"Bật mí" những chuyện hy hữu quanh chiếc bánh trung thu

Kinh tếThứ Hai, 04/10/2010 01:14:00 +07:00

(VTC News) - Rằm tháng 8 đã qua nhưng những câu chuyện hy hữu quanh chiếc bánh trung thu vẫn được NTD bàn tán râm ran đến tận bây giờ...

(VTC News) - Rằm tháng 8 đã qua nhưng những câu chuyện hy hữu quanh chiếc bánh trung thu vẫn được NTD bàn tán râm ran đến tận bây giờ...

Trước đó, chuyên mục Bảo vệ NTD báo điện tử VTC News đã có bài phản ánh tình trạng mốc xanh, mốc trắng của bánh trung thu Như Lan (TP.Hồ Chí Minh) cũng như trường hợp bánh kem của thương hiệu khá nổi tiếng Nguyễn Sơn (Hà Nội) có ruồi, khiến không ít người tiêu dùng (NTD) rùng mình. Tuy nhiên, khi Trung thu đã qua đi, VTC News vẫn tiếp tục nhận được khá nhiều phản hồi của khách hàng xung quanh chiếc bánh dành riêng cho ngày tết thiếu nhi, ngày lễ của tình thân này.

Hoảng hốt vì lo con ăn phải bánh trung thu mốc

Với hình thức đẹp, sang trọng, thiết kế hiện đại, bánh trung thu Hoàng Minh (Hà Nội) được không ít NTD quan tâm và lựa chọn. Chị L. (cư trú tại phường Hoàng Liệt, HN) cũng rất thích loại bánh này. Chính vì thế, chị đã nhận được tất cả 7 hộp bánh Hoàng Minh do nhân viên biếu trong dịp Trung thu vừa qua. Không dùng hết, chị L. tặng 2 người bạn thân và một số bạn bè quan trọng khác, còn 1 hộp chị để lại dùng.

Ngày 26/09, con chị lấy bánh ra ăn. Trời nhá nhem tối, các cháu lại tranh nhau bóc bánh nên không hề để ý xem bánh có vấn đề gì không. Sáng hôm sau, ngày 27/09, còn lại một chiếc bánh dẻo và một chiếc bánh nướng (trong tổng số 6 chiếc/hộp), chị L. định lấy ra dùng nốt.

Bánh Hong Kong Hoàng Minh bị mốc đen trong khi HSD tới 07/10.

Tuy nhiên, khi cắt chiếc bánh nướng ra, chị không khỏi giật mình thấy bánh bị mốc. Nhìn sang chiếc bánh dẻo (vẫn còn nguyên tem, nguyên nhãn mác), chị L. càng tá hỏa phát hện trên bề mặt bánh lấm tấm những vẩn đen trong khi hạn sử dụng vẫn còn tới tận ngày 07/10/2010 (ngày sản xuất là 09/09/2010). Hoảng hốt, chị gọi tới số điện thoại ghi trên bao bì sản phẩm nhưng không ai nghe máy. Nhìn những chiếc bánh trước mắt, chị không khỏi hoang mang về sức khỏe của các con mình vì đã trót ăn những chiếc bánh trước đó. “Làm ăn kinh doanh, sản xuất bánh như thế thì chết NTD.  Mốc thế này, các cháu bé ăn vào lại ung thư hết à?”, chị L bức xúc.

Chị L. cho biết, không chỉ hộp bánh của chị bị mốc mà cả 2 hộp bánh Hoàng Minh chị tặng bạn thân cũng có hiện tượng mốc xanh, mốc đen cả 6 chiếc. “Chắc chắn nhiều người đã bị ăn bánh mốc. Quan trọng là mình có nhìn thấy vết mốc hay không mà thôi", chị L. phán đoán.

Ngay sau khi tiếp nhận chiếc bánh dẻo “nguyên tem” bị mốc từ tay chị L., pv VTC News tìm đến địa chỉ ghi trên bao bì tại số 33, ngõ 40 Phan Đình Giót (Thanh Xuân, Hà Nội) để làm việc với đại diện nhà sản xuất bánh trung thu này. Theo quan sát của pv,  địa chỉ sản xuất bánh của Hoàng Minh là một căn nhà cấp 4 xập xệ, phía bên ngoài la liệt bánh trung thu, hộp bánh chất đống ngổn ngang. Phía bên trong, vật dụng, đồ nghề bày bừa bãi, mùi bánh nướng bốc lên ngào ngạt. Các nhân viên đang hối hả chuẩn bị tung ra thị trường những lô hàng cuối cùng của mùa trung thu 2010.

