký hợp đồng liên doanh với Myanmar Entrepreneur Investment Group để đầu tư sản xuất thuốc kháng sinh, thuốc tiêm và dịch truyền với tổng giá trị 20 triệu USD. Đây là một lĩnh vực đầy tiềm năng bởi từ nhiều năm nay, Myanmar đã phải đối mặt với tình trạng thiếu thuốc men và thường xuyên nhập khẩu từ các nước láng giềng như Ấn Độ hay Thái Lan.
Ngoài ra, tập đoàn ASV Holdings cũng ký biên bản ghi nhớ với Hội nghề cá Myanmar và được giao 9 hòn đảo, 2000 ha mặt nước để nuôi thủy sản và được giao quyền đánh bắt cá ngừ ở đây. Trong lĩnh vực nông nghiệp còn có sự hiện diện của công ty Viettranimex, sau khi ký hợp đồng trong lĩnh vực sản xuất giống và kinh doanh nông nghiệp có trị giá 15 triệu USD với đối tác là Sann Shwe Li bên phía Myanmar.

Chí Thiện
Bình luận
vtcnews.vn