Bất thường hóa đơn tiền điện tăng gấp đôi, gấp ba

Kinh tếChủ Nhật, 28/04/2019 19:14:00 +07:00

Nhiều gia đình đã hoảng hốt khi cần hóa đơn tiền điện tháng 4 với mức tăng gấp đôi, gấp ba so với tháng trước.

Được biết, từ ngày 20/3, giá điện được điều chỉnh với mức tăng là 8,36%. Tuy nhiên, với mức tăng này, giá điện tháng 4 không thể tăng quá cao.

Liên quan đến giá điện tăng vọt, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho rằng, do tháng 2 chỉ có 28 ngày, lại trùng nghỉ Tết Nguyên đán. Tháng 3 có 31 ngày, tháng 4 có 30 ngày, các cơ quan, doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường sau kì nghỉ nên lượng điện năng tiêu thụ cao hơn tháng 2 (tiêu thụ điện tháng 2 thường thấp nhất so với các tháng trong năm).

EVN

 Giá điện tháng 4 bất ngờ tăng cao.

Bên cạnh đó, là việc điều chỉnh giá bán lẻ điện theo Quyết định của Bộ Công thương (tăng 8,36%).

Ngoài ra, theo EVN, nguyên nhân chính khiến hóa đơn điện tháng 4 tăng cao là do tình trạng nắng nóng kéo dài, nhu cầu sử dụng điện tăng cao. Giá điện lại tính theo thang bậc, nên càng sử dụng nhiều, giá điện sẽ càng cao.

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), nắng nóng gay gắt liên tục và kéo dài đã khiến sản lượng điện tiêu thụ trên địa bàn TP.HCM tăng vọt.

Trong đó, ngày 24/4, sản lượng điện năng tiêu thụ của TP.HCM đạt mức 90,038 triệu kWh, cao hơn 10% so với đỉnh của năm 2018. Lượng điện năng tiêu thụ ngày 24/4 cũng cao gấp 2,5 lần so với ngày thấp nhất tính từ đầu năm 2019 (35,5 triệu kWh ngày 06/2/2019).

Tuy chưa hết tháng, nhưng tổng điện năng tiêu thụ trong tháng 4/2019 (tính đến 25/4/2019) đã đạt 2,05 tỷ kWh. Dự báo tổng điện năng tiêu thụ tháng 4 sẽ đạt gần 2,45 tỷ kWh, tăng 48,4% so với tháng 2/2019 (1,65 tỷ kWh) và cao nhất từ trước đến nay.

Trước đó, tổng điện năng tiêu thụ trong tháng 3/2019 là 2,38 tỷ kWh, tăng hơn 44% so với tháng 2.

Số liệu theo dõi của EVN Hà Nội cho thấy, sản lượng điện tiêu thụ trong ngày tăng trung bình từ 47 triệu kWh/ngày những ngày cuối tháng 3/2019 lên đến gần 58 triệu/ngày vào những ngày đầu tháng 4/2019.

Một trong những nguyên nhân được cho là bất hợp lý hiện nay là việc bất hợp lý trong chia khung giá điện. Cụ thể, giá điện bán lẻ sinh hoạt bậc 1 (từ 0 -50kWh) và bậc 2 (từ 51-100kWh) là thấp hơn so với giá điện bán lẻ bình quân (1.864 đồng/kWh), còn lại từ bậc 3 đến bậc 6, giá điện bán lẻ lại cao hơn nhiều so với giá điện bình quân.

Trong khi đó, các hộ gia đình đều sử dụng chủ yếu trên 100kWh, cái này sẽ chỉ giúp ngành điện hưởng lợi, còn người dân phải chịu chi phí cao. Vì vậy, cần chia nhỏ biểu giá điện hơn.

Một câu hỏi cũng được dư luận đặt ra là tại sao EVN làm ăn có lãi vẫn tăng giá điện?

Cụ thể, theo công bố của Bộ Công Thương, năm 2016 doanh thu bán điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hơn 265.510 tỷ đồng, tương ứng giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện là 1.661,57 đồng một kWh. Hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2016 lỗ gần 594 tỷ đồng. Tuy nhiên, thu nhập từ các hoạt động có liên quan tới sản xuất kinh doanh điện năm 2016 của tập đoàn này gần 3.252 tỷ đồng, đã giúp EVN lãi 2.658 tỷ.

Hay năm 2017 EVN cũng báo lãi 2.799,08 tỷ đồng. Nhưng EVN cho rằng, với khoản chi phí chưa được tính đủ trong giá thành điện của các năm trước (trong đó có tiền chênh lệch tỷ giá), giá điện từ năm 2019 phải được “tính toán lại” và một trong những cách giảm khoản lỗ, chênh lệch tỷ giá đang treo của mấy năm trước. Chính vì thế, ngày 20/3 vừa qua, EVN vẫn đưa ra mức tăng 8,36%.

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, việc EVN từng tính gộp chi phí hao tổn đường truyền tải điện vào giá thành bắt người tiêu dùng phải chịu là bất hợp lý. Đây không phải là những khoản chi phí người tiêu dùng được sử dụng, nên bắt họ trả là không hợp lý.

EVN lại là doanh nghiệp nhà nước, cơ sở vật chất được nhà nước đầu tư, nên tính cả chi phí hao tổn vào giá thành bán lẻ điện là thêm gánh nặng của người tiêu dùng.

Ngoài ra, EVN hiện đầu tư ngoài ngành đang thua lỗ rất nặng. Cụ thể, báo cáo kết luận thanh tra năm 2013 cho biết, tổng số vốn đầu tư ra ngoài ngành của EVN đã lên tới trên 121.000 tỷ đồng, vượt hơn 45.000 tỷ đồng so với vốn điều lệ, trái với quy định của Bộ Tài chính về việc đầu tư ra ngoài ngành chưa mang lại hiệu quả kinh tế.

"Nếu không công khai, minh bạch chi phí đầu vào, cũng như tách bạch các khoản thua lỗ của EVN rõ ràng, thì người tiêu dùng sẽ rất có thể đang phải sử dụng giá điện mà gánh cả phần làm ăn thua lỗ, đầu tư ngoài ngành của EVN", ông Doanh cho hay.

Ngọc Vy
Bình luận
vtcnews.vn