Bất ngờ cộng đồng người Việt ở Voronezh trên truyền hình Nga

Thời sựThứ Sáu, 14/10/2016 11:46:00 +07:00

Được xem là một trong những cộng đồng người Việt gắn kết nhất trên toàn Liên bang Nga, Hội người Việt Nam ở Voronezh đã có mặt trong phóng sự dài cả chục phút trên truyền hình Nga, được ngợi khen hết lời.

Những người Việt Nam đầu tiên sang thành phố Voronezh làm việc theo diện hợp tác lao động vào đầu những năm 80. Thời kỳ đó, có 600 công nhân Việt Nam làm việc tại các nhà máy xăm lốp và cơ khí tại khu vực Voronezh.  

Công dân Việt Nam sang làm việc lúc đó giành được rất nhiều thiện cảm từ người dân bản địa. Người dân Nga biết đến Việt Nam qua cuộc kháng chiến chống Mỹ, gửi gắm tình cảm với những con người cùng lý tưởng xã hội chủ nghĩa.

Nước Nga thời kỳ hậu Xô Viết, cộng đồng người Việt ở Voronezh bị ảnh hưởng về mọi mặt. Người Việt chạy tứ tán, chỉ có hơn 20 con người vẫn bám trụ trên mảnh đất Voronezh.

Video: Phóng sự của truyền hình Nga về người Việt ở Voronezh

Vượt qua bao thăng trầm của khủng hoảng kinh tế - chính trị thời bấy giờ, họ dần thành lập cộng đồng người Việt, mở chợ buôn bán. Từ những gian hàng nhỏ lẻ, bán tại các khu chợ tồi tàn, người Việt ở Voronezh đã vượt qua khủng hoảng trong những năm 90, phát triển cộng đồng từ mấy chục hộ gia đình lên hàng trăm hộ.

Chợ Việt được mở ra, chuyển sang khu vực mới rộng rãi, khang trang hơn, đáp ứng nhu cầu kinh doanh, buôn bán của hàng trăm tiểu thương, chủ yếu là người Việt. Theo mô hình phát triển hiện đại, từ năm 2009, khu buôn bán của người Việt ở Voronezh đã được nâng lên thành trung tâm thương mại, được thiết kế theo tiêu chuẩn của chính quyền sở tại đề ra.

Trung tâm thương mại Octuzeva – 47 hiện nay là đầu mối giao thương số một của các chợ buôn bán tại thành phố Voronezh và các khu vực lân cận. 25 năm phát triển và đi lên, cộng đồng người Việt Nam tại Voronezh sẽ còn tiếp tục bước dài, bước xa hơn nữa trên con đường vươn tới ước mơ phồn thịnh của những người Việt xa quê hương.

Ông Phạm Ngọc Trung – Chủ tịch hội người Việt tại Voronezh cho hay, ngày 3/5/2014, Hội người Việt Nam tại Voronezh đã ra mắt trước Ủy ban dân tộc khu vực Voronezh, cơ quan thuộc Hội đồng thành phố Voronezh. Như vậy, Hội người Việt Nam tại Voronezh đã trở thành một trong những thành viên chính, nằm trong hội liên hiệp các dân tộc tại khu vực, cùng với các hội khác đến từ: Azerbaijan, Uzbekistan,…

Cùng với các tổ chức liên quan của chính quyền thành phố, Hội người Việt Nam tại thành phố Voronezh sẽ tham gia tích cực và hiệu quả hơn trong việc hỗ trợ và bảo vệ quyền công dân, quyền cư trú và kinh doanh trên địa bàn khu vực.

Một số hình ảnh Octuzeva – 47, Trung tâm thương mại lớn nhất của người Việt tại Voronezh và các vùng lân cận.

anh 1

Toàn cảnh trung tâm thương mại Octuzeva – 47. Nơi đây là nơi tập trung hàng bán buôn của gần 1.000 hộ kinh doanh người Việt. Hàng hoá ở đây chủ yếu được nhập từ Matxcơva, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc và một số lượng nhỏ từ Việt Nam.

anh 2

Số lượng hàng hoá này - chủ yếu là quần áo, quần áo, hàng thời trang, mỹ phẩm - sẽ toả đi những vùng phụ cận ở miền Nam nước Nga.

anh 3

Ông Phạm Ngọc Trung, Tổng giám đốc Octuzeva – 47

anh 4

 Bà con tiểu thương người Việt.

anh 5

Cửa hàng của anh Nguyễn Huy Tài, quê xã Thuỵ Lâm (Đông Anh, Hà Nội) rộng 71 m2, bán hàng quần áo, chủ yếu là đồ lót phụ nữ. Sang Nga được 19 năm, Tài đã có vợ và 2 con, mua được nhà riêng. Cả gia đình Tài đều đã nhập quốc tịch Nga.

anh 6

Nguyễn Huy Tài cho biết do kinh tế Nga xuống dốc sau khi bị phương Tây cấm vận 2 năm trước, kinh tế gia đình anh có phần khó khăn hơn trước. “Nếu sống cuộc sống bình thường, thậm chí có phần khấm khá bên này thì vợ chồng chúng tôi vẫn lo được. Nhưng nếu có việc phải gửi tiền về nhà như trước đây thì khó khăn,” Tài cho hay.

anh 7

Nguyễn Đức Thịnh, quê gốc ở phường Hồng Sơn, thành phố Vinh (Nghệ An). Sinh năm 1980, Thịnh sang Nga được gần 2 năm. Vợ anh là chị Nguyễn Thị Vượng, quê gốc ở xã An Thượng (Hoài Đức, Hà Nội).

anh 8

Anh chị gặp gỡ và cưới nhau khi còn làm ăn ở chợ Vòm (Matxcơva), rồi chuyển về Voronezh sinh sống. Anh chị có 2 con trai 10 tuổi và 4 tuổi.

anh 9

Nhờ chịu thương chịu khó, anh chị đã xây được biệt thự có khu vườn rộng rãi trồng đủ các loại rau quả như ở Việt Nam. Vợ chồng Thịnh được coi là một trong những gia đình thành công nhất tại Voronezh.

Bài: Phong Vũ (đã đăng trên baonga); Ảnh: Hải Hà
Bình luận
vtcnews.vn