Bầu Đức 'quên' chức phó chủ tịch VFF?

Thể thaoThứ Sáu, 18/09/2015 02:00:00 +07:00

Bầu Đức bị chỉ trích là “quên” trách nhiệm ở VFF, nơi ông đang đảm nhiệm cương vị Phó chủ tịch phụ trách tài chính, vốn vô cùng quan trọng.

Bầu Đức bị chỉ trích là “quên” trách nhiệm ở VFF, nơi ông đang đảm nhiệm cương vị Phó chủ tịch phụ trách tài chính, vốn vô cùng quan trọng.

Nhiệm kỳ VII của VFF từng được chờ đợi sẽ thổi 1 luồng gió mới vào đời sống bóng đá Việt Nam với sự xuất hiện của các doanh nhân kỳ cựu. Hai gương mặt được nhắc đến nhiều nhất không ai khác, chính là Chủ tịch Lê Hùng Dũng và Phó chủ tịch phụ trách tài chính, ông bầu Đoàn Nguyên Đức.

Nếu như ông Dũng còn nặng hơi hướng nhà nước thì bầu Đức là doanh nhân “xịn”. Không phải ông Dũng mà ông Đức mới là gương mặt doanh nhân “mới toanh” ở VFF. Chính sự ủng hộ của ông Đức được coi là một trong những lý do khiến ông Lê Hùng Dũng thu thêm được phiếu tín nhiệm cho chiếc ghế Chủ tịch VFF khoá VII, bên cạnh những cống hiến cho bóng đá Việt Nam qua nhiều năm đảm nhiệm ghế Phó chủ tịch phụ trách tài chính.
Bầu Đức
Bầu Đức quên nhiệm vụ phó chủ tịch VFF?
Tại thời điểm bầu Đức được “ướm” vào chiếc ghế do ông Dũng để lại, cũng đã có những ý kiến lo ngại về sự bất hợp lý của việc ông chủ một đội bóng lại đảm nhiệm cùng lúc nhiều vị trí trong cả VFF và VPF, tức ở cả cấp quản lý, giám sát và cấp tổ chức, điều hành V.League. Điều này dẫn đến một khả năng là HA.GL có thể vấp phải những dị nghị, đúng hoặc sai, trong quá trình tham dự giải. Nhưng rốt cuộc bầu Đức vẫn được tín nhiệm.

Đổi lại những chờ đợi trong ngày đầu nắm quyền của Chủ tịch HAGL là rất nhiều thất vọng. Bầu Đức qua 2 năm vừa qua có vẻ như đang làm rất tốt trách nhiệm đối với CLB riêng, nhưng lại không thể nói là hoàn thành tốt công việc ở VFF. Từng có tin là ông Đức vắng mặt trong rất nhiều cuộc họp ở VFF, trong khi chưa có bằng chứng nào cho thấy ông Đức giúp VFF dư dả tài chính như dưới thời Chủ tịch Lê Hùng Dũng.

Năm 2014, tuyển U19 Việt Nam với thành phần chiếm đa số là các cầu thủ thuộc Học viện HAGL của bầu Đức được chăm bẵm tới từng bữa ăn, đi tập huấn nước ngoài liên tiếp, hưởng chế độ dinh dưỡng khiến các đồng nghiệp không khỏi ước ao.

Khi tham dự VCK U19 châu Á diễn ra tại Myanmar hồi năm 2014, tuyển U19 Việt Nam nói trên do HLV Guillaume Graechen dẫn dắt được di chuyển bằng chuyên cơ riêng, có đầu bếp do đơn vị tài trợ cho HAGL cử sang lo chuyện ăn uống, ở khách sạn hạng sang…Cùng mang danh U19 Việt Nam nhưng đội tuyển U19 năm 2015 do HLV Hoàng Anh Tuấn đảm nhiệm thật khó có thể so bì với những Tuấn Anh, Công Phượng, Xuân Trường…trước kia. Nutifood, đơn vị từng đứng ra tài trợ cho giải U19 quốc tế năm 2014, qua năm nay cũng rút lui và hiện chỉ còn tài trợ cho HAGL.


Thực tế trên khiến người ta dễ cho rằng, công sức bầu Đức bỏ ra thực chất chỉ để tập trung cho lứa HA.GL, với cái mác là U19 quốc gia.
Thầy giôm
Lứa U19 Việt Nam thời thầy Giôm được chăm lo triệt để
Đấy là cấp độ quốc gia còn ở CLB, HAGL liên tục bỏ các giải lứa U do VFF tổ chức mà gần nhất là tuyên bố bỏ giải U21 quốc gia, nhưng sau đó “chữa lại” bằng việc tổ chức đội U21 Gia Lai cho tham dự. Việc một quan chức cao cấp VFF nhưng lại vi phạm chính các quy định do VFF xây dựng không thể nói là không khiến các CLB khác nhìn vào để so sánh, bì tị.

Số tiền phạt 200 triệu đồng cho 1 lần bỏ giải rõ ràng không thấm là bao so với ngân quỹ của HA.GL. Nhưng người ta đặt câu hỏi, bóng đá Việt Nam sẽ như thế nào nếu các CLB khác cũng hành xử thiếu trách nhiệm như HA.GL? Bầu Đức trong khi đó dường như vẫn mải mốt với Công Phượng, Tuấn Anh…và không ngần ngại tấn công vào bất cứ mục tiêu nào xung đột với lợi ích của HAGL, từ HLV Miura đến các CLB khác ở V.League.


Không lạ khi đã có những ý kiến chỉ trích ông Đức “đánh trống ghi tên” khi nhận chiếc ghế Phó chủ tịch VFF. Không rõ bầu Đức có biết chuyện này?

Nguồn: Tiền phong

Bình luận
vtcnews.vn