Cơ sở sản xuất bánh trung thu Hoàng Minh xập xệ, ẩm thấp, phía trước vứt la liệt bánh trung thu cuối vụ.

Tiếp pv là bà chủ Nguyễn Thị Sen, vợ giám đốc Công ty TNHH Bánh ngọt Hồng Kông Hoàng Minh. Ban đầu, nhìn thấy chiếc bánh mốc, bà Sen đã kiểm tra xung quanh bao bì tìm kiếm lỗ thủng. Tuy nhiên, sau khi xem xét kĩ, bao bì vẫn nguyên tem, nhãn mác, không có chỗ hở, bà Sen viện vào lý do muôn thuở mà bất cứ hãng sản xuất nào khi gặp sự cố cũng "đổ tội": Nguyên nhân bánh bị mốc có thể do cách bảo quản. Nhiều đại lý, cửa hàng khi lấy bánh về, mở hộp ra và phơi bày ở chỗ ánh nắng trực tiếp chiếu vào làm ảnh hưởng tới chất lượng của sản phẩm.

“Ánh nắng hấp thụ vào làm tích tụ những giọt mồ hôi, trong hộp bánh sẽ có hơi nước, từ đó hiện tượng mốc rất dễ xảy ra”, bà Sen giải thích.

Bà Sen cho biết: Năm ngoái cũng có 2 – 3 trường hợp tương tự xảy ra. Khách hàng cũng đã phản ánh với công ty và đã được giải quyết ổn thỏa. Trong khi với trường hợp của chị L., bà Sen vẫn không thừa nhận lỗi là do khâu sản xuất: “Đây là sơ suất không may xảy ra trên thị trường. Tôi nghĩ hãng bánh nào cũng không thể tránh khỏi. Không ai có thể khẳng định bánh của mình không bao giờ mốc”.

Để minh chứng, bà Sen đưa ra giấy xác nhận của Sở Y tế, chi cục ATVSTP Hà Nội trong đợt kiểm tra 16/09 vừa qua. Tuy nhiên, trong công văn này, chữ “bánh dẻo” được gạch chéo, đồng nghĩa với việc: Chỉ có bánh nướng là đạt yêu cầu, còn bánh dẻo chưa được tiến hành kiểm tra.

Bà Nguyễn Thị Sen, chủ cơ sở sản xuất bánh Hoàng Minh, không đưa ra được giấy tờ xác nhận đảm bảo chất lượng VSATTP của bánh dẻo.


Với băn khoăn của chị L. về sức khỏe của những đứa trẻ khi lỡ ăn bánh, đại diện Công ty Hoàng Minh cho rằng: Chúng tôi đã hỏi bên Chi cục thực phẩm, ngộ độc thực phẩm chỉ xảy ra sau 24 tiếng đồng hồ. Sau đó, Công ty Hoàng Minh hứa sẽ tới gặp trực tiếp xin lỗi và trao đổi để chị thông cảm, tiếp tục tin tưởng sử dụng bánh. Đồng thời, Hoàng Minh cũng cam kết sẽ rút kinh nghiệm, tìm ra phương pháp tốt nhất để đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Tuy nhiên, trao đổi với pv VTC News, chị L. nói: Chị không muốn đổi bánh vì không còn tin tưởng vào chất lượng của công ty sản xuất nữa và cũng không muốn lấy lại tiền vì với chị, giá trị vật chất của nó không đáng là bao. Điều chị cần là cảnh báo các đơn vị sản xuất bánh, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm: Đừng coi nhẹ vấn đề VSATTP và phải có trách nhiệm đối với sức khỏe của NTD.

Sự cố đã xảy ra hơn 1 tuần nhưng cho tới lúc gặp gỡ, trò chuyện với pv, chị L. vẫn nơm nớp lo lắng cho sức khỏe của con cháu mình. “Khám sức khỏe cho các cháu bây giờ cũng không giải quyết được gì, di chứng để lại sau này mới đáng sợ!”, chị L băn khoăn.

