Bắt nhóm biệt kích CIA giữa rừng Sơn La

Phóng sự - Khám pháChủ Nhật, 29/01/2012 07:20:00 +07:00

(VTC News) - Qua ánh trăng nhờ nhờ bởi lớp sương mù, những chiếc dù như quả nấm lớn dần, bay nghiêng nghiêng theo chiều gió.

(VTC News) - Tiếng máy bay ầm ì lớn dần trên bầu trời Phù Yên rồi nhỏ dần cho đến khi biến mất. Qua ánh trăng nhờ nhờ bởi lớp sương mù, những chiếc dù như quả nấm lớn dần, bay nghiêng nghiêng theo chiều gió.

Ngày 23-2-1961, đồng bào ven biển huyện Yên Hưng (Quảng Ninh) phát hiện một chiếc thuyền nan vùi lấp dưới cát. Ty Công an Quảng Ninh đã huy động lực lượng truy tìm dấu vết kẻ xâm nhập. Vào thời điểm ấy, không có một chiếc thuyền nào bị mất tích, vậy kẻ địch xâm nhập có thể là một toán gián điệp biệt kích.

Một tổ truy tìm gồm hai trinh sát địa bàn và một trinh sát công an vũ trang đã nhanh chóng phát hiện ra một cái hố mới lấp, đào lên không có gì. Phạm vi mục tiêu thu hẹp dần.

Ông Nguyễn Tuấn - nguyên Phó Giám đốc Công an Sơn La kể lại vụ Công an tóm nhóm biệt kích ở Yên Châu. 

Ngày 23-3-1961, đồng chí Trưởng ty Công an Quảng Ninh trực tiếp chỉ huy trinh sát đột nhập một ngôi nhà dân có nghi vấn. Tên gián điệp biệt kích bị bắt ngay tại nhà của hắn, nơi hắn đã bỏ trốn theo địch 9 năm về trước.

Công an thu được ở trong cót thóc nhà hắn 2 bộ điện đài cùng bảng giải mật mã. Tên biệt kích này mang bí danh A-ret, xuất phát từ trung tâm gián điệp biệt kích Đà Nẵng.

Tất nhiên, các đồng chí công an đã sử dụng mọi biện pháp nghiệp vụ để bắt tên Aret này phải phục vụ cho ta. Hắn cũng là tên mà lực lượng công an của ta sử dụng để mở màn cho những chuyên án câu nhử rất thành công.

Trinh sát Lò Văn Niện. 

Từ cánh rừng Tây Bắc, dưới sự quản lý ngặt nghèo của lực lượng công an, Aret mở điện đài làm việc với trung tâm Đà Nẵng. Máy điện đài mà CIA trang bị cho hắn có tầm xa vài ngàn km.

Đối với trung tâm tình báo của địch, trong 10 năm làm điệp viên, Aret lập được rất nhiều công trạng, nhiều đến mức tên này được địch tặng thưởng 12 huân chương, trong đó có huân chương "Anh dũng bội tinh".

Bọn chỉ huy tình báo Mỹ đâu có ngờ rằng chúng đã thưởng công cho một điệp viên đã tiếp tay cho đối phương lôi kéo được 16 điệp viên sừng sỏ khác ra miền Bắc chịu chung số phận với hắn. Có tên đã nằm trong tay của ta mà vẫn được những cái đầu đầy sỏi của CIA phong đến chức "Tư lệnh vùng Đông Bắc Việt Nam và Hải Phòng".

Toán gián điệp biệt kích bị bắt ở Tây Bắc. Ảnh: Tư liệu. 

"Alô, alô... Aret nghe rõ không? Phi đoàn Castor 3 đang bay qua địa phận Mai Châu". Tiếng điện đàm ọt ọt vang lên trong không gian tĩnh mịch nửa đêm giữa rừng già.

Như vậy là chiếc "Bà Già" C47 đã cất cánh khỏi trung tâm Đà Nẵng, theo hướng biển rồi tạt qua bầu trời Ninh Bình, hạ thấp độ cao, rẽ vào Cồn Vạn, lên Nho Quan rồi theo đường số 12 đến Mai Châu, Hòa Bình. Chỉ vài phút sau nó sẽ đến cánh rừng bản Hỷ, xã Phiềng Ban, Phù Yên, Sơn La và rơi vào lưới phục kích của ta.

Trinh sát Tuấn đi tiếp một vòng, kiểm tra lại các vòng vây của lực lượng quân đội, dân quân du kích ở vòng ngoài. Trinh sát Niện tưới dầu hỏa lên đống củi khô chất ngay giữa bãi trống. Hàng chục họng súng đen ngòm len qua những bụi cỏ giương lên bầu trời nhờ nhờ ánh trăng. "Bùng" - ngọn lửa từ diêm sinh bén vào đống củi cháy rừng rực, tiếng củi cháy nổ lách tách.

Tiếng máy bay ầm ì lớn dần trên bầu trời Phù Yên rồi nhỏ dần cho đến khi biến mất. Qua ánh trăng nhờ nhờ bởi lớp sương mù, những chiếc dù như quả nấm lớn dần, bay nghiêng nghiêng theo chiều gió.

