Bắt cựu Phó tổng giám đốc Ngân hàng BIDV Đoàn Ánh Sáng

Pháp luậtThứ Năm, 10/01/2019 10:30:00 +07:00

Ông Đoàn Ánh Sáng, cựu Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP đầu tư và phát triển Việt Nam – BIDV đã bị Cơ quan điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam.

Ngày 9/1, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Đoàn Ánh Sáng (57 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh, TP.HCM, cựu Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP đầu tư và phát triển Việt Nam - BIDV) về tội "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng".

Ngoài ra, Bộ Công an cũng khởi tố, bắt tạm giam, khám xét nơi ở 4 bị can là Ngô Duy Chính (Giám đốc BIDV chi nhánh Thăng Long), Nguyễn Xuân Giáp (Phó giám đốc chi nhánh Hà Thành), Phạm Hồng Quang (Trưởng phòng khách hàng doanh nghiệp I, BIDV chi nhánh Hà Thành), Nguyễn Thanh Nam (cán bộ BIDV chi nhánh Hà Thành) với cùng tội danh.

Công an cũng đã khởi tố, bắt tạm giam thêm bị can Đoàn Trung Dũng (Giám đốc Công ty TNHH thương mại du lịch Trung Dũng) về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".

12455

 Cơ quan điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Đoàn Ánh Sáng cựu Phó tổng giám đốc Ngân hàng BIDV Đoàn Ánh Sáng. (Ảnh: Tiêu Phong).

Những người này được cho liên quan đến sai phạm của ông Trần Bắc Hà (cựu Chủ tịch HĐQT BIDV) và 1 số cựu lãnh đạo BIDV trong việc tiếp nhận hồ sơ, thẩm định và đề xuất phê duyệt đồng ý cho Công ty cổ phần chăn nuôi Bình Hà (Công ty Bình Hà) vay vốn với các điều kiện ưu đãi sai quy định.

Sự việc khiến BIDV thiệt hại 890 tỷ đồng.

Trong đó, cựu Phó tổng giám đốc BIDV Đoàn Ánh Sáng là người giúp sức tích cực cho Trần Bắc Hà trong việc thực hiện hành vi sai phạm, gây thiệt hại nghiêm trọng cho BIDV.

Trước đó, Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV), Trần Lục Lang (nguyên Phó Tổng Giám đốc BIDV), Kiều Đình Hòa (nguyên Giám đốc BIDV Hà Tĩnh) để điều tra hành vi "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng". Riêng Lê Thị Vân Anh (Trưởng phòng BIDV Chi nhánh Hà Tĩnh) bị khởi tố nhưng được tại ngoại.

Thông tin ban đầu vụ án, Công ty Bình Hà triển khai dự án chăn nuôi bò giống và bò thịt triển khai trên diện tích hơn 2.163ha ở 2 huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh (Hà Tĩnh).

Năm 2015, dự án trên được UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng.

Lô đất này cũng được điều chỉnh toàn bộ diện tích quy hoạch phát triển cao su, hoa màu, rừng sản xuất trên địa bàn hai huyện này sang quy hoạch phát triển chăn nuôi, trồng cỏ. Ngoài ra, hàng trăm ha diện tích đất rừng sản xuất, đất trồng hoa màu, trồng lúa của người dân các xã Cẩm Mỹ, Cẩm Quan (huyện Cẩm Xuyên) và Kỳ Tây, Kỳ Hợp (huyện Kỳ Anh) cũng được giải tỏa để phục vụ cho dự án.

Theo đề án của Công ty Bình Hà, đây là "siêu dự án" triển khai rộng, thực hiện trên quy mô lớn sẽ nuôi 150.000 con bò/năm, dự kiến tạo việc làm cho khoảng 3.000 lao động, lợi nhuận bình quân đạt 1.000 - 1.500 tỷ đồng. 

Tổng giám đốc Công ty Bình Hà thời điểm đó là ông Đinh Văn Dũng đề xuất đề nghị vay vốn hơn 4.000 tỷ đồng ở BIDV chi nhánh Hà Tĩnh để đầu tư. Sau đó, BIDV chấp thuận cho vay, giải ngân cho Công ty Bình Hà 2.687 tỷ đồng.

Tuy nhiên, 4 tháng sau, Công ty Bình Hà thực hiện dự án thì kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty không hiệu quả, hàng ngàn con bò giống nhập về phải bán vội vì không có hiệu quả kinh tế. Điều này khiến Công ty Bình Hà lỗ lũy kế hơn 900 tỷ đồng, không có khả năng trả nợ cho BIDV.

Công ty Bình Hà sau đó chuyển dự án nuôi bò sang trồng chuối, tuy nhiên việc kinh doanh chuối cũng rơi vào bế tắc. Cho đến nay, tổng thiệt hại mà Công ty Bình Hà gây ra tại BIDV là hơn 890 tỷ đồng.

Minh Anh
Bình luận
vtcnews.vn