Hiện tượng “lạ” chưa từng thấy ở bánh trung thu

Bên cạnh hiện tượng mốc xanh mốc đen như trên, sản phẩm kém chất lượng vẫn thường thấy ở một số thương hiệu bánh nổi tiếng trên thị trường, báo điện tử VTC News còn tiếp nhận nhiều trường hợp lạ lùng, hiếm có trong “lịch sử” bánh trung thu Việt Nam.

Bánh trung thu ghi NSX 31/09: Ngày 25/09, chuyên mục Bảo vệ NTD nhận được thư phản ánh của anh Nguyễn Hoài Văn (TP.Nha Trang) những gì tận mắt chứng kiến về bánh trung thu Thành Phát Hà Long, cơ sở 259/13 Trần Hưng Đạo (Phan Rí, Tuy Phong, Bình Thuận).

Trong mail anh Văn viết: “Đây có thể là chiếc bánh duy nhất trên thế giới sản xuất vào ngày 31/9. Vì tháng 9 chỉ có 30 ngày, ngày cuối cùng của tháng là 30/9”. Khi cầm chiếc bánh trên tay, anh Văn không khỏi ngạc nhiên.

 Đây có thể là chiếc bánh duy nhất trên thế giới sản xuất vào ngày 31/9?

Ngoài việc ghi “khống” ngày sản xuất, điều đặc biệt là chiếc bánh này lại được bày bán ngoài thị trường trước đó nửa tháng hoặc lâu hơn thế nữa.

Anh Văn kể, anh nhận được chiếc bánh do học trò biếu nhân dịp trung thu, cách ngày gửi mail phản ánh cho VTC News khoảng 1 tuần. Như vậy, nếu so với ngày sản xuất ghi trên bánh (31/09), thì chiếc bánh này đã “ra lò” cách đó 13 ngày. Nhiều NTD khi biết chuyện này, không khỏi băn khoăn, lo ngại: Không biết còn bao nhiêu chiếc bánh “vô tư” ghi sai ngày sản xuất vẫn lưu thông rộng rãi trên thị trường và đã có bao nhiêu người ăn phải những chiếc bánh không đảm bảo chất lượng do dùng quá hạn cho phép.

“Cứ cho rằng, nhà sản xuất có thể lấy cớ ghi nhầm NSX, lẽ ra phải là 31/08 thì lại ghi là 31/09. Nhưng nếu là 31/08 thì lại cũng không ổn. Chẳng nhẽ một chiếc bánh trung thu có thể có hạn sử dụng lâu đến như vậy sao, đến hơn 1 tháng. Trong khi, thông thường các loại bánh trung thu chỉ sử dụng từ 5 – 7 ngày đối với bánh dẻo và 10 – 15 ngày đối với bánh nướng”, anh Văn thắc mắc.

Về  trường hợp này, VTC News đã cố gắng để liên lạc và làm việc với nhà sản xuất nhưng vô ích. Vì không cư trú ở Bình Thuận nên khách hàng không thể tới gặp trực tiếp cơ sở này để phản ánh bức xúc. Gọi điện vào bất cứ giờ nào tới 2 số điện thoại ghi tên bao bì sản phẩm, pv nghe đổ chuông nhưng không ai bắt máy.

“Có lẽ là họ (cơ sở sản xuất Thành Phát Hà Long – pv) chỉ sản xuất theo mùa vụ. Xong ngày lễ trung thu họ cũng đóng cửa”, anh Văn phỏng đoán.

Thêm một bằng chứng cho việc NTD muốn khiếu nại, phản hồi khi sản phẩm có sự cố thì nhà cung cấp, những người có trách nhiệm với sản phẩm của mình lại “bặt vô âm tín”. Qua VTC News, anh Văn muốn đăng tải thông tin này tới bạn đọc, để NTD cẩn trọng hơn trong việc lựa chọn khi mua và sử dụng bánh cho những mùa trung thu sau.

