Bắt cóc trẻ em: Vấn nạn nhức nhối không lời đáp tại Trung Quốc

Đời sốngChủ Nhật, 15/10/2017 09:00:00 +07:00

Những hủ tục lạc hậu và sự lơi lỏng của chính quyền đã tạo điều kiện cho nạn cắt cóc trẻ em hoành hành trắng trợn tại đất nước này

Khởi đầu của cơn ác mộng

Những vụ bắt cóc đẩy những đứa trẻ trong sáng vào một cuộc đời khổ sở thường diễn ra đột ngột vào những ngày hết sức bình thường. Đó là một trưa sau khi tan học, cô bé Cheng Ying 5 tuổi đứng ở trường chờ mẹ tới đón. Sốt ruột vì nghĩ mẹ chưa kịp tới, Ying quyết định đi bộ về nhà bởi nhà cô bé cách trường học chưa đầy một trạm xe bus. 

Chị Jin Lunju - mẹ của Ying đến trường đón con gái lúc 12h10, tức là chỉ vài phút sau khi cô bé biến mất. Cứ nghĩ rằng con gái sang nhà bạn chơi, chị về nhà ngồi đợi. Đến khoảng 2h chiều, lòng như lửa đốt, chị gọi điện cho chồng. Anh Cheng Zhu ngay lập tức đi tìm con gái ở những nơi bé có thể lui tới. Không thấy tăm tích con đâu, anh bàng hoàng nhận ra rất có thể con mình đã rơi vào tay bọn buôn người.

Tuyệt vọng, anh đến cảnh sát trình cầu cứu. Ở đồn đầu tiên, cảnh sát nói rằng con bé mất tích chưa đầy 24 tiếng nên không tiếp nhận vụ việc. Anh Zhu tiếp tục tới đồn cảnh sát thứ hai, nhưng lời cầu xin điều tra của anh vẫn bị từ chối. 


Anh Zhu trên hành trình tìm kiếm con gái 

Hành trình đi tìm con

Người bố trong cơn hoảng loạn đã lao đi gõ cửa từng căn nhà, tìm kiếm từng trạm xe buýt và huy động tới 70 người thân cùng bạn bè giúp sức, thế nhưng không thể tìm ra vết tích của bé Ying ở đâu cả.

Suốt 10 năm sau đó, anh Zhu bỏ việc đi khắp đất nước, cố gắng dán thông báo con gái mất tích khắp mọi nơi, ra sức nhờ mọi người xung quanh giúp anh chia sẻ thông tin và tận dụng các trang mạng xã hội để lan truyền câu chuyện của gia đình mình nhằm tìm kiếm tung tích của Ying. 

Trên hành trình miệt mài đi tìm con, vô số lần anh Zhu đã phải nếm trải nhiều cay đắng: từng bị cảnh sát bắt giữ, bị dân địa phương xua đuổi, bị kẻ gian lợi dụng lừa tiền. Nhưng nghĩ tới con gái, anh chưa bao giờ nghĩ tới việc dừng lại. 

Cuộc sống đầy tủi nhục của bé gái bị bắt cóc


Những đứa trẻ bị bắt cóc sẽ được  bị nhốt trong một căn nhà cùng các đứa trẻ khác (Ảnh minh họa) 

Về phần Ying, cô bé bất hạnh sau khi bị tống lên taxi thì phát hiện ra kẻ lạ mặt kia là một người phụ nữ chuyên bắt cóc và buôn lậu trẻ em. Ying sau đó bị nhốt trong một căn nhà cùng 6 đứa trẻ khác, ngày ngày bị đánh đập vô cùng dã man và thường xuyên bị bỏ đói.

Hai năm sau đó, cô bé may mắn trốn thoát khỏi địa ngục kinh hoàng ấy và đến khai trình sự việc với cảnh sát. Thế nhưng không ai tại đồn tin lời nói của một cô bé 7 tuổi cả vì họ nghĩ rằng đây là trò lừa gạt của một cô bé thù ghét gia đình. Bơ vơ trên đường phố, cô bé lại một lần nữa bị bắt và bán đi, lần này là cho một cặp vợ chồng nuôi con bị hiếm muộn. 

