Bất ngờ với lý do nhà báo Nhật Bản trở về từ Syria cúi đầu xin lỗi

Thế giớiThứ Hai, 05/11/2018 15:48:00 +07:00

Nhà báo Nhật Bản được trả tự do sau 3 năm bị giam giữ ở Syria cúi đầu xin lỗi vì gây nguy hiểm cho chính phủ và tự nhận mọi trách nhiệm cá nhân.

Jumpei Yasuda bị Mặt trận Al-Nusra, một nhánh của al-Queda bắt làm con tin vào tháng 6/2015 khi tiến qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria. Yasuda đến Syria để thu thập tài liệu về cuộc nội chiến tàn phá quốc gia Trung Đông này. 

Mặt trận Al-Nusra từng đăng video với sự xuất hiện của Yasuda yêu cầu giới chức Nhật Bản trả 10 triệu USD để đổi lấy tự do của công dân nước mình. 

1069502799

Nhà báo cúi đầu xin lỗi vì đã làm liên lụy và gây nguy hiểm cho chính phủ. (Ảnh: AP) 

"Tôi tin rằng các quan chức chính phủ đã làm tất cả những gì họ có thể. Tôi nợ tất cả những người đã cố gắng hết sức giúp tôi được phóng thích một lời xin lỗi. Tôi rất biết ơn tất cả những nỗ lực đó. Tôi xin lỗi vì đã làm liên lụy và gây nguy hiểm cho chính phủ", ông Yasuda nói trong cuộc họp báo tại Câu lạc bộ Báo chí quốc gia Nhật Bản ở Tokyo. 

Nhà báo Nhật Bản cũng chấp nhận những chỉ trích nói rằng ông nên tự chịu trách nhiệm cá nhân vì đã tự nguyện dấn thân vào khu vực chiến tranh. 

"Bạn tiến vào khu vực xung đột và bạn chỉ có thể đổ lỗi cho bản thân nếu có điều gì đó xảy ra với bạn", ông Yasuda nói, đồng thời cho biết sức khoẻ đang phục hồi sau thời gian dài bị giam giữ.

Video: Nhà báo Nhật trở về sau hơn 3 năm bị bắt làm con tin ở Syria (Nguồn: Kyodo)

Trong những tháng đầu bị bắt cóc, ông Yasuda được phép xem ti vi và ăn đồ ăn địa phương vì nhóm khủng bố tin rằng Tokyo sẽ đáp ứng yêu cầu đòi tiền chuộc của chúng. Tuy nhiên, Tokyo sau đó tuyên bố ngừng đàm phán. 

"Trong thời gian đó, tôi nghĩ chính phủ đang tìm cách kéo dài thời gian", ông Yasuda nói. 

Trong suốt 40 tháng bị giam giữ, Yasuda cho biết ông bị chuyến tới nhiều địa điểm cùng với các con tin khác. Họ cũng như ông bị ép xuất hiện trong các video cầu xin sự giúp đỡ từ chính phủ các nước. 

Nhà báo Nhật tiết lộ thường xuyên phải nghe tiếng kêu các con tin khác bị tra tấn và phải ăn ớt trước khi quay các đoạn video để chảy nước mắt. 

Vào ngày 22/10, những kẻ bắt cóc nói với Yasuda rằng ông có thể về nhà. Tới hôm sau, chúng giao ông cho chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ. Yasuda cho đến nay vẫn không biết tại sao lại được thả. 

Song Hy
Bình luận
vtcnews.vn