Hàng loạt khách hàng tố bánh "mốc", Mesa khẳng định "Đó là mực đánh dấu":
Nhận túi bánh trung thu Mesa - sản phẩm của thương hiệu bánh ngọt Mesa Bakery (142 phố Huế, Hà Nội) - lịch lãm, sang trọng, quà tặng nhân dịp trung thu 2010, nhân viên của một Trung tâm về công nghệ thông tin trên đường Tam Trinh (Hai Bà Trưng, HN) vô cùng mừng vui, phấn khởi. Tuy nhiên, niềm vui đó sớm tắt khi họ mở bánh ra và phát hiện những vệt "mốc xanh" nổi rõ trên bề mặt  bánh.

Chị Vũ Minh Y., nhân viên công ty bức xúc: "Đem bánh về nhà định cắt cho con ăn nhưng khi mở ra thì thấy bánh mốc xanh dù còn hạn sử dụng". Kiểm tra những chiếc bánh khác trong hộp, chị phát hiện thêm 2 chiếc nữa cũng có tình trạng tương tự. Hoang mang vì bánh mốc, chị Y. thông báo với các bạn đồng nghiệp để kiểm tra cẩn thận hơn trước khi ăn. Và không riêng gì chị Y., hàng loạt nhân viên khác cũng giật mình khi nhìn thấy bánh trung thu Mesa "mốc", họ không dám ăn và nhanh chóng vứt bánh vào sọt rác.

Khi nhìn thấy những chiếc bánh Mesa "mốc" xanh như thế này, nhiều người đã không dám ăn, nhanh tay bỏ vào thùng rác.

Nhận được phản ánh của các nhân viên công ty, bộ phận hành chính -  có trách nhiệm trực tiếp mua quà cho toàn bộ Tung tâm - không khỏi lo lắng: "Bỏ ra một số tiền tương đối lớn 360.000 đồng/hộp nhưng chất lượng lại không thực sự hài lòng khiến chúng tôi rất ái ngại với nhân viên của mình".

Trao đổi với pv VTC News, chị Huyền - quản lý của hiệu bánh Mesa Bakery - cho biết: Đối với loại bánh tươi trung thu, bánh bán theo mùa, theo thời vụ, không thường xuyên sản xuất, vì vậy sơ suất là không thể tránh khỏi. Cũng có một, hai trường hợp, khách cũng đã đến đây phản ánh và chị đã yêu cầu cửa hàng đổi bánh cho khách. Theo chị Huyền, nguyên nhân của hiện tượng bánh tươi mốc: Do khách hàng không biết để ở nhiệt độ nóng hoặc bỏ lên bàn thờ thắp hương trong khi bánh của cửa hàng chị không có chất bảo quản, chỉ sử dụng được trong vòng 7 – 10 ngày.

Tuy nhiên, riêng đối với loại bánh Mesa Hồng Kông mà cơ quan chị Y. mua, chị Huyền khẳng định: Không bao giờ có hiện tượng mốc.

Nhân viên Mesa nói rằng: Đó chỉ là vết mực đánh dấu nhân bánh, nhưng người tiêu dùng thì khẳng định: Nó chẳng khác gì một chiếc bánh mốc.

Khi chị Y. đem bánh tới Mesa trả lại, sau khi xem xét, nhân viên ở đây khẳng định: Đó không phải là mốc mà là... vết mực đánh dấu. Cũng theo chị Huyền, để phân biệt các loại nhân khác nhau của bánh, trong quá trình làm bánh, nhân viên thường tạo một vết mực xanh lên trên bề mặt bánh để dễ dàng nhận biết.

Câu trả lời, giải thích đã nhận được không khỏi khiến chị Y. ngạc nhiên. Chị nói: "Có lẽ Mesa nên xem lại  quy trình làm của mình. Dù không phải là mốc, nhưng nhìn những chiếc bánh như thế kia chắc chắn không ai dám ăn nữa".


Bài, ảnh: Tiểu Phương


                       Đại lễ 1000 năm, bạn muốn đăng trên VTC News: 

              - Những lời ngẫu hứng, tự sự, tâm sự... của chính bạn?

                - Những bức ảnh, đoạn video... chỉ mình bạn ghi được?
                                                        
                       - Tin tức, bài viết xoay quanh sự kiện Đại lễ?

                                                            
Hãy gửi đến email
[email protected] 
                                                                        hoặc
[email protected]

Tất cả thông tin bạn gửi sẽ được Ban Biên tập VTC News tiếp nhận, xử lý để đăng tải. Trân trọng!



Bình luận
vtcnews.vn