Bản Hỷ. 

Rất nhiều súng đạn, lương thực, máy truyền tin rơi xuống nhưng lại không thấy bóng dáng tên biệt kích nào. Anh em giật mình nhận ra rằng chúng đã thận trọng nhảy ra xa địa điểm vài km rồi mới tìm gặp nhau để phòng ngừa trường hợp ta bao vây.

Lập tức các đơn vị công an, dân quân du kích ở Nghĩa Lộ, Phù Yên, Bắc Yên được thông báo đã nhanh chóng triển khai đội hình vây bắt, không để chúng chạy thoát. Ba mũi truy lùng theo hướng phân công khẩn trương luồn rừng, lội suối truy kích.

Sau ba ngày đêm lùng sục, công an và các lực lượng phối hợp đã tóm gọn toán gián điệp biệt kích gồm 4 tên. Bọn này là người Thái và người Mường đã trốn vào Nam theo địch từ năm 1954. Chúng được CIA giao nhiệm vụ ra móc nối với bọn phản động địa phương, gây "căn cứ" hoạt động lâu dài để phá hoại vùng biên giới Tây Bắc.

Trong cánh rừng già Phù Yên, một báo vụ của Bộ Công an khai thác thông tin từ một tên có biệt danh Doda của nhóm Castor 3.

- Anh tên là P.T.V, Phi đội trưởng, nhà ở đường Nguyễn Minh Chiểu phải không? Khôn hồn thì khai hết để hưởng khoan hồng của cách mạng, còn có hy vọng để đợi một ngày về đoàn tụ với gia đình.

Hắn giật mình ngơ ngác vì không hiểu sao vị cán bộ công an này lại biết rõ về hắn đến vậy, nhưng hắn vẫn ngoan cố trả lời loanh quanh. Anh báo vụ nói tiếp:

- Trước khi sang "Sở liên lạc" anh đã làm gì?

Mặt hắn biến sắc:

- Là quân số trong một đơn vị bộ binh chủ lực của Ngô Đình Diệm. Thưa quý ông! Khi tôi nghe quý ông nói đến ba chữ "Sở liên lạc" tôi chỉ còn biết thở dài vì tôi nghĩ rằng các ông đã biết hết về chúng tôi rồi, tôi có giấu cũng không nổi. Tôi xin khai những gì tôi biết và cúi mong quý ông dành cho một ân lượng đặc biệt.

- Được, anh cứ thành thật khai hết đi.

- Chúng tôi nằm dưới sự chỉ huy trực tiếp của trung tá Nguyễn Cao Kỳ cùng hai cố vấn Mỹ là thiếu tá Uyliam và đại úy Tony...

- Đã có mấy toán gián điệp biệt kích nhảy xuống Tây Bắc?

- Chúng tôi là toán thứ nhất ạ.

- Anh biết "Sở liên lạc" đang chuẩn bị những gì trong thời gian sắp đến?

- Dạ, hình như đang tuyển gấp nhân viên và huấn luyện theo kế hoạch mới của các ngài cố vấn Hoa Kỳ và Phủ tổng thống. Sắp tới sẽ có nhiều toán nữa xâm nhập xuống vùng Tây Bắc này...

Biết rằng không thể giở trò với Công an Bắc Việt Nam, hắn mở điện đàm báo về cho Trung tâm là đã hạ cánh an toàn và yêu cầu thả hàng tiếp tế.

Đi thuyền đến trường ở Yên Châu. 

Để đảm bảo bí mật tuyệt đối trong chuyên án câu nhử này, chuyên án mang bí số PZ27 được thành lập. Các chiến sĩ công an phải luyện nói tiếng miền Nam, tiếng dân tộc, khai thác từ chúng những phương pháp liên lạc, mật hiệu giữa toán gián điệp biệt kích với đầu não chỉ huy là CIA, thuộc làu làu cả cách gõ và tốc độ gõ móc để báo vụ của chúng không thể phát hiện.

Để gây lòng tin với địch, giữ bí mật cho chuyên án, lực lượng công an đã cung cấp cho địch nhiều tin tức giả để chúng tiến hành đánh phá một số mục tiêu ít quan trọng.

Bọn cáo già CIA không phải là những con "gà tồ", chúng đã thi hành nhiều biện pháp kiểm tra nghiêm ngặt, thông thường chúng kiểm tra các ám hiệu, ký hiệu thông tin liên lạc, những vụ phá hoại cầu cống, chúng kiểm tra qua không ảnh do máy bay trinh sát cung cấp, có khi chúng điều hẳn một nhóm biệt kích ra ngoài biên giới nước ta, cũng có khi chúng thả dù phái viên kiểm tra xuống trực tiếp với bọn biệt kích rồi về báo cáo lại với trung tâm.

Tất cả những thủ đoạn của địch đều được ta dự kiến và đỡ đòn chính xác, kịp thời khiến trung tâm tình báo địch lần lượt giải toả mọi điều nghi ngờ và ngày càng dấn sâu vào bẫy.

Còn tiếp…

Phạm Ngọc Dương
Bình luận
vtcnews.vn