Ngày đoàn viên

Tuy được cặp vợ chồng nọ chăm lo nhưng Ying luôn nhung nhớ về gia đình thực sự của mình. 10 năm sau đó, khi lần đầu tiên được tiếp xúc với điện thoại, cô bé ngay lập tức lên mạng và tìm thông tin của cha mẹ ruột của chính mình.

Cô bé tìm địa điểm ngày xưa gia đình mình từng sống và dò la thông tin về những người đang tìm con tại địa phương này. May mắn thay, một người phụ nữ tốt bụng là người quen của anh Zhu đã chủ động liên lạc và hỏi thăm cô bé. 

Ngày được gặp lại cha, Ying lo lắng bất an tới độ bồn chồn không yên. Về phần anh Zhu – cha của cô bé – anh cũng hết sức thận trọng bởi hy vọng tìm ra con gái thực sự của anh đã bị những kẻ gian lợi dụng nhiều lần. 


Khoảnh khắc khi hai cha con gặp lại nhau

"Cha?", cô bé hỏi vào khoảnh khắc hai cha con gặp mặt nhau, "Cha có nhớ vết sẹo trên cổ tay con không?"

Và chính lúc ấy anh Zhu biết rằng mình đã tìm được đứa con gái mất tích suốt 10 năm của mình. Tai nạn để lại vết sẹo trên cổ tay xảy ra lúc Ying lên hai tuổi và gia đình anh chưa bao giờ kể chuyện này với ai cả. Hai cha con ôm nhau òa khóc như để bù đắp cho 10 năm lạc mất nhau và phải trải qua bao nhiêu tủi khổ.  

Video: Cảnh sát Hà Lan khống chế nghi phạm bắt cóc con tin 

Thực trạng bắt cóc tại Trung Quốc

Câu chuyện của gia đình bé Ying chỉ là một trong số những gia đình may mắn tìm lại được con mình sau 10 năm xa cách. Trên thực tế, có rất nhiều gia đình khác vẫn đang mòn mỏi tìm con nhưng vẫn bặt vô âm tín. Một số nghiên cứu ước tính con số này dao động từ 20.000 đến 200.000. Đây là một con số đáng báo động nếu so với ba triệu trẻ sơ sinh ra đời mỗi năm ở Trung Quốc từ 2017 đến 2020 theo dự đoán của chính phủ. 

Nguyên nhân khiến nạn bắt cóc ngày càng gia tăng là vì các gia đình, đặc biệt là những gia đình ở vùng nông thôn, rất thích đông con, nhất là con trai. Chưa kể theo phong tục thì một gia đình có thể tặng con cái cho những người họ hàng hiếm muộn. Điều này tạo nên lớp vỏ bọc hoàn hảo cho hoạt động buôn bán trẻ em. 

Những kẻ buôn trẻ em thường là những kẻ táng tận lương tâm mờ mắt vì đồng tiền. Theo chuyên gia Anqi Shen làm việc tại trường đại học Teesside của Anh, một bé trai sơ sinh có thể bán trao tay với giá 18.000 USD ở những tỉnh miền đông khá giả. Chưa kể chính sự thờ ơ của chính quyền đã tiếp tay cho những hành vi phạm pháp phi nhân tính này tiếp tục lan rộng trong xã hội Trung Quốc hiện đại. 

Tuy vậy theo Bộ Công an Trung Quốc, các học giả đã làm quá mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Năm 2014, công an giải cứu thành công 4.000 trẻ em và trong một chiến dịch kéo dài từ 2009 đến 2012, 35.000 trẻ em đã được giải thoát và 9.000 băng đảng buôn người sa lưới.

Mong rằng trong tương lai gần, dưới sức ép của công luận thì chính phủ và công an sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc xét xử cũng như xử lý những vụ bắt cóc trẻ em để những đứa trẻ ngây thơ được lớn lên dưới vòng tay của gia đình như các em xứng đáng được hưởng.

Giang Lê
Bình luận
vtcnews.vn