Bắt chuột để ăn, chuột cắn sốt li bì

Sức khỏeThứ Bảy, 24/11/2012 11:20:00 +07:00

(VTC News) – Đang mùa gặt, anh Tiến cùng 4 người bạn rủ nhau đi bắt chuột về đánh chén. Không may, anh bị chuột cắn sốt li bì hơn 1 ngày.

(VTC News) – Đang mùa gặt, anh Tiến cùng 4 người bạn rủ nhau đi bắt chuột về đánh chén. Không may, anh bị chuột cắn sốt li bì hơn 1 ngày.

Mỗi buổi bắt vài chục chú chuột đồng

Chuột đồng được bắt xong nhồi vào lồng.
Anh Văn Tiến (Thị Trấn Phùng, Đan Phượng) cho biết: Giờ đang là mùa gặt, sau khi cánh đồng được gặt xong, trơ lại rạ cũng là lúc anh cùng đám bạn cầm cuốc, cầm lưới ra đồng bẫy chuột.

Chuột thường đào hang ở rệ ruộng, vì vậy với những người có kinh nghiệm chỉ cần nhìn thoáng là biết hang đó có chuột ở trong hay không.

Anh Tiến bảo: Nhìn vào hang thấy đất xung quanh chắc, nhẵn chứng tỏ chuột hay ra vào. Cổng hang càng to, chứng tỏ chuột ở trong đó cũng lớn.

Nhưng chuột vốn rất khôn ngoan, nếu thấy động, chúng ở rịt trong hang nhất định không ló đầu. Vì vậy, công cụ không thể thiếu khi đi bắt chuột là rơm, rạ cháy được nhưng phải tạo khói. Khi phát hiện hang chuột, rơm được chất ở cửa hang. Có những hang thông nhau, nhưng cũng có hang cụt. Nhưng khi khói vào, chuột không thở được phải chạy ra.

Nếu nhà có chó, anh cũng dắt theo để chó tìm hang chuột. Đây cũng là một cách bắt chuột khá phổ biến tại Phùng.

Các anh nhà ta dùng sẵn lưỡi rình bên ngoài, chú nào ra là chụp. Mà phải chụp vào gáy. Vừa rồi, anh Tiến quáng quàng chụp vào thân một con chuột liền bị nó quay đầu lại đớp cho 1 nhát vào mu bàn tay.

Chỉ thấy chút máu chảy ra, anh cũng bỏ qua rồi tiếp tục cùng bạn săn chuột.

Đi chỉ một buổi chiều, 5 người cũng bắt được đến hơn 30 chú chuột đồng béo ngậy. Sau đó, chuột sẽ được mang về nhà thui và chế biến.

Tại thị trấn Phùng, thói quen ăn thịt chuột khá phổ biến, chỉ cần ra chợ Phùng, bạn có thể dễ dàng mua chuột đã được làm sẵn. Mùa chuột đồng, đó có thể là chuột đồng thật, nhưng cũng không ai dám chắc đó có phải toàn chuột đồng hay có cả chuột nhà.

Sau buổi chiều đó, đánh chén với bạn đến đêm khuya, anh Tiến thấy người ngây ngấy sốt. Ngày hôm sau, anh nằm li bì mê mệt. Nhưng vài ngày sau, anh đã tự khỏi vì sức đề kháng tốt.

Chuột đồng, chuột nhà đều nguy hiểm

Chuột là món ăn khoái khẩu của nhiều người.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Quang, chuột và loài gặm nhấm được xem là ổ chứa Hantavirus lây từ chuột sang người thông qua đường hô hấp do hít phải các chất bài tiết thải ra từ chuột hay bị chuột cắn, qua niêm mạc mắt và miệng, do nước hoặc thức ăn bẩn đã bị nhiễm Hantavirus trước đó, kể cả khi chết xác chuột vẫn còn phóng thích Hantavirus.

Vi rút này có trong nước tiểu, phân, nước bọt của loài gặm nhấm như chuột nuôi làm cảnh, chuột ở phòng thí nghiệm, chuột đồng, chuột cống…  Do đó, bắt chuột đồng cũng dễ mắc vi rut này.

Khi bị nhiễm Hantavirus, bệnh nhân có triệu chứng sốt cao 3 – 5 ngày, có khi sốt kéo dài 4 – 6 tuần. Từ khi nhiễm Hantavirus đến khi phát bệnh khoảng 9 – 35 ngày, nhưng đa số từ 9 – 24 ngày. Bệnh có biểu hiện qua 4 thời kỳ: sốt, đau cơ lớn (các cơ vai, đùi, lưng), người gai lạnh, suy nhược, đau đầu, chán ăn, buồn nôn, có khi nôn, đau bụng (tăng dần) và tiêu chảy….

Trường hợp bệnh diễn tiến nặng, nếu phát hiện muộn, bệnh nhân có thể tử vong (tỷ lệ tử vong từ 6 – 10%) do suy hô hấp, suy tim, suy thận phải.

Vì vậy, bác sĩ Quang khuyến cáo, bắt chuột cần phải mang bao tay tránh tiếp xúc trực tiếp với chuột.

Ngoài ra, chuột còn truyền bệnh Sodoku cho người bị cắn. Trao đổi với PV VTC News, bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cho biết: Vừa qua, ở viện ông cũng có 3 bệnh nhân nhập viện do chuột  cắn.

Các bệnh nhân vào khám trong tình trạng sốt, được lấy máu xét nghiệm và mắc bệnh Sodoku do một loại xoắn khuẩn có tên là Spirillum minus gây ra.

Khi bị chuột mắc bệnh cắn phải, xoắn khuẩn sẽ theo nước bọt chuột xâm nhập cơ thể qua vết cắn.

Chỗ cắn bị viêm rồi dần dần bị loét, kèm theo nổi hạch ở vùng lân cận. Xoắn khuẩn, lan tràn khắp cơ thể rồi cư trú trong các cơ quan như gan, thận, thượng thận, tinh hoàn, buồng trứng... Từ đây, xoắn khuẩn sẽ vào máu từng đợt gây ra các đợt sốt.

Nếu bệnh diễn biến nặng, không điều trị kịp thời, có thể bị biến chứng như viêm màng não, nhồi máu cơ tim, viêm gan, viêm màng phổi, viêm mào tinh hoàn, thiếu máu nặng.

Đến ngày hôm 23/11, 3 bệnh nhân này đã được xuất viện trong tình trạng ổn định sau khi được điều trị bằng kháng sinh.







Nguyễn Tâm

Bình luận
vtcnews.vn